Trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày du hành vũ trụ, ngày 13/6 tại Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga, nhà du hành vũ trụ Nga – P.I. Klimuk đã chủ trì và trả lời họp báo về các vấn đề liên quan đến Chương trình vũ trụ của nhân loại.
Đại tướng P.I.Klimuk cho biết: 50 năm qua, kể từ ngày 12.5.1961 khi Liên Xô phóng vào quỹ đạo con tàu vũ trụ Phương Đông lần đầu tiên mang theo con người trên boong tàu (Yury Gagarin), nhiều nước đã gia nhập chương trình vũ trụ và công dân của các quốc gia khác nhau đã có mặt trong vũ trụ. Nhiều thành tựu nghiên cứu khoa học vũ trụ đã được triển khai và phục vụ cuộc sống: Truyền hình vệ tinh, Internet, điện thoại di động...
Dân số thế giới dự báo trong tương lai gần có thể đạt tới 12 tỉ người, trong khi đó trữ lượng tài nguyên có hạn, vì vậy, Nga và các nước khác đang lập kế hoạch để bay vào mặt trăng (khoảng 2020 – 2030) và sao Hỏa (2050 – 2060) với mục đích nghiên cứu và tìm nguồn tài nguyên cho trái đất.
Nhà du hành vũ trụ Nga – P.I. Klimuk chủ trì buổi gặp gỡ báo chí tại Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga
Đánh giá về triển vọng hợp tác Việt Nam-Liên bang Nga trong lĩnh vực du hành vũ trụ, ông P.I Klimuk cho rằng nước Nga trước đây cũng như bây giờ vẫn là nước đứng đầu về số lượng lần phóng các con tàu vũ trụ và có đội ngũ các nhà du hành vũ trụ đông đảo nhất được đào tạo chất lượng.
Theo dự kiến, năm 2020 và 2030, Liên bang Nga sẽ thực hiện chương trình bay vào Mặt Trăng. Năm 2050 và 2060, dự kiến Liên bang Nga phối hợp với các nước trên thế giới thực hiện chuyến bay vào Sao Hỏa. Còn ở Việt Nam cũng đang phát triển rất nhanh các công nghệ sử dụng vệ tinh như truyền hình, điện thoại, Internet... Liên bang Nga và Việt Nam đã có quan hệ hợp tác phát triển mạnh mẽ ở nhiều lĩnh vực, do đó việc hai nước thúc đẩy quan hệ hợp tác về công nghệ vũ trụ là rất cần thiết.
Nhà du hành vũ trụ Nga P.I. Klimuk, 2 lần Anh hùng Liên Xô (năm 1973, 1975), Đại tướng không quân, năm 1965 gia nhập đội ngũ của các phi hành vũ trụ. Ông đã thực hiện ba chuyến bay vào vũ trụ với tư cách là chỉ huy phi hành đoàn.
Ông P.I. Klimuk hiện tại
Lần đầu, ông P.I. Klimuk đã bay vào vũ trụ cùng với kỹ sư kỹ thuật tàu Vladimir Lebedev trên tàu vũ trụ Soyuz-13. Ông thực hiện chuyến bay thứ hai của mình trên tàu Soyuz-18-2 đến trạm quỹ đạo Salyut-4.
Trong thời gian tiếp đó ông đã được đào tạo cho các chuyến bay theo chương trình Intercosmos. Chuyến bay vũ trụ lần thứ ba được ông thực hiện với tư cách chỉ huy của phi hành đoàn quốc tế với nhà du hành vũ trụ - nhà nghiên cứu người Ba Lan M. Germashevskiy trên tàu vũ trụ Soyuz-30 lên trạm quỹ đạo Salyut-6.
Tổng thời gian của cả ba chuyến bay vũ trụ là 78 ngày 18 giờ 18 phút 42 giây. Năm 1976, ông P.I. Klimuk giữ chức vụ Phó Chỉ huy phụ trách các vấn đề chính trị đội ngũ nhà du hành vũ trụ của Trung tâm Đào tạo nhà du hành vũ trụ. Năm 1978, ông là Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo các nhà du hành vũ trụ, kiêm Trưởng ban Chính trị của Trung tâm. Từ năm 1991-2003, ông P.I. Klimuk là Giám đốc Trung tâm Đào tạo các nhà du hành vũ trụ mang tên Yuri Gagarin. Ông được nhận 19 phần thưởng quốc gia.
|
Q.M
|