Bản in
Sinh viên Bách khoa chế tạo máy sấy nông sản sử dụng nhiệt mặt trời
Máy sấy nông sản sử dụng nhiệt năng thu được để sấy khô nông sản vừa đảm bảo chất lượng, vừa thân thiện với môi trường. Máy được thiết kế dựa trên hệ thống bức xạ nhiệt mặt trời, định hướng tự động theo tâm mặt trời.

Việt Nam có hơn 10 triệu hộ sản xuất nông nghiệp với nhu cầu sấy khô nông sản rất lớn nhưng đa số các hộ sản xuất đều đang áp dụng phương pháp phơi sấy, bảo quản theo những cách truyền thống mà hiện nay còn nhiều nhược điểm, phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên, chất lượng sản phẩm không đảm bảo.

Bên cạnh đó, nguồn năng lượng hóa thạch lại là tác nhân chính gây ô nhiễm môi trường và hiệu ứng nhà kính nên việc tìm ra các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch dần thay thế năng lượng hóa thạch trở thành một yêu cầu cấp thiết và được nhiều quốc gia quan tâm, trong đó có Việt Nam.

Đặng Đức Trường – sinh viên Lớp KTCK5-K56, Viện Cơ khí, Trường đại học Bách khoa Hà Nội đã nghiên cứu, thiết kế, chế tạo hệ thống bức xạ nhiệt mặt trời định hướng tự động theo tâm mặt trời và sử dụng nhiệt năng thu được ứng dụng vào lĩnh vực sấy nông sản.

Trao đổi với Báo điện tử Một Thế Giới, Đức Trường chia sẻ: “Xuất phát từ thực tế Việt Nam là nước nông nghiệp với nguồn nông sản thu hoạch lớn, có yêu cầu cao về sấy khô để tích trữ và đảm bảo chất lượng; đồng thời, với lợi thế có nguồn bức xạ mặt trời dồi dào, việc sử dụng năng lượng mặt trời tạo ra nhiệt có giá thành rẻ nên đây chính là điểm thuận lợi cho em thiết kế sản phẩm này”.

Trong khoảng thời gian từ tháng 9.2015 đến tháng 6.2016, dưới sự hướng dẫn của TS Đặng Thái Việt, Trường đã hoàn thành sản phẩm này với những thành công ban đầu.

Giải thích thêm về mô hình này, Đức Trường cho biết kết cấu của hệ thống gồm một máng Parabol inox có tác dụng tập trung nhiệt vào tiêu điểm của máng, nơi có ống thủy tinh hấp thụ nhiệt. Máng Parabol sẽ phản chiếu ánh sáng mặt trời tập trung vào ống thủy tinh làm khí trong ống nóng lên và được quạt thổi vào buồng sấy làm bay hơi ẩm trong nông sản.

“Để tối ưu hóa lượng nhiệt hấp thụ được, máng Parabol được điều khiển tự động bám theo tâm mặt trời bằng cách sử dụng cảm biến ánh sáng đặt 2 bên của tấm chắn giúp cảm nhận cường độ ánh sáng. Nếu cảm biến nào cảm nhận được cường độ ánh sáng lớn hơn thì máng Parabol sẽ tự động quay về phía đó. Để dẫn động cho máng quay, hệ thống sử dụng động cơ Servo thông qua bộ truyền trục vít - bánh vít, bộ truyền bánh răng và bộ truyền xích”, Trường phân tích về kết cấu cũng như nguyên lý hoạt động của máy.

Kết cấu của máy sấy nông sản và hệ thống lồng sấy

Trong một khoảng thời gian ngắn, Trường cùng giáo viên hướng dẫn đã cùng tìm tòi, phân tích để cho ra được một sản phẩm có tính ứng dụng cao. Tuy nhiên, để có được thành quả như hiện tại, cậu sinh viên Bách khoa đã gặp không ít khó khăn.

Theo Trường, khó khăn lớn nhất chính là việc tính toán nhiệt lượng  thu được, cũng như vấn đề truyền nhiệt sao cho khoa học, thích hợp để nông sản được sấy khô trong điều kiện nhiệt độ an toàn và bảo quản được lâu. Đồng thời, khâu thiết kế cũng khiến chàng trai mê nghiên cứu vô cùng đau đầu khi phải tìm cho ra một thiết kế hoàn thiện, tiện dụng.

“Khi tạo ra sản phẩm, em mong muốn giảm chi phí và thời gian làm khô nông sản cho người nông dân và phần nào đó làm giảm ô nhiễm môi trường. Trong tương lai, em cũng rất mong muốn sản phẩm sẽ sớm đến tay bà con nông dân, giúp cuộc sống của bà con được cải thiện hơn”, Đức Trường nói.