Bản in
Bình đẳng giới trong KHCN và đổi mới sáng tạo
Mới đây, lần đầu tiên Hội nghị Quốc tế dành cho các nhà lãnh đạo nữ về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã được Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên Hợp Quốc (UNESCO) và Cục Hợp tác nước ngoài thuộc Bộ Ngoại giao của Israel phối hợp tổ chức tại Thành phố Haifa – Israel. Phóng viên có cuộc phỏng vấn bà Lê Thị Khánh Vân - Phó Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN quốc gia, đại biểu của Việt Nam tham dự Hội nghị về vấn đề này.

Được biết, bà vừa vinh dự là đại biểu của Việt Nam tham dự Hội nghị Quốc tế dành cho các nhà lãnh đạo nữ về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Nội dung và mục đích của Hội nghị này là gì thưa bà?

- Hội nghị được tổ chức với mục đích tìm kiếm phương thức cải thiện sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) và đổi mới sáng tạo với sự nhấn mạnh thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ thông qua giáo dục và đào tạo. Hội nghị đã tập trung vào một số vấn đề chủ yếu như: hậu quả của sự bất bình đẳng giới trong KH&CN cũng như trong đào tạo kỹ sư và đào tạo cán bộ KH&CN; khảo sát những ứng dụng thực tiễn tốt để vượt qua các thách thức và đưa ra giải pháp gắn kết hiệu quả giữa KH&CN với đào tạo và chiến lược phát triển xã hội, từ đó hỗ trợ tốt hơn bình đẳng giới; thống nhất và đưa ra những giải pháp triển khai ứng dụng nhanh kết quả nghiên cứu KH&CN vào sản xuất, các vấn đề liên quan đến cam kết chính sách ủng hộ bình đẳng giới của chính phủ các nước.

Bà có thể cho biết một số kết quả nổi bật của Hội nghị?

- Hội nghị đã nhất trí Bản tuyên bố chung với nhiều nội dung cụ thể, trong đó khẳng định một số quan điểm: giáo dục ở mọi cấp độ là quyền con người, nam và nữ đều có quyền bình đẳng như nhau; công nhận sự đóng góp của phụ nữ vào KH&CN, đặc biệt sự áp dụng tiến bộ KH&CN ở nông thôn; công nhận bình đẳng giới trong giáo dục đào tạo về KH&CN và đổi mới sáng tạo; công nhận vai trò của chính phủ các nước về việc thúc đẩy bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực trong đó có KH&CN và đổi mới sáng tạo; truyền thông có vai trò lớn trong việc thúc đẩy quyền bình đẳng giới trong KH&CN và đổi mới sáng tạo.

Đồng thời, kiến nghị chính phủ của các nước, các tổ chức quốc tế và các cộng đồng khoa học hướng dẫn nghiên cứu ở mọi cấp độ để xác định và hiểu rõ những yếu tố cơ bản về thiếu hụt nữ giới trong KH&CN hiện nay cũng như chiến lược và hành động để chỉ đạo bình đẳng giới; tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia học tập trong lĩnh vực KH&CN và đổi mới sáng tạo, soạn thảo chính sách, ra quyết định ở mọi cấp độ; khuyến khích khu vực tư nhân và hội nghề nghiệp đầu tư vào các chương trình tạo điều kiện phát triển nghề nghiệp cho phụ nữ. Cùng với đó, đề nghị các cơ quan thẩm quyền tạo ra nhiều tiến bộ KH&CN thích ứng với nhu cầu hiện tại và tương lai của phụ nữ; tăng cường hợp tác quốc tế, tạo lập và phát triển mạng lưới phụ nữ toàn cầu để chia sẻ các kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục đào tạo phụ nữ về KH&CN, đặc biệt thông qua các dự án hợp tác của các nước đang phát triển với các nước phát triển.


Các nhà lãnh đạo nữ về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chụp ảnh lưu
niệm cùng ban tổ chức.

Việc thiếu hụt nữ giới tham gia vào các lĩnh vực giáo dục, đào tạo đặc biệt là trong nghiên cứu KH&CN và đổi mới sáng tạo là tình trạng chung của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Bà suy nghĩ thế nào về vấn đề này tại Việt Nam?

