Bản in
Chuyển giao kỹ thuật trong phẫu thuật can thiệp tim mạch
Trong vòng ba ngày, 13 ca mổ tim và can thiệp mạch máu đã thành công tại Khoa Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực (Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức), dưới sự tài trợ trang thiết bị, hướng dẫn và chuyển giao công nghệ y học do GS Pi-ê-rơ Ðờ-sau-tơ, Chủ tịch Hội Phát triển mạch máu Ðông - Nam Á (AIPCV-ADVASE) phụ trách. Kíp mổ, có sự tham gia của các bác sĩ đến từ một số bệnh viện của Pháp phối hợp các giáo sư, bác sĩ Việt Nam.

Ca mổ gây ấn tượng nhất là ca của cháu Nguyễn Vân Anh, 7 tuổi (Long Biên, Hà Nội), bị hẹp động mạch chủ. Sau khi làm các xét nghiệm lâm sàng, kíp phẫu thuật quyết định đặt stent cho cháu. Mẹ cháu, chị Ngô Thị Dung cho biết, cách đây hai tháng, cháu đi học về, mặt mũi tím tái,  hỏi thì cháu bảo con rất khó thở, một lúc sau thấy cháu bình thường. Ðến đêm, cháu ngồi dậy và nói "con không thở được", tôi phải ngồi bế cháu, cả đêm cháu ngủ không yên giấc, giật mình và thở gấp, đến gần sáng, gia đình hoảng quá đưa cháu vào cấp cứu tại Bệnh viện Xanh-pôn. Sau khi làm các xét nghiệm, chụp X quang, các bác sĩ kết luận, cháu bị hở van hai lá và kê đơn thuốc về nhà uống. Sức khỏe ổn định được nửa tháng thì cháu lại bị ho, và đêm cháu thều thào "con khó thở quá, mẹ ơi cứu con'". Gia đình lại đưa vội cháu vào cấp cứu tại Bệnh viện Xanh-pôn và chụp 64 lớp cắt. Bác sĩ kết luận cháu bị hẹp động mạch chủ ngực. Nghe tin cháu bị bệnh như vậy, gia đình vô cùng lo lắng, có người bảo bệnh ấy khó sống lắm. Vì không hiểu biết về bệnh, gia đình gần như không còn hy vọng gì, dù chỉ là nhỏ nhất.

Ðúng lúc ấy, có đoàn giáo sư người Pháp sang Việt Nam giúp chuyển giao công nghệ y học tiên tiến và phối hợp các giáo sư, bác sĩ Việt Nam phẫu thuật và can thiệp mạch máu tại Khoa Phẫu thuật tim mạch Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức, có thể chữa được bệnh của con tôi. Gia đình tôi đã đưa cháu đến bệnh viện, sau khi khám, các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật cho cháu. Niềm vui vỡ òa với gia đình tôi, khi các bác sĩ bước ra khỏi phòng mổ, thông báo: "Ca phẫu thuật của con chị rất thành công!". Tôi chỉ biết ôm chầm lấy họ, nghẹn ngào không nói nên lời. Họ là những người sinh ra con tôi lần thứ hai.

Ca mổ phức tạp nhất là của ông L.V.H, 75 tuổi (Hà Nội). Kết luận của bác sĩ cho thấy, ông bị phồng động mạch chủ bụng dưới thận và động mạch chậu gốc hai bên dọa vỡ, tăng huyết áp. Nếu không mổ kịp thời, người bệnh sẽ chết do vỡ túi phình. Bằng kỹ thuật mổ với đường mổ ít xâm lấn, kíp mổ do GS A-lin Cạc-đông và GS Pi-ê-rơ Ðờ-sau-tơ trực tiếp phẫu thuật, đã cắt túi phồng, ghép động mạch chủ nhân tạo. Sau gần ba giờ, ca mổ đã thành công.

13 ca mổ và can thiệp mạch máu trong ba ngày, đều bắt đầu từ 8 giờ sáng đến đêm, giờ nghỉ của họ là những lúc thay phiên vào trực và mổ. Khi họ rời khỏi phòng phẫu thuật, với đôi mắt họ đỏ hoe trên những khuôn mặt hốc hác vì căng thẳng và mất ngủ, cũng là lúc màn đêm buông xuống.

Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức, PGS Nguyễn Hữu Ước cho biết: Các ca mổ và can thiệp mạch máu của Khoa Phẫu thuật tim mạch Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức, dưới sự trợ giúp trực tiếp của Ðoàn giáo sư, bác sĩ đến từ Pháp, đã thành công. Ðây là các ca mổ với phương pháp y học hiện đại, bằng kỹ thuật ít xâm lấn, đường mổ nhỏ, tính thẩm mỹ cao, mất máu ít, người bệnh hồi phục nhanh, xuất viện sớm... So với mổ kinh điển vết mổ sẽ để lại sẹo dài, thời gian hồi phục chậm, gây cảm giác đau và ảnh hưởng đến đường hô hấp, nhất là đối với người cao tuổi. Các ca mổ lần này, toàn bộ dụng cụ chuyên khoa đặt vào mạch máu... được miễn phí hoàn toàn. Hội Phát triển mạch máu Ðông - Nam Á đã tài trợ cho Khoa Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực một số trang, thiết bị với tổng trị giá hơn 50 nghìn ơ-rô.

Với việc chuyển giao kỹ thuật tiên tiến cũng như các trang thiết bị, tạo điều kiện để đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế của Khoa Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức vượt qua khó khăn, đem  niềm vui, hạnh phúc đến với nhiều gia đình.

Theo Nhandan.com.vn