Bản in
Ứng dụng kỹ thuật tiên tiến điều trị một số bệnh tai mũi họng
Các nhà khoa học Bệnh viên Tai Mũi Họng Trung ương đã sử dụng hệ thống hướng dẫn hình ảnh định vị (IGS) để định vị chính xác, an toàn các mốc giải phẫu mũi xoang khi phẫu thuật, giúp tránh các vị trí và vùng nguy hiểm. Đồng thời, sử dụng kỹ thuật cấy điện cực ốc tai để điều trị bệnh điếc bẩm sinh.

Đây là thành công của đề tài Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật tiên tiến điều trị một số bệnh tai mũi họng”, mã số KC10.40/11-15 do PGS.TS. Võ Thanh Quang – Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương làm chủ nhiệm. Đề tài vừa được Hội đồng khoa học và công nghệ (KH&CN) cấp Nhà nước do Bộ KH&CN tổ chức nghiệm thu chiều 8/6, tại Hà Nội.

Đề tài hướng đến mục tiêu xây dựng được báo cáo kết quả điều trị các bệnh lý viêm xoang trán sàng bướm bằng phẫu thuật nội soi (PTNS) có sử dụng hệ thống hướng dẫn hình ảnh định vị (IGS), bệnh u xoang sàng bướm bằng PTNS có sử dụng IGS, bệnh điếc bẩm sinh bằng phẫu thuật cấy điện cực ốc tai đa kênh, đa điện cực; xây dựng quy trình PTNS có sử dụng IGS trong điều trị bệnh lý viêm xoang trán sàng bướm; xây dựng quy trình PTNS có sử dụng IGS trong điều trị bệnh lý u xoang sàng bướm; xây dựng quy trình cấy điện cực ốc tai đa kênh, đa điện cực điều trị điếc bẩm sinh.
Trên cơ sở mục tiêu đó, đề tài được chia thành 3 nhánh: Nghiên cứu ứng dụng PTNS mũi xoang có sử dụng hệ thống IGS trong điều trị viêm xoang trán sàng bướm; Nghiên cứu dụng PTNS có sử dụng hệ thống IGS trong điều trị các bệnh lý u mũi xoang; Nghiên cứu ứng dụng phẫu thuật cấy điện cực ốc tai điều trị điếc bẩm sinh.

Sau quá trình triển khai, đến nay, nhóm nghiên cứu đã xây dựng được 6 quy trình kỹ thuật gồm: quy trình PTNS mũi xoang có định vị điều trị các bệnh lý viêm xoang trán, sàng, bướm; quy trình PTNS mũi xoang có định vị điều trị u nhú mũi xoang; quy trình PTNS mũi xoang có định vị điều trị u nhầy xoang trán, sàng, bướm; quy trình PTNS mũi xoang có định vị điều trị u xơ mạch vòm mũi họng; quy trình PTNS mũi xoang có định vị điều trị u ác tính mũi xoang; quy trình cấy điện cực ốc tai đa kênh, đa điện cực điều trị điếc bẩm sinh.

Cùng với đó, nhóm nghiên cứu đã thực hiện 6 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí chuyên ngành có uy tín; đào tạo 2 thạc sĩ, 2 bác sĩ chuyên khoa II và 1 nghiên cứu sinh.

Theo PGS.TS. Võ Thanh Quang, dự kiến, nhóm nghiên cứu sẽ đăng ký Giải pháp hữu ích với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN). Đồng thời, sẽ chuyển giao quy trình PTNS có IGS điều trị viêm mũi xoang cho Bệnh viện đa khoa các tỉnh Thái Bình, tỉnh Gia Lai và Bệnh viện Quốc tế Hải Phòng; chuyển giao kỹ thuật PTNS có IGS điều trị u lành mũi xoang cho Bệnh viện đa khoa các tỉnh Thái Bình, Bệnh viện Quốc tế Hải Phòng; chuyển giao PTNS có IGS điều trị u ác mũi xoang cho Bệnh viên đa khoa Đà Nẵng; chuyển giao quy trình phẫu thuật cấy điện cực ốc tai đa kênh điều trị điếc bẩm sinh cho Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng, Bệnh viện Nhi Trung ương.

Tin, ảnh: Hạnh Nguyên