|
|||
Tham dự tọa đàm có TS. Đỗ Tiến Dũng, Giám đốc Cơ quan điều hành Quỹ Nafosted; ThS. Mai Thế Bình – Phó Giám đốc Cơ quan điều hành Quỹ Nafosted; GS.TS. Nguyễn Hữu Đức – Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Ban khoa học và công nghệ (KH&CN) – Đại học Quốc gia Hà Nội; PGS.TS. Phạm Quang Minh – Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV, một số đơn vị của Đại học Quốc gia Hà Nội và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam… Thúc đẩy công bố quốc tế trên các Tạp chí khoa học có chỉ số ảnh hưởng cao (ISI/Scopus) và xuất bản tại các Nhà xuất bản có uy tín được Trường ĐHKHXH&NV quan tâm thực hiện trong thời gian qua bằng các giải pháp và kế hoạch cụ thể. Tọa đàm “Công bố quốc tế trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn: Những giải pháp tổng thể” được tổ chức nhằm tiếp tục thực hiện chủ trương này và để hướng đến có những sản phẩm khoa học chất lượng cao, được quảng bá rộng rãi với cộng đồng khoa học quốc tế. Thông qua tọa đàm nhằm bàn thảo những chính sách trợ giúp để thúc đẩy công bố quốc tế trong thời gian tới đặc biệt là trong lĩnh vực KHXH&NV… Tại tọa đàm, các đại biểu đã được nghe giới thiệu các chương trình trợ giúp công bố quốc tế từ Quỹ Nafosted; chia sẻ những kinh nghiệm công bố, xuất bản quốc tế của Trường ĐHKHXH&NV, một số đơn vị của Đại học Quốc gia Hà Nội, một số đơn vị của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; thảo luận các nội dung liên quan đến xây dựng nhóm nghiên cứu trẻ, nhóm trợ giúp xuất bản quốc tế, lựa chọn tạp chí quốc tế phù hợp; các giải pháp nâng cao năng lực nghiên cứu, cơ hội xuất bản quốc tế… PGS.TS. Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV khẳng định nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế là hoạt động trọng tâm của Trường ĐHKHXH&NV. Là người đã có nhiều công bố quốc tế trên các Tạp chí khoa học có chỉ số ảnh hưởng cao (ISI/Scopus), PGS.TS. Phạm Quang Minh đã chia sẻ một số khó khăn cũng như thuận lợi đối với các nhà khoa học trong việc viết các bài báo công bố quốc tế. Theo đó, các nhà khoa học cần tích cực, chủ động, có trách nhiệm tham gia các hội thảo, tọa đàm quốc tế; xây dựng quan hệ chuyên môn với các học giả quốc tế/việt kiều; tìm hiểu cách viết một bài báo quốc tế; nâng cao trình độ tiếng Anh học thuật; tìm hiểu về các tạp chí quốc tế. Chia sẻ tại tọa đàm, TS. Đỗ Tiến Dũng cho biết, tọa đàm hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng công bố khoa học thông qua hoạt động hội nhập quốc tế. Từ khi thành lập, Quỹ Nafosted hướng tới việc hỗ trợ các nhóm nghiên cứu, các tổ chức KH&CN thực hiện các nghiên cứu làm sao đảm bảo chất lượng cao nhất, hội nhập quốc tế làm sao cho việc nghiên cứu của nhà trường, viện, của các trung tâm đạt chất lượng cao nhất, đảm bảo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Khi mới hoạt động, Quỹ Nafosted đã có chương trình nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực KHXH&NV thực hiện tương đối đều đặn từ năm 2010, đến 2015, sau khi có Luật KH&CN sửa đổi, điều lệ mới của Quỹ hướng tới các bài báo công bố trên tạp chí, tổ chức xuất bản quốc tế có uy tín, với chính sách này góp phần khuyến khích thúc đẩy các công bố quốc tế tại các đơn vị giáo dục lớn trong cả nước. Ngoài chương trình nghiên cứu cơ bản, Quỹ Nafosted có một số chương trình khác như chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực quốc gia, trong đó có nhiều hoạt động hỗ trợ cho môi trường nghiên cứu hội nhập quốc tế, đặc biệt là chương trình hỗ trợ các nhà khoa học trẻ. “Hi vọng chương trình của Quỹ Nafosted đến được với các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ tài năng, tọa đàm thực sự là cơ hội các nhà khoa học trao đổi trực tiếp để Quỹ Nafosted có những thông tin cụ thể, trên cơ sở đó có sự điều chỉnh các chính sách kịp thời”, ông Đỗ Tiến Dũng bày tỏ.
Tin, ảnh: Bảo Chi
|