|
|||
Trước đó, ngày 10/7/2018, tại NewYork, Hoa Kỳ, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã công bố báo cáo về xếp hạng Chỉ số đổi mới toàn cầu (GII) năm 2018. Việt Nam được xếp hạng 45 trên 126 quốc gia và nền kinh tế, tăng 02 vị trí so với năm 2017. Đây là thứ hạng cao nhất Việt Nam đạt được từ trước đến nay. Tham dự sự kiện, có Đại sứ Dương Chí Dũng, Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh Liên Hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Giơ-ne-vơ, Thụy Sỹ, Chủ tịch Đại hội đồng WIPO; Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy; Ông Hoàng Minh, Giám đốc Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (KH, CN&ĐMST); ông Sacha Wunsch- Wincent, chuyên gia cao cấp của WIPO; và các đồng nghiệp của Tổ chức WIPO, cùng các đại diện các Bộ, ngành cơ quan tại Việt Nam.
Xác định các vấn đề cần tiếp tục triển khai thực hiện để cải thiện chỉ số ĐMST
Ông Hoàng Minh, Giám đốc Học viện KH, CN&ĐMST cho biết, Hội thảo nhằm trao đổi, thảo luận giữa các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ để xác định các vấn đề cần tiếp tục triển khai thực hiện để cải thiện chỉ số ĐMST, trong đó tập trung rà soát việc phân công chủ trì cải thiện chỉ số ĐMST; bên cạnh đó, các chuyên gia của WIPO cung cấp thông tin cập nhật về chỉ số ĐMST năm 2018 sẽ giúp làm rõ những vấn đề mang tính kỹ thuật trong việc cải thiện các chỉ số. Từ đó sẽ giúp các Bộ, ngành và địa phương xây dựng kế hoạch, triển khai nhiệm vụ đã được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 19 năm 2017 và Nghị quyết số 19 năm 2018.
Ông Hoàng Minh, Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo phát biểu tại Hội thảo trực tuyến.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bùi Thế Duy khẳng định, Chỉ số GII là một bộ công cụ đánh giá xếp hạng năng lực ĐMST của các quốc gia và các nền kinh tế, được WIPO phối hợp với Trường kinh doanh INSEAD (Pháp) và Đại học Cornell (Hoa Kỳ) xây dựng lần đầu tiên vào năm 2007. Phương pháp đánh giá được liên tục hoàn thiện qua các năm, và là hệ quy chiếu toàn diện nhất để đánh giá năng lực đổi mới sáng tạo của các quốc gia và các nền kinh tế.
Chỉ số ĐMST toàn cầu năm 2018 vẫn được chia thành 7 trụ cột chính (5 trụ cột đầu vào và 2 trụ cột đầu vào), trong đó những trụ cột có điểm kết quả tăng trong lần công bố lần này gồm Thể chế, Trình độ phát triển của thị trường, Trình độ phát triển của kinh doanh, Sản phẩm sáng tạo, Nguồn nhân lực và nghiên cứu…
Đạt được kết quả như nêu trên, trước hết là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt và toàn diện của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trên mọi lĩnh vực, như đã thể hiện tại một số văn bản chỉ đạo, điều hành như Nghị quyết 01, Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 của Chính phủ. Đặc biệt, việc đặt ra các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể và phân công từng bộ, cơ quan chủ trì cải thiện từng chỉ số ĐMST tại Nghị quyết 19 năm 2017 thể hiện quyết tâm rất lớn của Chính phủ trong việc nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia.
Ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ KH&CN: Đạt được kết quả như nêu trên, trước hết là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt và toàn diện của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trên mọi lĩnh vực.
Bên cạnh đó, cũng phải kể đến sự hỗ trợ tích cực, kịp thời về kỹ thuật của WIPO cũng đã góp phần không nhỏ trong việc đánh giá, đưa ra bức tranh toàn diện về hệ thống ĐMST của Việt Nam. Đây là kết quả rất tích cực cho những cố gắng của chúng ta trong năm và cũng cần phải tiếp tục cố gắng trong thời gian tới.
Thứ trưởng cho biết, gần đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 19 năm 2018 ngày 15 tháng 5 năm 2018 về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo. Điều này đã thể hiện sự quyết tâm của Đảng và Chính phủ Việt Nam, cùng vào cuộc để tạo sức bật mới trong cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đây không những là vấn đề về nâng tầm hình ảnh và vị thế quốc gia mà còn là cơ hội tạo thế mạnh trong thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Khẳng định sự quan tâm của Chính phủ đối với hoạt động ĐMST.
Đại sứ Dương Chí Dũng khẳng định, việc tiến hành Hội thảo qua cầu truyền hình trực tiếp hôm nay cho thấy ý nghĩa và tầm quan trọng to lớn của ĐMST đối với đời sống của con người và sự quan tâm của Chính phủ đối với hoạt động ĐMST.
Năm nay, Việt Nam cùng với Malaysia, Thái Lan, Indonesia tiếp tục nâng cao thứ hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo trong khu vực ASEAN, trong đó Việt Nam xếp sau Singapore Malaysia, Thái Lan và xếp trên Brunei, Philippines, Indonesia, và Cam pu chia. Việt Nam được đánh giá là nước vượt trội về Chỉ số đổi mới sáng tạo so với trình độ phát triển, đứng đầu trong ASEAN về đầu tư cho giáo dục và thu được những kết quả tốt ở các chỉ số về tăng trưởng năng suất lao động, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. So sánh trong nhóm các quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp, Việt Nam giành điểm cao ở cả 7 trụ cột quyết định Chỉ số ĐMST.
