|
|||
Về xã Yên Mạc, huyện Yên Mô (Ninh Bình) hỏi lão nông dân mê sáng chế Lê Văn Dung ai cũng biết. Một người chỉ đường cho chúng tôi nói: “Nhờ có ông Dung sáng chế mà nhiều công đoạn trong sản xuất nông nghiệp của bà con chúng tôi bớt khó nhọc. Mấy cái máy ông Dung làm rất hữu ích, bán giá cũng rẻ hơn nhiều so với ngoài thị trường”. Hỏi ra mới biết, từ khi sản phẩm đầu tay ông Dung sáng chế là chiếc máy kéo lúa, sau đó sản xuất bán cho bà con nông dân, thì đến nay lão nông này đã chế tạo ra nhiều loại máy khác nhau phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Bà con nông dân có nhu cầu, ông lại lên ý tưởng chế tạo, rồi sản xuất. Căn nhà nhỏ của vợ chồng ông Dung nằm ngay bên đường liên xã, lúc nào cũng tấp nập người đến mua máy, xem máy, đặt hàng, … Bận việc như “nuôi con mọn” nhưng cứ có khách đến cần tư vấn làm loại máy gì, ông lại dành thời gian chia sẻ về “đứa con tinh thần của mình”. Lão nông Dung chỉ học hết lớp 5, thời trai trẻ cũng bôn ba đủ mọi nơi, làm đủ thứ nghề kiếm sống. Cuối cùng, nghề sửa xe máy nuôi gia đình được ông cho là “vận vào thân” giờ cũng đành gác lại để sáng chế phục vụ bà con nông dân. Quê ông đồng chiêm trũng, vào mỗi vùa gặt để đưa lúa lên được bờ là cả kỳ tích, không chỉ mất công sức mà còn mất nhiều thời gian vì ruộng lầy lội. Mỗi mùa gặt, thấy vợ cực nhọc, ông mày mò chế tạo ra chiếc máy kéo lúa bằng động cơ xe máy bỏ đi. “Nhiều năm làm nghề sửa xe, tôi thấy động cơ xe máy Tàu (Trung Quốc) bỏ đi rất nhiều, bán sắt vụ thì phí lắm. Tôi nghĩ, giờ chuyển động cơ này thành cái máy kéo lúa thì khỏe và nhỏ gọn lắm. Thế là tôi mày mò làm ra chiếc máy này. Đem ra đồng làm, máy cứ kéo vù vù, bà con trong làng thấy ai cũng ưng mượn về sử dụng”, ông Dung kể. Chiếc máy kéo lúa đầu tiên ông Dung làm cho gia đình, sử dụng chưa được vụ gặt thì có có người đến năn nỉ mua lại. Nể quá, ông phải bán đi rồi làm cái khác. “Sau đó, cứ làm ra được cái nào thì lại có người đến mua. Có vụ nhà tôi cũng phải đi mượn máy về dùng vì máy làm ra bán hết”, ông Dung nói. Sáng chế ra chiếc máy kéo lúa thấy chỉ sử dụng cho việc kéo không thì phí sức động cơ. Ông Dung lại mày mò chế tạo từ chiếc máy này “lai” thêm bộ phận bơm nước. Mùa gặt thì kéo lúa, mùa khô thì bơm nước. Sản phẩm tiện ích của ông một lần nữa được bà con nông dân say đắm. Chỉ trong năm 2014, ông bán cả trăm chiếc máy “2 trong 1” vừa bơm nước vừa kéo này. Chưa thỏa mãn với máy “2 trong 1”, ông tiếp tục nghiên cứu làm ra những chiếc máy khác hữu ích hơn. Trong đó, phải kể đến: máy cày, bơm nước, kéo bằng động cơ xe máy; máy phát điện, bơm nước bằng động cơ xe máy; máy thái băm chuối; máy nghiền bột…. Đặc biệt, trong năm 2015 ông Dung đã chế tạo thành công chiếc máy cấy lúa không cần động cơ. Hiện, ông đã xuất bán ra thị trường gần 100 chiếc máy này. Nông dân ở khắp nơi từ Thanh Hóa, Nghệ An, Nam Định… đều tìm đến đặt để mua chiếc máy đặc biệt này. Máy phát điện bằng động cơ xe máy là một trong những sáng chế mới nhất của ông Dung Gần đây nhất, ông vừa xuất xưởng chiếc máy cày “4 trong 1” (cày ruộng, bơm nước, kéo lúa, phát điện), ông Dung khoe: “Hiện tôi đã hoàn thành bản vẽ và làm xong các chi tiết của chiếc máy cày “10 trong 1” (cày bừa, bơm nước, kéo, phát điện, gặt lúa, băm đất, phun thuốc trừ sâu…). Chiếc máy này sẽ lắp ráp và hoàn thành trong nay mai”. Ông Dung bật mí, tất cả các công dụng trên chiếc máy cày đặc biệt này đều sử dụng sức của động cơ xe máy. Hệ thống truyền tải được thiết kế hợp lý, để khi không dùng tiện ích này có thể chuyển sang dùng tiện ích khách một cách dễ dàng. Chiếc máy có thể di chuyển đến mọi nơi, mọi địa hình, nhỏ gọn hơn máy dùng động cơ diezen và rất tiết kiệm nhiên liệu. Một điều dễ nhận thấy, tất cả các loại máy do ông Dung chế tạo ra đều từ “sắt vụn”. Ông cất công đi mua những chiếc xe máy Tàu bị hư hỏng về, sau đó tháo rời từng bộ phận. Phần động cơ, ông lau chùi sạch sẽ, sửa chữa lại cho hoạt động được. Ông sử dụng động cơ này là phần động cơ chính cho những chiếc máy mà mình chế tạo ra. Chiếc xe máy “sắt vụn” không phải bỏ đi bất cứ bộ phận gì. Nhông, xích của xe ông biến thành xích tải truyền cho chiếc máy kéo; bánh xe chế thành bánh máy cày; vòng bị của động cơ xe hư hỏng biến thành bi của các bộ phận máy khác… Ngoài "xác" xe máy Tàu, ông Dung còn đến các điểm thu mua phế liệu mua về các cần lái máy cày cũ, bánh răng, ống sắt, tôn lá, dây cáp, hay cù phát điện cũ… về chế biến thành các bộ phận của máy cày, máy kéo, máy phát điện…. “Tận dụng những đồ phế liệu không có nghĩa là không tốt. Đồ xe máy cũ có những bộ phận rất bền, những đồ phế liệu khác chế tạo hợp lý, đúng công năng cũng sử dụng rất tốt. Nhất là giá thành của những chiếc máy này hợp với túi tiền của bà con nông dân", ông Dung nói. Với những sáng chế độc đáo của mình, ông Dung nhiều lần được Hội Liên hiệp khoa học kỹ thuật, Sở Khoa học – Công nghệ, Hội Nông dân, tỉnh Ninh Bình tặng bằng khen và cấp giấy chứng nhận sáng chế. |