|
|||
Gắn kết nghiên cứu với sản xuất, kinh doanh Đó cũng là mục tiêu chính khi TS.BS Nguyễn Phú Kiều - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu điều trị các bệnh hiểm nghèo - đề xuất thành lập một cơ sở nghiên cứu, nhằm khai thác nguồn dược liệu đa dạng, quý hiếm của nước ta để bào chế ra các thuốc điều trị các căn bệnh hiểm nghèo. Với sự giúp đỡ của Bộ KH&CN và mô hình khép kín (từ nghiên cứu - sản xuất - điều trị) và sự nỗ lực của các nhà khoa học, Viện đã cho ra đời một số loại thuốc thể hiện tính đột phá quan trọng trong nghiên cứu thuốc điều trị từ dược liệu ở Việt Nam. Đáng chú ý nhất là thuốc Cedemex. Cedemex đã giúp nhiều bệnh nhân nghiện đoạn tuyệt với ma tuý, trở về với cuộc sống đời thường, hoà nhập cộng đồng. Điển hình như trường hợp của con trai ông Lê Ngọc Quán (Lý Bôn - TP.Vĩnh Yên - Vĩnh Phúc). Người bố tóc bạc trắng nghẹn ngào kể lại hành trình gần 20 năm tìm cách cai nghiện ma tuý cho con mình tại buổi lễ khai trương Bệnh viện Hy Vọng Mới khiến cả hội trường lặng đi vì xúc động. Trước khi điều trị bằng thuốc Cedemex, gia đình ông đã 5 lần tiến hành cai nghiện tại nhà cho con theo phác đồ tự "chế", có tham khảo ý kiến của một số bác sĩ nhiều kinh nghiệm và các trung tâm cai nghiện. Nhưng cả 5 lần gia đình ông đều thất bại. Chỉ cần nghe tiếng "bạn cũ" qua điện thoại, con bệnh cũng có thể nổi cơn thèm thuốc và bị lôi cuốn trở lại với ma tuý. Khi mọi cánh cửa cứu con dần khép lại thì đến tháng 7.2007, tình cờ ông biết đến Cedemex và được TS. Nguyễn Phú Kiều tư vấn cách điều trị. Và một điều kỳ diệu đã xảy ra, sau 1 năm thực hiện theo phác đồ của Viện và dùng thuốc Cedemex. Sau 3 ngày dùng Cedemex, con ông cảm thấy dễ chịu, ăn ngon miệng, ngủ ngon giấc. Thể trọng tăng tới 5kg trong tháng đầu tiên. Ông Quán xúc động: "Tôi đã chuẩn bị tâm lý nuôi con suốt đời như một đứa trẻ tật nguyền. Nhưng không ngờ các nhà khoa học của Viện đã hồi sinh cho tôi một đứa con từ một người nghiện thân tàn ma dại trở thành người lao động bình thường, hoà nhập cộng đồng". Cục Quản lý dược Việt Nam đã cho phép Cedemex được lưu hành trong cả nước, sử dụng hỗ trợ cai nghiện trong các trung tâm cai nghiện toàn quốc và các cộng đồng ở 8 tỉnh thành phố của Việt Nam như Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương, TPHCM,... theo Quyết định số 2406/QĐ-BYT ngày 2.7.2008 của Bộ trưởng Bộ Y tế. Đây là thành công lớn của các nhà khoa học tâm huyết và nhiệt thành của Viện sau 13 năm nghiên cứu ở trong và ngoài nước.
Hướng đến doanh nghiệp KH&CN Để chủ động trong nghiên cứu và ứng dụng các kết quả nghiên cứu, TS. Nguyễn Phú Kiều đã thành lập mô hình khoa học công nghệ khép kín: dưới viện có Công ty TNHH một thành viên dược phẩm Quế Lâm và Bệnh viện Hy Vọng Mới với những thiết bị hiện đại như dao mổ Gamma, máy chụp cộng hưởng từ (MRI 0.35), siêu âm màu, phòng thí nghiệm ... phục vụ việc khám và điều trị các khối u sọ não. Đây là bệnh viện có thiết bị mổ sọ não hiện đại thứ 3 ở nước ta. Khi phẫu thuật các khối u sọ não bằng tia Gamma, bệnh nhân không cần gây mê, không có vết mổ, không có sẹo. Phương pháp phẫu thuật này an toàn, ít biến chứng và không có tử vong, chi phí điều trị lại thấp hơn so với mổ hở. Nhận thấy việc nghiên cứu và sản xuất thuốc điều trị bệnh hiểm nghèo từ thảo dược sẽ mở ra một phương pháp chữa bệnh hiệu quả, chi phí rẻ tại Việt Nam, cùng với những chính sách mới về khoa học và công nghệ, Viện đang hoàn thành các thủ tục để được công nhận là doanh nghiệp KH&CN theo Nghị định 80/2007/NĐ-CP. TS. Nguyễn Phú Kiều cho biết, khi được chứng nhận doanh nghiệp KH&CN, Viện sẽ có nhiều thuận lợi hơn trong việc ứng dụng KH&CN để sản xuất nhiều loại thuốc cung ứng cho thị trường. Việc triển khai các vùng chuyên canh cây thảo dược lấy nguyên liệu sản xuất các loại thuốc nói trên sẽ góp phần phủ xanh đất trống đồi trọc, cải tạo đất, bảo vệ môi trường, giải quyết việc làm, nâng cao mức sống cho người lao động, đặc biệt với nhân dân ở miền núi và trung du. Việc chuyển sang doanh nghiệp KH&CN còn giúp Viện nhanh chóng xây dựng nhà máy sản xuất đông dược đạt tiêu chuẩn GMP của WHO; mở rộng đầu tư trang thiết bị hiện đại đáp ứng nhu cầu cao về khám chữa bệnh của nhân dân và không phải ra nước ngoài chữa bệnh. Trong tương lai, Viện sẽ xây dựng một phòng thí nghiệm tầm cỡ khu vực và quốc tế để nghiên cứu cơ chế tác dụng của các thuốc nghiên cứu và bào chế từ thảo dược mà không phải nhờ nước ngoài. Với những thành công đã đạt được và những tiềm năng đầy triển vọng nếu được hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp KH&CN, Viện chắc chắn sẽ có nhiều kết quả nghiên cứu khoa học được ứng dụng vào sản xuất, đóng góp nhiều sản phẩm có giá trị cho đất nước và xuất khẩu.
|