|
|||
Hàng trăm nhà khoa học trẻ từ các trường đại học tại TPHCM, Cần Thơ, An Giang… đã tới lắng nghe sự chia sẻ của các diễn giả, những nhà nghiên cứu nhiều kinh nghiệm như GS. TS Trương Nguyện Thành (ĐH Utah, Mỹ), PGS. TS Nguyễn Thị Huệ (ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TPHCM), PGS. TS Lê Văn Cảnh, PGS. TS Lê Thị Lý (ĐH Quốc tế, ĐHQG TPHCM)… về quy trình công bố bài báo khoa học, cách giải quyết những khó khăn mà các nhà nghiên cứu trẻ thường gặp phải… PV trích đăng ý kiến của hai diễn giả là PGS. TS Lê Văn Cảnh và PGS. TS Lê Thị Lý về vấn đề này. Việc công bố công trình nghiên cứu trên các tạp chí quốc tế của các nhà nghiên cứu trẻ Việt Nam không khó nếu như họ có được đam mê nghiên cứu và luôn mong muốn chia sẻ những phát kiến khoa học của mình với đồng nghiệp quốc tế. Qua tiếp xúc với nhiều nhà nghiên cứu trẻ tại hội thảo “Công bố khoa học trên tạp chí quốc tế” do Trung tâm phát triển khoa học và công nghệ trẻ phối hợp với tạp chí Khoa học Việt Nam (Vietnam journal of science) phối hợp tổ chức diễn ra ngày 28/5 tại TP.HCM cũng như ở những cuộc gặp gỡ khác, tôi nhận thấy rằng, một trong những băn khoăn thường trực của họ là vấn đề ngôn ngữ. Do không phải là người bản xứ nên việc dùng tiếng Anh để diễn tả công trình nghiên cứu cũng là thách thức không nhỏ, thậm chí ngay cả với những người đã sử dụng thành thạo tiếng Anh cũng không ngoại lệ. Để có được một bài báo khoa học hoàn thiện và chỉn chu về cả nội dung lẫn hình thức, người viết cần phải nắm rõ những yếu tố cơ bản về văn phong, ngữ pháp, mẫu câu, từ vựng... Khi trình bày các dữ liệu khoa học, chúng ta thường hay mắc chung một sai lầm cơ bản là không đặt mình vào vị trí của người đọc, vì thế ý tưởng không được diễn đạt một cách mạch lạc và dễ hiểu. Để không mắc phải lỗi này, theo kinh nghiệm của tôi, các nhà nghiên cứu trẻ Việt Nam nên tìm đọc các bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế nhiều hơn. Việc tìm đọc các công bố của các nhà khoa học quốc tế sẽ đem lại cho chúng ta hai lợi ích lớn: thứ nhất giúp nắm bắt được những xu hướng nghiên cứu nổi trội, những thông tin mới nhất trong lĩnh vực mà mình nghiên cứu; thứ hai giúp học hỏi lối tư duy và khả năng phân tích những vấn đề đặt ra một cách logic. Với tư cách là người đã tham gia bình duyệt nhiều công trình trên một số tạp chí quốc tế, tôi cho rằng việc chuẩn bị hình vẽ, bảng biểu, sơ đồ rất quan trọng. Đây là những điểm mà người bình duyệt quan tâm trước khi bỏ thời gian đọc phần thảo luận và giúp họ có được đánh giá sơ bộ về công trình nghiên cứu. Những dữ liệu khoa học khác của công trình cũng cần phải được lưu giữ cẩn thận vì nó sẽ được dùng nhiều lần trong quá trình nhà nghiên cứu viết bài và trả lời phản biện. Nhà nghiên cứu có thể chỉ cần trình bày những dữ liệu quan trọng theo một tiến trình hợp lý mà không cần liệt kê tất cả những kết quả thu được trong lúc làm thí nghiệm. Ở vị trí tác giả công trình, nhà nghiên cứu cũng cần