Bản in
Nguồn lực CNC: Giải pháp phát triển sản xuất máy CNC tại Việt Nam
Năm năm trở lại đây, với sự đầu tư cho nghiên cứu về máy Công cụ điều khiển số CNC của Chính phủ, sự cố gắng của các nhà khoa học và doanh nghiệp, hàng loạt máy CNC “Made in Việt Nam” ra đời và đang được người dùng tin cậy. Tuy nhiên, làm thế nào để phát triển sản xuất máy CNC trong nước, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ CNC là điều thực sự cần thiết đối với Việt Nam.

Tình hình sản xuất máy CNC trong nước

Máy phay CNC (Computer Numericar Control - điều khiển bằng máy tính) là sản phẩm máy công cụ điều khiển số do Công ty TNHH Cơ điện tử Bách Khoa (BKMech) chế tạo và là chủng loại máy đầu tiên Việt Nam sản xuất thành công. Máy có tốc độ phay của trục chính lên đến 24.000 vòng/ph, tốc độ dịch chuyển khoảng 30m/ph, giúp giảm thời gian gia công, trung bình tiết kiệm khoảng 20 – 40% so với gia công phay thông thường do tốc độ cắt cao hơn. Giá dự kiến của sản phẩm khoảng từ 50.000 USD – 80.000 USD tùy vào cấu hình khách hàng đặt, bằng khoảng 50% so với nhập khẩu từ Đài Loan. Máy phay CNC 5 trục – sản phẩm của Đề tài KC.05.28/01-05 về “Nghiên cứu thiết kế chế tạo máy phay CNC 5 trục” của TS. Hoàng Vĩnh Sinh - Viện Cơ khí – Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội (ĐHBKHN) đã được Công ty Rorze Robotech của Nhật đặt chế tạo với giá 140.000 USD. Trong khi đó, trong hơn 100 công ty sản xuất máy của Đài Loan, chỉ có gần 10% công ty có đủ năng lực để chế tạo chủng loại máy này. 

                    

                                              Vận hành máy CNC

Theo phân tích của TS. Hoàng Vĩnh Sinh, có hai xu hướng tồn tại song song trong việc sản xuất các máy CNC tại Việt Nam. Thứ nhất là xu hướng mua các “xác máy” cũ. Các máy này có thể là máy CNC hoặc máy vạn năng thông thường được loại bỏ các thành phần không liên quan như các động cơ, tay quay,… Sau đó, thay thế các thiết bị truyền động thích hợp, lắp ráp các thiết bị điều khiển, đặt tham số điều khiển phù hợp cho quá trình hoạt động của máy. Xu hướng này sử dụng được kết cấu máy có sẵn nên giảm chi phí chế tạo kết cấu máy và đã được thực hiện nhiều ở các viện nghiên cứu như IMI… Nhưng khó có thể biết các kết cấu được xây dựng liệu đã phù hợp với hoạt động của máy CNC hay chưa, có thể kiểm soát độ chính xác của máy hay không,…

Thứ hai là xu hướng chế tạo các thành phần của kết cấu máy và lắp ráp tại Việt Nam (đây là hướng công ty BKMech đang tiến hành). Các bộ phận điều khiển sẽ được nhập, lắp ráp theo yêu cầu của người sử dụng. Đây là xu hướng bắt buộc đối với các nhà sản xuất CNC nếu muốn đưa máy CNC nhãn hiệu Việt Nam phổ biến rộng tại nước ta. Vì chỉ có chế tạo mới có thể kiểm soát được các sai số của máy và cách khắc phục. Hơn nữa việc chế tạo những kết cấu máy sẽ thúc đẩy các ngành công nghiệp đúc, gia công cơ khí chính xác,… phát triển. Với sự đầu tư có định hướng thì chất lượng của máy CNC sản xuất tại Việt Nam hoàn toàn có thể tin tưởng được.
 
TS. Hoàng Vĩnh Sinh cho biết, hiện nay nước ta vẫn phải nhập các bộ điều khiển cho máy CNC bao gồm các module để lắp ráp vào bộ thân máy sản xuất trong nước. Giá thành của toàn bộ các module điều khiển chiếm khoảng 40% giá thành của máy. Cấu trúc của các bộ điều khiển là dạng đóng, người dùng không thể tương tác với cấu trúc bên trong nên gặp khó khăn trong quá trình sữa chữa, bảo trì máy CNN như: thiếu thiết bị thay thế khi hỏng hóc, đội ngũ kỹ thuật không đáp ứng được việc sửa chữa do không có đầy đủ thông tin về cấu trúc bên trong của bộ điều khiển,… Nước ta chưa có được đội ngũ kỹ thuật đủ khả năng đáp ứng cho việc sản xuất một máy phay CNC hoàn toàn nội địa, thiết bị kỹ thuật trong nước còn lạc hậu và phụ thuộc lớn vào các nhà cung cấp nước ngoài. Vì vậy, việc đào tạo nguồn nhân lực về CNC thực sự cần thiết. 
 
Đào tạo nguồn lực CNC: đầu tư không sợ lỗ

Có thể thấy, nguồn lực và thiết bị là hai nguyên nhân khiến việc sản xuất và sử dụng máy CNC gặp nhiều khó khăn. Trong đó, vấn đề về nguồn lực một phần do chất lượng đào tạo về CNC còn yếu, thiết bị đào tạo trong nước còn quá hạn chế. Với số lượng sinh viên ngày càng cao như hiện nay trong khi giá thành của thiết bị cao, thì tình trạng thiếu thiết bị cho sinh viên thực tập đang là vấn đề nhức nhối chưa có hướng giải quyết.
 
Theo TS. Hoàng Vĩnh Sinh, cần từng bước tiến hành nghiên cứu và chế tạo các module của hệ điều khiển CNC mang nhãn hiệu Việt Nam. Với sự phát triển của công nghệ thông tin nước ta hiện nay, việc nghiên cứu, chế tạo phần mềm điều khiển CNC dạng PC-based hoàn toàn có thể giải quyết được.

Song song với việc chế tạo các máy CNC công nghiệp, cần chú trọng vào việc tạo ra các bộ CNC dùng cho giáo dục gồm cấu trúc máy nhỏ gọn hoặc chỉ là bộ kit điều khiển CNC riêng biệt với đầy đủ tính năng hoạt động của một máy CNC công nghiệp phục vụ giảng dạy trong các trường đại học.  Từ đó, tạo nguồn nhân lực có tư duy tốt hơn về các hệ thống sản xuất hiện đại, thúc đẩy các sinh viên tham gia học tập, nghiên cứu.

Mới đây (tháng 8/2010), Hội đồng xét tuyển cũng đã chọn và giao các nhà khoa học của ĐHBKHN thực hiện Đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu thiết kế và chế tạo hệ thống thiết bị điều khiển CNC đáp ứng nhu cầu công nghiệp sản xuất máy CNC Việt Nam”. Chắc chắn, với sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước bằng nhiều cơ chế, khuyến khích, máy CNC “Made in Việt Nam” sẽ dần khẳng định được thương hiệu của mình trên thị trường, tiếp tục đóng góp phát triển nền kinh tế - xã hội nước nhà.

Nguyễn Hạnh