|
|||
Vải thiều là một loại cây ăn quả có giá trị kinh tế trên thị trường trong nước và thế giới. Sản lượng thu hoạch vải ở Việt Nam lớn, năm 2015 sản lượng đạt 195.000 tấn. Tuy nhiên thời gian thu hoạch ngắn, chỉ từ 30-45 ngày và quả thường bị hư hỏng nhanh. Một giải pháp kỹ thuật hiện đại như công nghệ CAS (Cells Alive System) được ứng dụng để kéo dài thời gian bảo quản vải thiều, giữ được chất lượng quả vải thiều tươi, giảm tỷ lệ tốn thất, đáp ứng nhu cầu tạo ra sản phẩm vải thiều hàng hóa cao phục vụ nội tiêu và xuất khẩu là việc làm cần thiết và cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Xuất phát từ thực tế này, từ đầu năm 2015 đến nay nhóm nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu và Phát triển Vùng do ThS Tạ Thu Hằng làm chủ nhiệm đã thực hiện dự án “Hoàn thiện quy trình công nghệ bảo quản vải thiều bằng công nghệ CAS (Cells Alive System) phục vụ xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản”. Dự án xuất phát từ Nghị định thư: “Hợp tác xây dựng trung tâm Công nghệ CAS bảo quản nông sản, thủy sản, thực phẩm ở Việt Nam”. Từ Dự án trên, nhóm nghiên cứu khẳng định được công nghệ CAS có thể bảo quản vải thiều từ 1-2 năm, chất lượng tốt đạt 90% như quả vải thiều tươi. Sau 15 tháng triển khai nghiên cứu và thực hiện sản xuất thử nghiệm, dự án đã hoàn thành toàn bộ nội dung nghiên cứu và đạt được mục tiêu đề ra. Dự án đã xây dựng được 01 mô hình sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn GlobalGAP quy mô 5ha tại Xã Hồng Giang- Lục Ngạn- Bắc Giang, thực hiện 01 mô hình bảo quản và tiêu thụ vải thiều sang thị trường Nhật Bản với sản lượng 10 tấn, xây dựng 01 bộ tiêu chuẩn nguyên liệu đầu vào của quả vải thiều theo công nghệ CAS, hoàn thiện 01 quy trình bảo quản vải thiều bằng công nghệ CAS quy mô 120kg/mẻ thời gian bảo quản tối thiểu 6 tháng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản. Thành công của Dự án sẽ là cơ sở để cho các doanh nghiệp có thể áp dụng quy trình bảo quản bằng công nghệ CAS cho quả vải thiều và các sản phẩm khác phục vụ tiêu thụ trong và ngoài nước. Ngoài ra, từ mô hình chăm sóc vải thiều theo tiêu chuẩn GlobalGAP quy mô 5ha địa phương có thể tiếp tục nhân rộng mô hình để nâng cao giá trị hàng hóa cho quả vải thiều.. Mới đây, dự án được nghiệm thu tại Hà Nội và được hội đồng đánh giá có giá trị thực tiễn cao. Tin, ảnh: H.A |