phải thấy được giới hạn của nghiên cứu mà mình thực hiện và đề xuất những nghiên cứu tiếp theo. Một vấn đề đáng lưu tâm là nhà nghiên cứu không được phép sử dụng các dữ liệu ngụy tạo để “làm đẹp” công trình nghiên cứu, bởi nó liên quan đến đạo đức khoa học. Khoa học thế giới đã phát hiện ra nhiều trường hợp ngụy tạo dữ liệu nghiên cứu và đây là nguyên nhân dẫn đến hậu quả là làm sứt mẻ uy tín của nhiều nhà khoa học. Thời gian để một công trình nghiên cứu được các tạp chí quốc tế có hệ thống bình duyệt chấp nhận xuất bản dài hay ngắn phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố: xu hướng của tạp chí, nội dung công trình, khả năng diễn đạt của tác giả… Với các tạp chí có hệ số IF cao thì quy trình bình duyệt càng chặt chẽ và thời gian chờ đợi càng kéo dài hơn. Khi nhận được hồi âm của tạp chí và những câu hỏi hóc búa của người phản biện, vốn là những chuyên gia uy tín trong lĩnh vực mà nghiên cứu đề cập, các nhà nghiên cứu trẻ cần phải thấy được nguyên nhân là do vấn đề mình đưa ra còn chưa đủ sức thuyết phục và cần được chỉnh sửa để việc giải thích vấn đề mà mình đã nêu được tường minh hơn. Quá trình hỏi đáp, bổ sung như vậy không chỉ để làm hài lòng các nhà bình duyệt và để công trình sớm được chấp nhận đăng mà quan trọng hơn là giúp các nhà nghiên cứu trẻ hoàn thiện công trình nghiên cứu của mình. Một vấn đề nữa mà các nhà nghiên cứu trẻ đặt ra với tôi là có nên đăng bài trên các tạp chí quốc tế có hệ số IF thấp hay không, khi chưa đủ sức thuyết phục các tạp chí “chiếu trên” chấp nhận công trình của mình? Trên thực tế, các tạp chí có hệ số IF cao là mục tiêu hướng tới của các nhà khoa học, không kể người có nhiều kinh nghiệm hay mới bước vào con đường nghiên cứu. Hiện nay, Quỹ Nafosted cũng bắt đầu có xu hướng khuyến khích các nhà nghiên cứu xuất bản công trình từ các đề tài do Quỹ tài trợ trên các tạp chí IF cao nhằm nâng dần chất lượng công bố của Việt Nam. Để hướng tới mục tiêu lâu dài này, các nhà nghiên cứu trẻ nên cố gắng gửi đăng bài báo ở các tạp chí thuộc top Q1 của SCImago. Những bài báo được xuất bản trên các tạp chí này sẽ mang uy tín khoa học và nhiều cơ hội nghề nghiệp hơn cho các nhà nghiên cứu trẻ. Tuy vậy, chúng ta cũng không nên cứng nhắc mà đánh giá thấp những đồng nghiệp trẻ ở giai đoạn đầu nghiên cứu chỉ đăng được trên tạp chí có hệ số IF chưa cao vì ai cũng hiểu, điều kiện nghiên cứu ở Việt Nam còn nhiều hạn chế và bản thân họ chưa có uy tín khoa học nên ít có khả năng được các tạp chí Q1 chấp nhận. Khi viết bài báo đầu tiên, các nhà nghiên cứu trẻ sẽ gặp rất nhiều khó khăn tưởng chừng khó vượt qua. Tuy nhiên sau khi trải qua những công đoạn trên đây, họ sẽ rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm để tìm kiếm cơ hội công bố công trình của mình trên những tạp chí chất lượng. Nếu có đam mê nghiên cứu và luôn mong ước chia sẻ những phát kiến khoa học của mình với các đồng nghiệp quốc tế thì họ sẽ vượt qua được những khó khăn này.
|