Bản in
Phát triển ngành KH&CN vật liệu: nhân lực là yếu tố quyết định
“Cần có chính sách cụ thể để xây dựng đội ngũ cán bộ KH&CN, hệ thống văn bản pháp luật quản lý KH&CN có tính hội nhập quốc tế, có sự hỗ trợ tài chính thích hợp và cần chủ động trong công tác tổ chức thực hiện.”

Đó là chia sẻ của GS.TS.NCVCC Nguyễn Quang Liêm, Viện trưởng Viện Khoa học Vật liệu, Viện KH&CN Việt Nam về chính sách cần có để phát triển ngành KH&CN vật liệu bên lề Hội nghị Bộ trưởng KH&CN ASEAN lần thứ 14 (AMMST-14) và ASEAN COST 62.

- Xin ông cho biết vai trò của hợp tác quốc tế trong KH&CN nói chung và lĩnh vực vật liệu nói riêng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam?

Hợp tác quốc tế về KH&CN có vai trò hết sức quan trọng, mang tính tự nhiên tất yếu trong quá trình hội nhập quốc tế. Nói cách khác, không có hợp tác quốc tế thì không có hội nhập và không biết làm thế nào để hội nhập. Không có hội nhập thì không phát triển KH&CN đến được tầm cao để có thể làm cơ sở phát triển nền kinh tế tri thức.

Trong lĩnh vực KH&CN vật liệu, hợp tác quốc tế cho chúng ta tiếp cận nguồn tri thức về KH&CN vật liệu tiên tiến, ví dụ như vật liệu nanô, vật liệu có tính năng đặc biệt,..; xây dựng được đội ngũ cán bộ, từng bước nâng cao trình độ, hoà nhập thực sự vào nền KH&CN quốc tế, từ đó có đóng góp thiết thực trong việc xây dựng nền kinh tế tri thức để phát triển hiệu quả kinh tế xã hội.

Mới đây Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án hội nhập quốc tế về KH&CN đến năm 2020, tạo điều kiện thúc đẩy các hoạt động liên quan.

- ASEAN COST có mục tiêu xúc tiến, thúc đẩy phát triển nhân lực KH&CN, tạo điều kiện chuyển giao công nghệ từ các nước tiên tiến sang ASEAN và giữa các nước ASEAN với nhau. Xin ông cho biết thành tựu hợp tác quốc tế giữa Việt Nam - ASEAN mà ngành KH&CN vật liệu đạt được trong thời gian qua?

Thời gian qua, trong khuôn khổ hợp tác quốc tế giữa Việt Nam - ASEAN ngành KH&CN vật liệu đạt được một số thành tựu đáng ghi nhận.

Thứ nhất, thúc đẩy hợp tác nghiên cứu KH&CN trong nội khối và khối ASEAN với đối tác chiến lược. Trong Tiểu ban KH&CN vật liệu (SCMST), Việt Nam đã tham gia một số chương trình KH&CN hợp tác nội bộ ASEAN về nghiên cứu chế tạo vật liệu xúc tác, hợp kim chịu mài mòn,… đạt được kết quả tốt. Đồng thời, cùng với các nước ASEAN khác như Malaysia, Indonesia và Philippines, Việt Nam đang tổ chức triển khai thực hiện một số chương trình hợp tác nghiên cứu KH&CN vật liệu, ví dụ Dự án phun phủ nhiệt kim loại thực hiện với đối tác Ấn Độ,..