Đại sứ Dương Chí Dũng: Việc cải thiện đáng kể thứ hạng của Việt Nam trong Bảng xếp hạng Chỉ số ĐMST 2018 là kết quả của sự quan tâm và chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Thủ tướng và Lãnh đạo Chính phủ, cũng như sự nỗ lực của các Bộ, Ngành hữu quan, đứng đầu là Bộ KH&CN
Tổng giám đốc WIPO Francis Gurry cũng đánh giá cao thứ hạng 45 của Việt Nam trong bảng xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo 2018, coi đây là kết quả tốt, đáng khích lệ trong bảng xếp hạng toàn cầu, đặc biệt trong nhóm các nước có mức thu nhập trung bình thấp, cũng như trong khu vực ASEAN.
“Việc cải thiện đáng kể thứ hạng của Việt Nam trong Bảng xếp hạng Chỉ số ĐMST 2018 là kết quả của sự quan tâm và chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Thủ tướng và Lãnh đạo Chính phủ, cũng như sự nỗ lực của các Bộ, Ngành hữu quan, đứng đầu là Bộ KH&CN được Chính phủ giao làm đầu mối phối hợp với các Bộ, Ngành để triển khai đồng bộ các giải pháp”, Đại sứ nhấn mạnh.
Đại sứ cũng đánh giá cao sự hỗ trợ, hợp tác hiệu quả của WIPO dành cho Việt Nam trong lĩnh vực Sở hữu trí tuệ nói chung và việc cải thiện vị thế của Việt Nam trong bảng xếp hạng Chỉ số ĐMST nói riêng thông qua các hoạt động/dự án hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng năng lực. Một trong số các dự án hỗ trợ kỹ thuật rất có ý nghĩa và quan trọng mà WIPO đang giúp Việt Nam là xây dựng Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia, trong đó bao gồm chính sách ĐMST và mong muốn và hy vọng tiếp tục nhận được sự trợ giúp của WIPO.
Tuy nhiên, theo đại sứ, để phát huy tiềm năng sáng tạo to lớn của Việt Nam, cần có chính sách khuyến khích, thúc đẩy ĐMST, bao gồm cả chính sách đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Đại sứ khẳng định, tại địa bàn Giơ-ne-vơ, Thụy Sỹ, Phái đoàn luôn sẵn sàng hỗ trợ các Bộ, Ban, Ngành có liên quan trong việc tổ chức các đoàn trong nước sang công tác tại Thụy Sỹ để học hỏi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin với WIPO và các tổ chức quốc tế liên quan khác.
Theo ông Sacha Wunsch - Vincent, chuyên gia cao cấp của WIPO, Việt Nam đang nổi lên là một quốc gia đặc biệt vì liên tục thăng hạng trong bảng xếp hạng ĐMST toàn cầu. Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất có sự chỉ đạo từ cấp Thủ tướng với một Nghị quyết thành lập một nhóm chuyên viên đặc biệt, các Bộ, Ban, Ngành để cùng thúc đẩy chính sách ĐMST.
Để tiếp tục cải thiện thứ hạng trong Chỉ số ĐMST, Việt Nam cần tiếp tục tập trung cải thiện các nhóm chỉ số về môi trường kinh doanh, thị trường vốn và đầu tư, ứng dụng tri thức và công nghệ, đặc biệt là sớm hoàn thành Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia Việt Nam để làm động lực thúc đẩy việc thực hiện các giải pháp nhằm tiếp tục duy trì và nâng cao hơn nữa Chỉ số ĐMST toàn cầu của Việt Nam trong những năm tới.
Toàn cảnh Hội thảo.
“Tôi cho rằng, Chỉ số ĐMST là một chủ đề khá mới mẻ đối với các Bộ, Ngành, vì vậy tôi kiến nghị Nhà nước nên tổ chức các chuyến nghiên cứu, khảo sát hoặc thiết lập các khuôn khổ hợp tác song phương với các tổ chức quốc tế như WIPO và các nước có thứ hạng cao trong Bảng xếp hạng Chỉ số ĐMST nhằm học hỏi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin về các bài học thành công, qua đó tranh thủ sự giúp đỡ của họ.”, ông Sacha Wunsch – Vincent chia sẻ thêm.
Tại hội thảo, thứ trưởng Bùi Thế Duy khẳng định, Bộ KH&CN sẽ tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành có liên quan để tiếp tục triển khai thực hiện để cải thiện chỉ số ĐMST. Thứ trưởng đề nghị Học viện KH,CN&ĐMST tiếp tục cập nhật sổ tay hướng dẫn, đặc biệt là các chỉ số mới năm 2018; Tổ chức tập huấn về hoạt động này cho cac Bộ, ngành có nhu cầu, đồng thời phối hợp với Văn phòng Chính phủ kiểm tra tiến độ của các Bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai cải thiện chỉ số; phối hợp với các chuyên gia WIPO học hỏi các phương pháp cải thiện chỉ số để hỗ trợ hiệu quả cho các Bộ, ngành, địa phương…
Bài, ảnh: PV
|