|
|||
Đây là tín hiệu đáng mừng cho các bệnh nhân UTPQ, bởi trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng, bệnh UTPQ là bệnh có tỷ lệ mắc và tử vong cao hàng đầu trong các bệnh ung thư. Tỉ lệ mắc và tử vong cao PGS.TS. Đinh Ngọc Sỹ, Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, trên thế giới, mỗi năm có 14 triệu người mới mắc ung thư và khoảng 8,2 triệu người chết vì ung thư. UTPQ đứng đầu về mắc và chết do ung thư, bằng tổng các trường hợp tử vong do ung thư tiền liệt tuyến, vú và đại tràng cộng lại. Tại Việt Nam, ung thư phế quản đứng đầu ở nam và đứng thứ ba ở nữ. Tỷ lệ mắc UTPQ ở Hà Nội: 39,5/100.000 dân (tính trong giai đoạn từ năm 2004 đến năm 2008) ở nam; 10,5/100.000 dân (2001 – 2004) ở nữ. Tại TP. HCM: 26,9/100000 nam và 7,5/100.000 nữ. Đặc biệt, tỉ lệ bệnh nhân mắc ung thư phế quản tăng rất nhanh chóng trong những năm gần đây. Cũng theo PGS.TS. Đinh Ngọc Sỹ, đa số người bệnh được chẩn đoán và điều trị ở giai đoạn muộn (IIIb và IV). Hiện nay, các tiến bộ về công nghệ sinh học và dược phẩm đã cho phép điều trị đích và giúp người bệnh kéo dài sự sống. Tuy nhiên, chẩn đoán sớm vẫn là chìa khóa để tiến tới điều trị khỏi bệnh ung thư. Với điều kiện ở Việt Nam, để điều trị sớm và điều trị đích cho UTPQ, các bệnh viện hoàn toàn có thể ứng dụng các tiến bộ khoa học kĩ thuật để sàng lọc và chẩn đoán sớm bệnh ung thư phế quản. Xuất phát từ thực tế nói trên, nhóm nghiên cứu của Bệnh viện Phổi Trung ương đã đề xuất và triển khai đề tài “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trong sàng lọc, chẩn đoán sớm và điều trị đích ung thư phế quản tại Việt Nam”, mã số KC.10.29/11-15 thuộc Chương trình khoa học và công nghệ (KH&CN) trọng điểm cấp Nhà nước giai đoạn 2011 - 2015 “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng” (mã số KC.10/11-15). Theo PGS.TS. Đinh Ngọc Sỹ - Chủ nhiệm đề tài, nhóm nghiên cứu hướng đến mục tiêu xây dựng được quy trình sàng lọc, chẩn đoán sớm UTPQ; xây dựng được quy trình điều trị đích UTPQ bằng Bevacizumab; đánh giá được hiệu quả sàng lọc, chẩn đoán và điều trị UTPQ bằng các quy trình này. Sàng lọc, chẩn đoán sớm và điều trị UTPQ bằng kỹ thuật tiên tiến Trong giai đoạn từ tháng 4/2013 đến tháng 9/2015, nhóm nghiên cứu đã tập trung thực hiện, sử dụng nhiều phương pháp nghiên cứu khác nhau như: sàng lọc bằng xét nghiệm đờm. Phương pháp này có giá trị để phát hiện các khối u trung tâm. Độ nhạy của tế bào học đờm cho bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn đầu chỉ trong khoảng 20-30%); sàng lọc chẩn đoán bằng Xquang và chụp cắt lớp (CT) lồng ngực liều thấp. Phương pháp này có độ nhạy cao nhưng giá thành đắt, khuyến cáo nên sàng lọc với những người ≥ 50 tuổi đã hút thuốc >20 bao năm; sàng lọc bằng dấu ấn khối u nhưng không đặc hiệu. Phương pháp này có độ nhạy, độ đặc hiệu cao; sàng lọc bằng nội soi phế quản. Phương pháp này sử dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật (máy nội soi phế quản huỳnh quang), hạn chế với những tổn thương ngoại vi. Về quy trình điều trị đích UTPQ, PGS.TS. Đinh Ngọc Sỹ cho biết, phương pháp này gồm các bước xác định mô bệnh UTPQ, là tiêu chuẩn vàng để xác định chẩn đoán và quyết định điều trị bệnh; xác định các gene chi phối