|
|||
Vấn đề cấp bách Sáng nay 10/9, Trường Đại học Việt Nhật (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Đại học Ibaraki (Nhật Bản) để đẩy mạnh hoạt động giảng dạy, nghiên cứu và hỗ trợ các hoạt động thực tập, khởi nghiệp về biến đổi khí hậu và phát triển. Biến đổi khí hậu hiện hữu ngày một rõ nét trong cuộc sống hàng ngày. Ứng phó với biến đổi khí hậu là một nhiệm vụ cấp bách và là sứ mệnh toàn cầu, với những nỗ lực từ phía các quốc gia, các tổ chức và các cá nhân. Ứng phó với biến đổi khí hậu cũng cần những nhà khoa học và chuyên gia được đào tạo bài bản với những công cụ và kỹ thuật để thực hiện sứ mệnh này. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, trong khi nguồn nhân lực để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu đang còn thiếu, Trường Đại học Việt Nhật mở Chương trình Thạc sỹ Biến đổi khí hậu và Phát triển (gọi tắt là MCCD) với mục đích đào tạo nguồn nhân lực nắm bắt và triển khai các cơ hội công việc có nhu cầu cao và bền vững này. Theo đó, hai bên thống nhất đẩy mạnh hoạt động hợp tác liên ngành, trao đổi giảng viên, nghiên cứu về biến đổi khí hậu. Trường Đại học Việt Nhật sẽ xây dựng chương trình biến đổi khí hậu và phát triển giống như Đại học Ibaraki nhưng có lựa chọn phù hợp với tình hình hiện tại và nhu cầu của Việt Nam. Giáo sư. Nobuo Mimura – Giám đốc Đại học Ibaraki cho biết, có rất nhiều bước để nghiên cứu và ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó quan trọng nhất là phải dự báo được khí hậu. Công tác dự báo có nhiều cấp độ khác nhau như: cấp toàn cầu, cấp địa phương và cấp quốc gia, cấp tỉnh và thậm chí là nhỏ hơn nữa... Sau khi có kịch bản dự báo thì phải dự đoán và dự báo ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với các ngành, các lĩnh vực khác nhau như thế nào. Thông qua Chương trình này, các học viên được trang bị kiến thức về biến đổi khí hậu, phát triển kỹ năng vận dụng sáng tạo việc học trên lớp thông qua những dự án cụ thể. Họ cũng được tiếp cận môi trường thực tế, các tổ chức biến đổi khí hậu của Việt Nam và Nhật Bản để hiểu được nhu cầu của bà con vùng chịu ảnh hưởng, từ đó hình thành các ý tưởng nghiên cứu. Việt Nam là một trong số 11 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu. Đây là môi trường thuận lợi cho hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học cũng như khởi nghiệp trong lĩnh vực này.
Đại diện Trường Đại học Việt Nhật và Đại học Ibaraki chia sẻ về Chương trình MCCD Lựa chọn và ưu tiên công nghệ hữu ích Giáo sư. Nobuo Mimura cho biết, biến đổi khí hậu là yếu tố tác động liên ngành, vì vậy cho nên các vùng ven biển, nông nghiệp, lâm nghiệp, giao thông, thủy sản... đều có thể bị tác động bởi biến đổi khí hậu. Khi dự đoán được những yếu tố ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với các ngành thì đó sẽ là lúc lựa chọn các công nghệ phù hợp để ứng phó với sự thay đổi do tác động của biến đổi khí hậu. Chúng ta sẽ lựa chọn công nghệ quan trọng, hữu ích nhất và ưu tiên cho công nghệ đó. Ngoài ra, cần có các công nghệ để đánh giá các quá trình cụ thể của việc giảm thiểu biến đổi khí hậu cũng như thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo Giáo sư. Nobuo Mimura, biến đổi khí hậu cần sự thu hút và quan tâm của xã hội. Một trong những cách có thể giảm thiểu biến đổi khí hậu là tạo ra các nguồn năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng (tiết kiệm năng lượng trong giao thông, tạo nguồn năng lượng tái tạo từ thiên nhiên) giúp giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Thông qua Chương trình MCCD phía Nhật Bản có thể chuyển giao kinh nghiệm phát triển bền vững thông qua các quá trình trao đổi về mặt chính sách, kinh nghiệm giữa hai quốc gia. Chia sẻ về sự kỳ vọng của Chương trình MCCD, GS. Mai Trọng Nhuận, Chủ tịch hội đồng đảm bảo chất lượng, Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định, đây là Chương trình quan trọng thể hiện sự kỳ vọng, quan tâm của Trường Đại học Việt Nhật. Chương trình này đáp ứng cao nhu cầu của Việt Nam về ứng phó với biến đổi khí hậu phát triển bền vững. Việt Nam cũng là một phòng thí nghiệm tự nhiên của nghiên cứu, đánh giá, dự báo, cũng như áp dụng các giải pháp để thích ứng hay giảm nhẹ biến đổi khí hậu. Như vậy, đây là môi trường thuận lợi cho nghiên cứu, đào tạo cán bộ khoa học, quản lý cũng như những người có năng lực khởi nghiệp trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Hơn nữa Đại học Ibaraki là trường có lĩnh vực nghiên cứu ứng phó với biến đổi khí hậu, với những Giáo sư xuất sắc. Chương trình đào tạo được kỳ vọng có nguồn nhân lực chất lượng cao đóng góp tích cực, quan trọng trong chống biến đổi khí hậu đối với phát triển bền vững ở Việt Nam. Việt Nam sẽ tiếp cận những công nghệ hàng đầu của Nhật Bản trong ứng phó với biến đổi khí hậu, họ sẽ có cơ hội phát triển nghề nghiệp không chỉ ở Việt Nam mà còn ở khu vực. Đại học Ibaraki là một trường có bề dày trong lĩnh vực nghiên cứu và đào tạo về biến đổi khí hậu và các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu của những khu vực như Đông Nam Á, với trung tâm là Viện Khoa học thích ứng thay đổi toàn cầu (Institute for Global Change Adaptation Science: ICAS) được thành lập năm 2006. Hiện nay, Việt Nam đang dành sự quan tâm lớn đến biến đổi khí hậu và phát triển bền vững . Chương trình biến đổi khí hậu và phát triển của Trường Đại học Việt Nhật được xây dựng dựa trên chương trình giảng dạy của Đại học Ibaraki phù hợp với tình hình hiện tại và nhu cầu của xã hội Việt Nam, đào tạo cho người học khả năng giải quyết các vấn đề, cung cấp kỹ năng, tri thức mang tính học thuật về nguyên lý, ảnh hưởng và phát triển bền vững liên quan đến biến đổi khí hậu. Việc ký kết hợp tác với Đại học Ibaraki, Trường Đại học Việt Nhật sẽ đẩy mạnh hoạt động hợp tác liên ngành, trao đổi giảng viên, nghiên cứu về biến đổi khí hậu giữa hai trường. “Ứng phó với biến đổi khí hậu là bài toán của toàn cầu, Chương trình MCCD sẽ trở thành hình mẫu hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Nhật Bản không chỉ hướng tới 45 năm Việt Nam – Nhật Bản mà còn là một trong những chương trình đặt nền móng cho sự phát triển bền vững của Việt Nam”, GS. Mai Trọng Nhuận cho hay.
Bảo Chi |