- Hiện nay ở Việt Nam, tỉ lệ phụ nữ tham gia vào nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ chiếm 38,5% trong tổng số các nhà khoa học của cả nước. Nhìn chung, tỉ lệ này đã bình đẳng hơn trước và so với một số nước trong khu vực. Sau thời kỳ đổi mới, trình độ học vấn của Việt Nam tăng lên đáng kể. Cùng với đó, đời sống kinh tế của phụ nữ rõ ràng có nhiều cải thiện. Đây cũng là những thuận lợi để nữ giới có điều kiện tham gia vào các hoạt động xã hội, nghiên cứu khoa học.

Tại Hội nghị, tôi cũng đã có bài tham luận nói rõ về tình hình phụ nữ Việt Nam và nhấn mạnh những giá trị của người phụ nữ Việt Nam đều được xã hội hiểu và trân trọng. Nếu xét trên phạm vi Châu Á thì phụ nữ Việt Nam có quyền bình đẳng tương đối khá. Hiến pháp Việt Nam từ năm 1946 đã quy định về nam nữ bình quyền và ở Việt Nam hiện nay thì có Luật Bình đẳng giới.

Tuy nhiên, người phụ nữ hiện nay còn gặp nhiều khó khăn. Vấn đề bất bình đẳng giới theo quan niệm phương Đông đã làm cho phụ nữ thiết thòi trong nhiều phương diện. Hơn nữa, vấn đề bạo lực gia đình và nhiều phụ nữ còn tự ti cũng là tác nhân cản trở sự phát triển của nữ giới.

Theo bà, cần có hành động cụ thể nào để người phụ nữ  bình đẳng với nam giới hơn trong việc tham gia nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo?

- Theo kinh nghiệm của Israel, tại Viện Khoa học Weizmann, các tiến sĩ, giáo sư nữ chủ trì đề tài nghiên cứu khoa học quan trọng được cấp tiền hỗ trợ chi trả vào những công việc nhà, trông con để có thời gian nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Nếu có kết quả nghiên cứu có thể ứng dụng trong sản xuất sẽ được hỗ trợ kinh phí để thực hiện thương mại hóa kết quả nghiên cứu đó.

Thiết nghĩ ở Việt Nam cũng có rất nhiều tiến sĩ, giáo sư đã có những kết quả được ứng dụng trong thực tiễn, đem lại nhiều nguồn lợi cho đất nước. Nếu có thể, nên có các giải pháp khen thưởng thích đáng như tặng nhà, hoặc các hình thức khác để tôn vinh nhà khoa học nữ có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ KH&CN vào thực tiễn. Giải thưởng Kovalevskaia – giải thưởng thường niên dành tặng cho những nữ khoa học xuất sắc được tổ chức hàng năm cũng là điều rất đáng trân trọng với các nhà khoa học nữ.

Tuy nhiên về chiến lược lâu dài, Nhà nước cũng nên có chính sách tăng tỉ lệ phụ nữ tham gia vào hoạt động quản lý nhà nước, tạo điều kiện nhiều hơn cho nữ giới nâng cao năng lực, tham gia nghiên cứu khoa học nói chung và các đề tài, dự án KH&CN nói riêng. Tạo cơ hội học tập và đào tạo nhiều cấp độ cho phụ nữ. Đồng thời, tăng cường các kỹ năng và tạo cơ hội việc làm cho phụ nữ ở khu vực nông thôn nhằm giúp họ phát triển kinh tế gia đình, giải quyết việc làm khi tốc độ đô thị hóa quá nhanh.

Nhưng dù thế nào thì trước hết, người phụ nữ cũng cần có nhận thức rõ về vai trò của mình, có kế hoạch phát triển cho mình và không ngừng trau dồi, nâng cao giá trị vật chất, tinh thần cho mình và sẵn sàng đối mặt với những thử thách lớn trong cuộc sống.

Vâng, xin cảm ơn bà đã trả lời phỏng vấn!


- Phụ nữ chiếm 52% dân số Việt Nam, chiếm 46% nhân lực trong khu vực nhà nước, 60% nhân lực trong khu vực tư nhân, chiếm 20% cán bộ quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương.

- Trình độ học vấn của nữ giới: 61% tốt nghiệp trung học, cao đẳng; 34% tốt nghiệp đại học; 30% thạc sĩ; 21% tiến sĩ; 4% tiến sĩ khoa học;

- Tỉ lệ phụ nữ tham gia nghiên cứu và phát triển R&D: Tỉ lệ phụ nữ làm khoa học chiếm 38.5% nhà khoa học; phụ nữ là giáo sư: 5,1%; phó giáo sư: 11,67%.
 

 

Nguyễn Hạnh