|
|||
* PHÓNG VIÊN: Thưa ông, nhìn lại chặng đường đầu tiên trong lộ trình phát triển ngành vi mạch trong nước nói chung và TPHCM nói riêng, chúng ta thấy được những gì? - Ông NGÔ ĐỨC HOÀNG: Đã có những kết quả tự hào và còn đó rất nhiều hạn chế. Nhân lực là yếu tố khá nổi bật. Gần 10 năm trước, chúng ta không có gì: các trường đại học không có ngành đào tạo thiết kế vi mạch, ngành điện - điện tử chỉ dạy cách sử dụng các chip có sẵn, sinh viên hầu như không được dạy cách tạo ra một con chip hoàn chỉnh. Nhiều giảng viên từng được học qua về vi mạch ở nước ngoài, khi về nước không có môi trường làm việc, rồi tản mác khắp nơi và mai một kiến thức. Thời điểm đó, ICDREC ra đời với 9 - 10 con người tâm huyết với vi mạch. Đến nay, về số lượng, tính trên cả nước đã có khoảng 4.000 - 5.000 người làm vi mạch, cả cho các đơn vị nhà nước, viện, trường và các doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Tất nhiên, đó vẫn còn là con số nhỏ bé so với các quốc gia khác như Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản… Về chất lượng, có rất nhiều kỹ sư trẻ đã và đang làm việc cho các đơn vị lớn ở nước ngoài như Marvel, Applied Micro Circuits, eSilicon (Mỹ), Renesas (Nhật)... Tuy nhiên, sản phẩm từ chip vẫn khá ít ỏi, do đa phần nguồn nhân lực vi mạch trong nước vẫn làm outsourcing cho các công ty nước ngoài (ký hợp đồng thực hiện một phần trong quy trình sản xuất chip). Từ nền tảng ban đầu là chip SG-8V1, ICDREC mất gần 2 năm ròng rã mang đi chào hàng, nhưng chẳng một đơn vị, doanh nghiệp nào chú ý, cho dù SG-8V1 có chất lượng không thua kém chip cùng loại trên thị trường, chưa kể có thể cạnh tranh cả về giá. Lý do rằng, chip Việt Nam ra đời trong điều kiện ngành công nghiệp trong nước phát triển què quặt, không đồng bộ, mất “gốc”, chủ yếu là nhập khẩu và đóng gói. Trong hoàn cảnh đó, ICDREC mang SG-8V1 để “đấu” tay đôi với các hãng vi mạch khác đã có chỗ đứng trên thị trường thì không khác gì “châu chấu đá voi”. Buộc lòng ICDREC phải đồng thời “ôm” cả việc thiết kế, chế tạo sản phẩm đồng bộ sử dụng chip. Thông qua đó để chứng minh tính năng của chip Việt. * Hầu hết công nghệ trong nước đều có xuất phát điểm thấp, ngành vi mạch lại còn chậm chân hơn so với thế giới. Ông nhìn thấy những cơ hội gì khi quyết tâm gắn bó với vi mạch? - Nhiều người nghĩ rằng Trung Quốc làm được tất cả. Thực ra, một số liệu thống kê gần đây được công bố, tổng số lượng chip mà Trung Quốc làm ra chỉ mới đáp ứng được 20% số chip mà nước này cần, 80% số chip còn lại họ phải nhập từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ. Để tránh rơi vào tình trạng khan hàng hoặc mất nguồn cung, mới đây Trung Quốc đã ban hành một chính sách có gói đầu tư lên đến 100 tỷ USD, với quyết tâm nâng tỷ lệ đáp ứng của chip nội lên mức 60% trong vòng 10 năm. Kế hoạch đã bắt đầu triển khai từ cuối năm 2015. Trung Quốc lo và ta cũng không ngoại lệ, nhất là khi chúng ta cũng đang cần tự chủ nguồn cung chip cho các sản phẩm nội địa, đặc biệt là các sản phẩm khí tài, an ninh quốc phòng. Nghĩa rằng, thị trường cho chip Việt vẫn còn rất lớn. Cũng cần phải nói thêm, lâu nay chúng ta luôn trong vòng lẩn quẩn với bài toán “quả trứng” hay “con gà”. Kỳ thực, nếu chúng ta không mạnh dạn làm sẽ chẳng biết bao giờ có, ít nhất đến thời điểm này, chúng ta đã có vài sản phẩm ra thị trường, đã có một đội ngũ nhân lực làm vi mạch có chất lượng, điều mà 10 năm trước chúng ta chưa từng nghĩ. Chip của ICDREC đã được ứng dụng trên nhiều thiết bị (ẢNH: TẤN BA) * Gần đây, có thông tin rằng cường quốc như Nhật Bản còn qua Việt Nam “học” làm chip. Điều này gây khó hiểu cho nhiều người bởi ngành công nghiệp vi mạch chúng ta còn rất non trẻ? - Thực ra là họ sang để tìm hiểu về mô hình thì đúng hơn. Tại Nhật Bản hay bất kỳ quốc gia nào mạnh về vi mạch, họ có những đơn vị chuyên làm chip, bán chip và cũng có những doanh nghiệp chuyên sản xuất sản phẩm ứng dụng chip. Trong khi đó, một mô hình vừa nghiên cứu, sản xuất chip lại vừa kinh doanh sản phẩm ứng dụng chip như Việt Nam lại là một điều khá lạ lẫm và có thể gợi mở cho họ một ý tưởng nào đó. Các đơn vị của Nhật Bản cũng từng ngạc nhiên về khả năng phát triển nhanh chóng của nguồn nhân lực làm vi mạch Việt Nam. Trong từng hợp đồng outsourcing, kỹ sư Việt thể hiện năng lực chuyên môn không kém cạnh với kỹ sư phía bạn, nhiều trường hợp chúng ta đã thuyết phục được họ thay đổi thiết kế bằng giải pháp của chính chúng ta. Rất nhiều kỹ sư Nhật Bản thừa nhận rằng đã có những học hỏi nhất định từ kỹ sư Việt Nam. Tất nhiên, nhìn từ góc độ công nghệ, chúng ta còn phải nỗ lực vượt bậc cũng như mất thời gian dài nữa mới có được một trong những thành quả mà các nước hàng đầu về vi mạch hiện nay như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Mỹ đã có. Tuy vậy, vẫn có những điều mà trong nước đã làm được và đó là cơ sở để hy vọng rằng, sẽ có những “bước nhảy” về mặt công nghệ vi mạch trên thế giới mà công nghệ Việt Nam có xuất phát điểm tương đồng với nước ngoài. Đó có thể là kỷ nguyên Internet of Things (IoT) chẳng hạn. * Xin cảm ơn ông!
|