Thứ hai, triển khai hợp tác quốc tế đã giúp từng bước nâng cao năng lực nghiên cứu trong nước và năng lực tổ chức các chương trình hợp tác nghiên cứu quốc tế, giúp chúng ta tự tin hơn trong quá trình hội nhập quốc tế. Trong quá trình hoạt động chúng ta nhận thức được rằng có thể thúc đẩy triển khai một số chương trình nghiên cứu quốc tế trên tư cách khối ASEAN hợp tác với các đối tác lớn như EU, Mỹ, Trung Quốc, Ấn độ, Pakistan, Nhật Bản, Hàn Quốc,…

Hiện nay, Việt Nam đang đóng vai trò chủ động xây dựng một Chương trình hợp tác EU-ASEAN về vật liệu quang xúc tác ứng dụng trong công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường (quỹ EU FP7 tài trợ) và chương trình ASEAN - Pakistan nghiên cứu chế tạo pin mặt trời (Quỹ hợp tác ASEAN - Pakistan tài trợ).

- Trong hợp tác KH&CN với ASEAN, ngành KH&CN vật liệu Việt Nam còn gặp khó khăn gì, thưa ông?

Khó khăn cơ bản trong hợp tác KH&CN giữa Việt Nam và các nước ASEAN có lẽ là sự hạn chế, yếu của từng nước, không cho phép một nước này có thể vượt trội hẳn để hỗ trợ nước khác hoặc đóng vai trò dẫn đầu trong một chương trình chung có quy mô lớn.

Hơn nữa, sự phối hợp mang tính hiệp trội chưa được phát huy do thiếu tính chủ động trong xây dựng các dự án cần có sự hỗ trợ lẫn nhau.

Tuy nhiên, tôi cho rằng hình ảnh hợp tác giữa những đối tác yếu sẽ được thay bằng bức tranh sáng sủa hơn nếu mỗi quốc gia đều nhận thức được vai trò động lực của KH&CN đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, có chính sách hợp tác quốc tế phù hợp, có đầu tư thích đáng, nhất là đầu tư xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

- Theo ông, thời gian tới, ngành KH&CN vật liệu Việt Nam cần có những chính sách gì trong khuôn khổ hợp tác với ASEAN?

Tôi cho rằng cần có chính sách cụ thể để xây dựng đội ngũ cán bộ KH&CN, hệ thống văn bản pháp luật quản lý KH&CN có tính hội nhập quốc tế, có sự hỗ trợ tài chính và cần chủ động trong công tác tổ chức thực hiện.

Song song với đó là cần có chính sách trọng dụng và đãi ngộ phù hợp để có thể thu hút, phát triển được lực lượng cán bộ KH&CN có chất lượng tốt. Đây là yếu tố quyết định trong tất cả các hoạt động, không riêng gì trong lĩnh vực KH&CN.

Bên cạnh đó, các cán bộ KH&CN cần thực hiện các nhiệm vụ theo đặt hàng của nhà nước, kể cả nhiệm vụ quan trọng như: xác định chiến lược phát triển KH&CN, xây dựng chính sách KH&CN, định hướng cho các nghiên cứu và triển khai công tác nghiên cứu.

Hệ thống văn bản pháp luật quản lý KH&CN có tính hội nhập quốc tế và sự hỗ trợ thích hợp về tài chính là yếu tố quan trọng thúc đẩy hiệu quả hợp tác quốc tế. Về hỗ trợ tài chính, cần xác lập theo nhu cầu công việc và mục tiêu cần đạt chứ không nên theo “định mức” chủ quan.

Hơn nữa, chúng ta cần chủ động trong công tác tổ chức thực hiện, xác định mục tiêu lâu dài và cho từng giai đoạn phát triển, xây dựng được lộ trình thực hiện phù hợp. Thêm vào đó, cần xây dựng chính sách phù hợp nhằm giúp cán bộ KH&N chủ động trong triển khai hợp tác với các nước ASEAN, tạo được những hợp tác mang tính hiệp trội, hiệu quả cao. Chính sách sẽ thực sự phát huy tác dụng và sinh động nếu hướng tới con người, phục vụ lợi ích của con người. Vấn đề ở đây là cần cân nhắc sao cho xây dựng chính sách có tính đặc thù trong nghiên cứu và quản lý KH&CN.
                                                                                                                                                                   Phương Nga