Bản in
AMMST-14 và COST-62 sẽ thúc đẩy hợp tác KH&CN giữa Việt Nam và ASEAN
Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Lê Đình Tiến tại buổi họp báo diễn ra chiều 16/11 về giới thiệu chương trình Hội nghị Bộ trưởng KH&CN ASEAN lần thứ 14 (AMMST-14) và Hội nghị Ủy ban KH&CN ASEAN lần thứ 62 (COST-62) sẽ tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 21 đến 26/11 tới.
Mục đích của Hội nghị AMMST-14 và COST-62 là tiếp tục thảo luận các vấn đề nhằm tăng cường hơn nữa hợp tác về KH&CN trong khu vực ASEAN, hướng tới xây dựng cộng đồng ASEAN vào năm 2015 dựa trên ba trụ cột: cộng đồng chính trị - an ninh (APSC), cộng đồng kinh tế (AEC) và cộng đồng văn hóa xã hội (ACSC).
 
Các chủ đề dự kiến sẽ được thảo luận tại hội nghị gồm: Đánh giá các kết quả đã được trong các chương trình hợp tác về KH&CN giữa các nước ASEAN; Kế hoạch hành động của ASEAN – APAST giai đoạn 2012-2017; Triển khai sáng kiến Krabi "Khoa học, Công nghệ và Sáng tạo (STI) vì một ASEAN cạnh tranh, bền vững và hội nhập"; Thảo luận các sáng kiến mới được nêu ra tại Hội nghị như đề xuất của Thái Lan về việc thiết lập Mạng lưới cơ quan pháp quy hạt nhân khu vực Đông Nam Á (ASEANTOM), giới thiệu về sự kiện Hội chợ Techmart quốc tế 2012 (International Techmart 2012) dự kiến tổ chức vào Quý III năm 2012 tại Hà Nội ,Việt Nam.
 
Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Đình Tiến khẳng định, đây là cơ hội để tiếp tục khẳng định vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế sau khi Việt Nam đã thể hiện thành công vai trò chủ tịch ASEAN vào năm 2010. Hơn nữa, Việt Nam sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch Ủy ban KH&CN ASEAN nhiệm kỳ 2011-2012, điều này sẽ góp phần tăng cường vai trò của Việt Nam và thúc đẩy hợp tác KH&CN giữa Việt Nam và ASEAN trong bối cảnh ASEAN đang ngày càng đẩy mạnh tiến trình hội nhập trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, KH&CN.
 
 
Hội nghị Bộ trưởng KH&CN ASEAN chính thức lần thứ 6 được tổ chức năm 2010 tại Krabi - Thái Lan, các Bộ trưởng KH&CN ASEAN xác định "Sáng kiến Krabi 2010" như là một định hướng chiến lược để nâng cao khả năng cạnh tranh, bền vững và toàn diện của ASEAN bằng cách sử dụng khoa học, công nghệ và sáng tạo.
 
 
Theo đó, “Sáng kiến Krabi 2010" gồm 8 lĩnh vực trọng tâm gồm: Đổi mới thị trường toàn cầu ASEAN; Nền kinh tế kỹ thuật số, phương tiện truyền thông đại chúng hiện đại và mạng xã hội; Công nghệ xanh; An ninh lương thực; An ninh năng lượng; Quản lý nước; Đa dạng sinh học vì sức khỏe và sự thịnh vượng; Khoa học và sự sáng tạo phục vụ cho cuộc sống.
 
Các hoạt động KH&CN trong khuôn khổ hợp tác ASEAN chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực nghiên cứu chuyên ngành mang tính học thuật, "Sáng kiến Krabi năm 2010" đề xuất thay đổi mô hình hoạt động nhằm mang lại lợi ích của khoa học đến các công dân ASEAN đó là: Hội nhập văn hóa về Khoa học, công nghệ và sáng tạo; Tập trung vào nhóm “đáy của kim tự tháp”; Đổi mới tập trung vào thế hệ trẻ; KH&CN và đổi mới vì một xã hội xanh; Các đối tác chiến lược chung và riêng”, bà Hà Thị Lâm Hồng cho hay.
 
Được biết, Việt Nam đã tích cực tham gia các hoạt động hợp tác về KH&CN của ASEAN như: tham gia Hội nghị Bộ trưởng KH&CN ASEAN; tham gia Ủy ban KH&CN ASEAN - COST, các Ủy ban hỗn hợp, Tiểu ban, Nhóm công tác trực thuộc COST; tích cực tham gia các dự án hợp tác của ASEAN về công nghệ sinh học, năng lượng mới và năng lượng tái sinh, công nghệ viễn thám, khoa học biển, công nghệ thông tin và vi điện tử.
 
Mai Chi