|
|||
Đó là công nghệ sấy khô bánh tráng vô cùng hiệu quả đã xuất sắc vượt qua 250 đề tài khác để giành giải nhất tại cuộc thi Holicim Prize toàn quốc (sân chơi khoa học dành cho sinh viên-PV) của 2 cô gái Nguyễn Thị Hà và Đào Thị Phượng (khoa Công nghệ Nhiệt – Điện lạnh, Đại học Bách khoa Đà Nẵng). Ý tưởng bắt nguồn từ cơn mưa Tình cờ có dịp thực tế về vùng quê Đại Lộc (nơi sản xuất bánh tráng có tiếng của tỉnh Quảng Nam), tình cờ hứng cơn mưa chiều bất chợt, để rồi chứng kiến cảnh bà con nông dân chạy đôn chạy đáo, mướt mồ hôi hột thu gom những mẻ bánh tráng đang phơi dở nắng. Chính những hình ảnh tình cờ ấy đã khiến hai bạn trăn trở, đau đáu khi trở lại giảng đường. Nhắc đến quá trình thai nghén ý tưởng, Hà kể: “Hình ảnh những người nông dân vất vả phơi bánh tráng quả thật đã in đậm trong tâm trí của chúng em. Lúc ấy, em và Phượng đều nung nấu suy nghĩ là mình phải làm một điều gì đó giúp bà con nơi đây chấm dứt tình cảnh sấy khô bánh mà không phụ thuộc vào thời tiết. Vậy là cả hai ngay lập tức bắt tay thực hiện cùng chuỗi những kế hoạch, ý tưởng”. Và sau nhiều lần bàn bạc, hội ý, lắm lúc cả hai bất đồng khi đưa ra nhiều quan điểm trái chiều, Hà và Phượng đã đi đến thống nhất là xây dựng một thiết bị giúp sấy khô bánh tráng bằng việc tận dụng chính nguồn nhiệt thải từ lò tráng bánh. Nói rõ về ý tưởng lạ lẫm này, Phượng chia sẻ, quá trình hấp bánh, người làm bánh sẽ sử dụng một lượng nhiệt từ khí đốt không hề nhỏ, nếu chỉ tráng bánh mà không tận dụng nguồn năng lượng nhiệt còn lại để sấy bánh thì sẽ lãng phí và vất vả hơn khi phải đi phơi bánh. Từ đó, nhóm thiết kế lò hấp để tích lũy nhiệt trong giàn ống ở phần ngưng. Môi chất ở phần ngưng nhận nhiệt của khói thải đến sôi thành hơi rồi chuyển động lên phần ngưng của dàn ống nhiệt. Tại đây, không khí được cấp vào cửa sổ nhận nhiệt của môi chất thành không khí nóng rồi được quạt hút vào buồng sấy, trao đổi nhiệt ẩm với bánh rồi thoát ra ngoài. Hơi nước trong ống nhiệt sau khi nhả nhiệt cho không khí ngưng tụ thành chất lỏng rồi chuyển động về lại phần sôi, theo một chu trình liên tục. Tiết kiệm, chất lượng, giảm thiểu ô nhiễm Sản phẩm của Hà và Phượng được hội đồng khoa học chấm giải đánh giá cao bởi những ưu điểm nổi bật rất dễ nhận thấy. Đó là người làm bánh không phải canh cánh âu lo bởi điều kiện thời tiết không còn ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, đồng thời tiết kiệm một khoản chi phí không nhỏ cho nhiên liệu như than, củi, mùn cưa để sấy khô bánh vào mùa mưa. Đặc biệt, với việc sấy bánh theo một dây chuyền khép kín sẽ đảm bảo an toàn vệ sinh hơn so với phơi bánh ngoài trời như trước đây. Sáng chế xuất sắc giành giải giất của cuộc thi Holicim Prize - Ảnh: Tam Liên Sau khi “ẵm” tổng số tiền thưởng lên đến 270 triệu đồng từ cuộc thi, nhóm dự định sử dụng vào mục đích đẩy mạnh sản xuất đại trà loại thiết bị này trong tương lai không xa. Giữa tháng 4 vừa qua, người dân làng bánh tráng Đại Lộc hồ hởi, "mắt tròn mắt dẹt" khi lần đầu tiên mục sở thị thiết bị sấy bánh tráng mà từ trước đến nay họ chưa từng nghĩ đến. Sản phẩm này đã được Phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Đại Lộc bàn giao cho hộ ông Trương Hạnh (trú thị trấn Ái Nghĩa) sử dụng thử nghiệm vì đây là hộ sản xuất bánh tráng nhiều bậc nhất ở địa phương và tỏ ra hào hứng với thiết bị này ngay từ lúc lắng nghe các bạn sinh viên giới thiệu. Sau 4 tháng sử dụng công nghệ hiện đại trong sấy khô bánh tráng, ông Hạnh phấn khởi khoe: “Từ ngày làm khô bánh bằng chiếc máy này, năng suất sấy bánh tăng thấy rõ với 40kg/ngày (trung bình 600 chiếc bánh). Theo tính toán, ngày trước gia đình tôi mất khoảng trên dưới chục triệu đồng cho công lao động bỏ ra để sấy bánh, bây giờ chỉ tốn tầm 300 nghìn đồng sử dụng điện cho hệ thống sấy carolifer. Rất nhiều hộ làm bánh khác trong và ngoài huyện đã đến xem quy trình vận hành và bày tỏ mong muốn đưa thiết bị này vào phục vụ công đoạn sấy bánh tại cơ sở mình. Hiện mọi người vẫn đang chờ ngày làm việc trực tiếp với nhóm sinh viên sáng chế để được tư vấn, hướng dẫn cụ thể”. Chia sẻ về dự định đưa ứng dụng này nhân rộng trong thực tế đời sống, Phượng và Hà cho hay: “Tụi em sẵn sàng đẩy mạnh sản xuất nếu được hỗ trợ đầu tư. Những hạn chế từ sản phẩm đầu tay đã được cả hai khắc phục, nhất là khâu hàn cơ khí, chúng em đã tìm ra phương án hàn đảm bảo chắc chắn mà không phỏng tay”.
|