Bản in
Công nghệ thuộc da trâu bò thân thiện với môi trường thay thế nhập khẩu
Nhóm nghiên cứu do ThS. Nguyễn Mạnh Khôi, Viện Nghiên cứu da giày, Bộ Công Thương làm chủ nhiệm đã nghiên cứu thành công quy trình thuộc da trâu bò thân thiện với môi trường, giảm 1/3 giá thành so với phương pháp truyền thống. Thành công này đã giải quyết được vấn đề về khan hiếm nguồn nhiên liệu tại chỗ, tiến tới thay thế hàng nhập khẩu.

Thay thế công nghệ truyền thống

Chiến lược phát triển của Chính phủ thì đến năm 2020 số lượng trâu, bò ở nước ta chăn nuôi khoảng 13 triệu con bò và 2,9 triệu con trâu. Theo đó, số lượng da trâu, bò lột mổ hàng năm gần đủ khả năng cung cấp cho nhà máy thuộc da. Tuy nhiên các lò mổ thiếu tập trung; công nghệ mổ, lột da, thu gom, bảo quản còn lạc hậu, cũ kỹ nên chất lượng da không đạt yêu cầu trong khi các doanh nghiệp có thể tiêu thụ số lượng da rất lớn.

Bên cạnh đó, nguyên liệu của ngành da – giày chiếm 80% giá trị của sản phẩm trong đó khâu thuộc da đóng vai trò quan trọng nhất. Theo Hiệp hội da – giày - túi xách Việt Nam thì nhu cầu da thuộc năm 2015 khoảng 700 – 750 triệu feet vuông, trong khi các nhà máy thuộc da trong nước và cả nhà máy nước ngoài đầu tư tại Việt Nam mới chỉ đáp ứng khoảng 30%, còn lại phải đi nhập khẩu. Bên cạnh đó nguồn cung tại chỗ vẫn gặp một số vấn đề về chất lượng và vệ sinh môi trường.

ThS. Nguyễn Mạnh Khôi cũng đưa ra báo cáo Quy hoạch tổng thế phát triển ngành da – giày Việt Nam cho thấy, đến năm 2020, tầm nhìn 2025, ngành da – giày sẽ được xây dựng thành một ngành công nghiệp xuất khẩu mũi nhọn quan trọng của nền kinh tế; Việt Nam tiếp tục giữ vị trí trong nhóm các nước sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm da – giày hàng đầu thế giới và tiếp tục tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội, đồng thời, nâng dần tỷ lệ đạt 75-80% và năm 2025 đạt 80 – 85%.

Tuy nhiên, theo ThS. Nguyễn Mạnh Khôi, một trong những thách thức lớn của ngành công nghiệp da - giày trong nước là khan hiếm nguồn nguyên liệu tại chỗ. Hiện nay, trong nước mới chỉ đáp ứng khoảng 30% sản xuất còn lại vẫn phải đi nhập khẩu với giá thành cao. Ngành thuộc da trong nước còn hạn chế do chưa có công nghệ thân thiện với môi trường.
Để đáp ứng được nhu cầu sản xuất của các doanh nghiệp trong lĩnh vực da - giày thì việc nghiên cứu quy trình công nghệ thuộc da thân thiện môi trường, có chất lượng cao là một việc rất bức thiết.

Đạt tiêu chuẩn Châu Âu

Hiện nay, EU và Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu chính đối với mặt hàng da - giày của Việt Nam, đây là những thị trường rất khó tính về chất lượng sản phẩm và những quy định liên quan đến môi trường.

Thử nghiệm da trên phu lông hiện đại

Kỹ sư Nguyễn Hữu Cường, thành viên tham gia đề tài cho biết, trong hơn hai năm triển khai đề tài  (1/2014-3/2016) đã tiến hành sản xuất được 3210 bia (da trầu bò) thuộc da đạt tiêu chuẩn châu Âu. Bên cạnh đó xây dựng thành công quy trình công nghệ bảo quản, thu hồi, vận chuyển, thuộc da thân thiện với môi trường, công nghệ tiên tiến sẽ giải quyết được khâu quản lý chất thải, chất thải rắn và xử lý môi trường, đạt tiêu chuẩn Châu Âu (EU Directive 76/769/EEC).

Sản phẩm của đề tài bán ra thị trường với giá cao hơn so với sản phẩm sản xuất theo công nghệ truyền thống. Hiện nay, sản phẩm đang bán 55.000 đồng/bia (theo công nghệ truyền thống thì bán khoảng 45.000 đồng/bia), lãi thực tế khoảng 12.150 đồng/bia.

Đặc biệt, trong tình hình khó khăn của sản xuất khi đối mặt với ép ô nhiễm môi trường, rào cản kỹ thuật của các nước thì mức lãi xuất này của da được sản xuất theo công nghệ thân thiện với môi trường là đáng trân trọng, mở ra khả năng phát triển bền vững cho ngành thuộc da nói riêng và ngành da – giày nói chung.

“Thành công này đã giải quyết được vấn đề về khan hiếm nguồn nhiên liệu tại chỗ, tiến tới thay thế hàng nhập khẩu”, PGS.TS Ngô Quang Đại,  Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước nhận định.

Bài, ảnh: Hoài Phương