khối u (EGFR, VEGF); xác định phác đồ điều trị; đánh giá hiệu quả. Để xây dựng được quy trình sàng lọc, chẩn đoán sớm UTPQ và đánh giá được hiệu quả sàng lọc, chẩn đoán sớm UTPQ bằng quy trình trên, nhóm nghiên cứu đã xây dựng quy trình lý thuyết, triển khai thu thập thông tin dựa trên qui trình lý thuyết và hoàn chỉnh qui trình, căn cứ vào các bằng chứng để xác định hiệu quả của qui trình. Đồng thời để xây dựng được quy trình điều trị đích UTPQ và đánh giá hiệu quả qui trình điều trị đích UTPQ bằng Bevacizumab, nhóm nghiên cứu đã triển khai xây dựng quy trình phát hiện biểu hiện VEGF mRNA, xác định tỷ lệ biểu hiện VEGF và phân bố kiểu gene VEGF trên bệnh nhân UTPQ không tế bào nhỏ; xây dựng qui trình điều trị đích UTPQ bằng Bevacizumab; đánh giá hiệu quả của 2 qui trình dựa trên bằng chứng qui chuẩn quốc tế và các chỉ tiêu thời gian sống thêm và tác dụng phụ của qui trình có Bevacizumab. Nhóm nghiên cứu đã chọn đối tượng là những người trên 40 tuổi đang sống và sinh hoạt trong cộng đồng, gồm 60 bệnh nhân UTPQ giai đoạn IIIb, IV tại Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hưng Yên và Bệnh viện Phổi Trung ương. Nghiên cứu được tiến hành qua các bước: phỏng vấn dựa trên bộ câu hỏi đã thiết kế được nghiệm thu; chụp X - quang ngực thường qui; nội soi phế quản ánh sáng trắng và huỳnh quang, sinh thiết vị trí tổn thương để làm xét nghiệm mô bệnh học; tách chiết RNA, tổng hợp cDNA; chẩn đoán VEGF mRNA trên bệnh phẩm UTPQ (Realtime PCR); phác đồ có Bevacizumab 7,5mg/kg+Gemzaz+Cisplatin. Kết quả, nhóm nghiên cứu đã xây dựng thành công quy trình sàng lọc ung thư phế quản sử dụng ánh sáng huỳnh quang qua nội soi phế quản. Quy trình đơn giản, có thể áp dụng tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh. Đồng thời, xây dựng thành công quy trình chẩn đoán gen VGFR trong ung thư phế quản. Quy trình phát hiện bộc lộ gene VEGF mRNA và kiểu gene VEGF đã được xây dựng với các yêu cầu kỹ thuật bảo đảm và cho kết quả xét nghiệm gen chính xác. Nhóm nghiên cứu đã sử dụng sinh phẩm chế tạo tại đơn vị nghiên cứu, giá thành rẻ hơn của nước ngoài nhưng kết quả tương tự. Quy trình này có thể ứng dụng rộng rãi tại bất kỳ phòng xét nghiệm sinh học phân tử nào. Dấu ấn phân tử VEGF mRNA biểu hiện ở 93,3% ở máu ngoại vi của các bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ. Giá trị tăng thêm của quá trình thực hiện qui trình bộc lộ gene là đã lần đầu tiên phát hiện được vật chất di truyền oncovirus merkel cell carcinoma trên bệnh nhân ung thư phổi Việt Nam. Tỷ lệ có Merkel cell virus ở 23,9% số bệnh phẩm ung thư phổi. Cùng với đó, xây dựng thành công quy trình điều trị đích ung thư phế quản bằng Bevacizumab phù hợp và khả thi tại Việt Nam. Theo nhóm nghiên cứu, việc triển khai sàng lọc yếu tố nguy cơ bằng bộ câu hỏi có thể áp dụng rộng rãi tại cơ sở y tế khám, chữa bệnh các tuyến cho người có nguy cơ cao về UTPQ. Tỷ lệ bộc lộ gene VEGF ở bệnh nhân ung thư phổi là rất cao (93,3%) cho nên không nhất thiết coi xét nghiệm VEGF như một chỉ định bắt buộc cho bệnh nhân ung thư phổi trước khi điều trị thuốc ức chế sinh mạch. Bevazicumab điều trị đích đã chứng tỏ tác dụng điều trị kéo dài thời gian sống cho người bệnh UTPQ. Bài, ảnh: Quỳnh Chi
|