|
|||
Theo đó, dự án Nhà máy điện khí LNG Chân Mây do Công ty Cổ phần Chân Mây LNG tại khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên Huế làm chủ đầu tư với tổng công suất thiết kế 4.000 MW. Dự kiến, dự án Nhà máy điện khí LNG Chân Mây được khởi công xây dựng vào quý 1/2021 và vận hành thương mại giai đoạn 1 vào năm 2024. Nhà máy điện khí LNG Chân Mây với vốn sở hữu 60% Hoa Kỳ, 40% Việt Nam. Khi đưa vào hoạt động, hàng năm, Nhà máy sẽ cung cấp sản lượng điện trung bình 24-25 tỷ kWh. Đồng hành với dự án là các chương trình hỗ trợ của Chính phủ Hoa Kỳ cho các dự án đầu tư tư nhân của các doanh nghiệp Mỹ ở nước ngoài, cùng với đối tác hàng đầu thế giới về tài chính công nghệ, vận hành, cung cấp khí (nguồn được đảm bảo từ Hoa Kỳ) và quản trị doanh nghiệp U.S.Development Finance Corporation (USDFC), U.S. Asia EDGE, Ngân hàng thế giới/IFC, U.S.EXIM Bank, GE Gas Power, Black & Veatch, Baker McKenzie, E&Y, McKinsey và ERM. Dự án với tổng mức đầu tư ước tính khoảng 6 tỷ USD hứa hẹn sẽ tạo ra nhiều đột phá cho ngành năng lượng Việt Nam, thúc đẩy phát triển kinh tế và tạo công ăn việc làm sau thời kỳ dịch Covid-19, góp phần tăng trưởng mạnh quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Ngoài dự án Nhà máy điện khí LNG Chân Mây, trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao về năng lượng Việt Nam 2020 đã tổ chức ký kết 04 Bản ghi nhớ về việc hợp tác nghiên cứu đầu tư phát triển các dự án điện gió ngoài khơi giữa các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Thừa Thiên - Huế, ngân hàng, nhà đầu tư, nhà thầu chế tạo trong nước, với tổng giá trị dự kiến của các dự án khoảng trên 20 tỷ USD. Tin, ảnh: PV
|