|
|||
Hội thảo do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Diễn đàn Hợp tác Nhật Bản - ASEAN về Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (JASTIP) và Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo ASEAN (ASEAN COSTI) tổ chức. Hội thảo được tổ chức nhằm triển khai nội dung đã được thông qua tại cuộc họp đối thoại ASEAN - Nhật Bản về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) năm 2019; thực hiện trách nhiệm của Việt Nam với vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và đảm nhiệm vai trò nước điều phối quan hệ hợp tác đối thoại ASEAN - Nhật Bản nhiệm kỳ 2018-2020; góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác ASEAN - Nhật Bản.
Các phiên họp của Hội thảo tập trung vào 4 chủ đề chính: Thúc đẩy vai trò tiềm năng của Nhật Bản trong đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu và đào tạo nhằm giảm nhẹ rủi ro thiên tai trong khu vực ASEAN; Tăng cường an ninh năng lượng thông qua các công nghệ bền vững; Hợp tác bảo tồn và khai thác đa dạng sinh học đem lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia; Thúc đẩy gắn kết giữa khoa học và chính sách về KH,CN&ĐMST.
Trong khuôn khổ Hội thảo lần này, Cuộc họp Ban Điều hành Diễn đàn Hợp tác Nhật Bản - ASEAN về Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (JASTIP) cũng được tổ chức nhằm đánh giá về hoạt động của JASTIP trong giai đoạn 2015-2019, đồng thời thảo luận về phương hướng và trọng tâm hoạt động giai đoạn 2020-2025.
Diễn đàn JASTIP đã phối hợp với các nước ASEAN tổ chức nhiều hội thảo nhằm hướng tới việc đạt được các mục tiêu của Kế hoạch hành động về KH,CN&ĐMST của ASEAN (APASTI) 2016-2025 cũng như các mục tiêu trong Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững. Các hội thảo này tạo cơ hội cho các nhà hoạch định chính sách trong khu vực cũng như các thành viên chủ chốt của JASTIP trao đổi quan điểm một cách cụ thể và cởi mở về hợp tác KH,CN&ĐMST, với các nội dung khá đa dạng nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học và ĐMST hướng tới việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Đặc biệt, các hội thảo của JASTIP không chỉ nhằm thúc đẩy hoạt động hợp tác nghiên cứu ứng dụng mà còn đẩy mạnh các hoạt động hợp tác trong nghiên cứu cơ bản, với cách tiếp cận đa dạng từ lý thuyết đến thực tiễn, trên cơ sở đẩy mạnh nghiên cứu chung, mở rộng hợp tác khu vực và đào tạo các thế hệ lãnh đạo kế cận, góp phần thúc đẩy hợp tác KH,CN&ĐMST Nhật Bản - ASEAN phát triển mạnh mẽ và hiệu quả. Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bùi Thế Duy mong muốn, tại Hội thảo lần này, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận về phương hướng và giải pháp nhằm tăng cường sự tương tác hiệu quả giữa các nhà khoa học, hoạch định chính sách về KH,CN&ĐMST, hướng tới việc đạt được các mục tiêu của Kế hoạch APASTI 2016-2025 và các mục tiêu trong Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững; đồng thời thảo luận, đưa ra các khuyến nghị chính sách thông qua các ví dụ cụ thể từ thực tiễn triển khai trong khu vực.
“Chúng tôi coi trọng và đánh giá cao sự hợp tác và hỗ trợ của các nước thành viên ASEAN, của Nhật Bản cũng như các đối tác quốc tế khác. Đặc biệt, với vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, chúng tôi mong muốn đóng góp cho một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng, góp phần hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025”, Thứ trưởng Bùi Thế Duy khẳng định.
PV |