Bản in
Ứng dụng các tiến bộ mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư vú
Thực hiện thành công các kỹ thuật nhuộm FISH cho bệnh nhân ung thư vú (UTV), kỹ thuật xạ trị điều biến liều Jaw-only trên bệnh nhân UTV giai đoạn I và II; áp dụng thành công phác đồ hóa chất tân bổ trợ và phẫu thuật bảo tồn cho bệnh nhân UTV giai đoạn sớm, xác định được rõ chỉ định và quy trình thực hiện cụ thể,…

Đó là kết quả nổi bật của đề tài “Nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư vú”, mã số KC.10.17/11-15 do PGS.TS. Trần Văn Thuấn – Phó Giám đốc Bệnh viện K làm chủ nhiệm.

UTV - căn bệnh thường gặp ở nữ giới
 
UTV là căn bệnh hay gặp đứng hàng đầu trong số các bệnh ung thư ở nữ giới. Theo số liệu của Cơ quan ghi nhận ung thư quốc tế (Globocan), năm 2012 trên toàn thế giới ước tính có 1.677 nghìn trường hợp UTV mới được chẩn đoán và số trường hợp tử vong do UTV là 522 nghìn. Vì lẽ đó, các thành tựu, tiến bộ trong khoa học, y học cơ sở cũng nhanh chóng trở thành các thuốc mới, phương pháp chẩn đoán và điều trị mới trong ung thư mà UTV là một đại diện tiêu biểu. Trong 2 - 3 thập niên gần đây, nhờ có các tiến bộ mới trong y học, số bệnh nhân UTV được cứu sống đã tăng lên, chất lượng điều trị, chất lượng sống của người bệnh cũng không ngừng được cải thiện.
 
Tại Việt Nam, UTV là loại UT hay gặp nhất ở nữ giới. Theo số liệu ghi nhận từ Chương trình Mục tiêu quốc gia phòng chống ung thư, năm 2010 nước ta có 12.533 trường hợp mới mắc UTV, với tỉ lệ mắc chuẩn theo tuổi là 29,9/100.000 dân. Số lượng bệnh nhân mắc UTV ngày càng tăng cao trong những năm gần đây. 
 
Với nhiệm vụ chỉ đạo tuyến, đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật cho nhiều bệnh viện trong khu vực phía Bắc, tham mưu cho Bộ Y tế trong công tác phòng chống ung thư của cả nước, đồng thời có đủ các chuyên khoa sâu trong điều trị đa mô thức ung thư, Bệnh viện K luôn chú trọng đến công tác chẩn đoán và điều trị UTV, bám sát và cập nhật các tiến bộ khoa học, y tế trên thế giới. Xuất phát từ thực tiễn nói trên, cùng với mong muốn nâng cao chất lượng điều trị UTV một cách toàn diện, đem lại lợi ích nhiều hơn nữa cho người bệnh và xã hội, Bộ Khoa học và Công nghệ đã giao Bệnh viện K triển khai đề tài “Nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư vú”.
 
Theo PGS.TS. Trần Văn Thuấn, được thực hiện từ năm 2012 đến năm 2015, đề tài hướng đến mục tiêu áp dụng thành công và có hiệu quả các tiến bộ mới trong chẩn đoán và điều trị UTV vào điều kiện thực tế của Việt Nam. Cụ thể, xây dựng chỉ định và quy trình xét nghiệm FISH trên bệnh nhân UTV; xây dựng chỉ định và quy trình xạ trị điều biến liều trong điều trị UTV; xây dựng chỉ định và quy trình tạo hình sau phẫu thuật cắt tuyến vú do ung thư; xây dựng phác đồ hóa chất bổ trợ trước kết hợp với phẫu thuật bảo tồn  tuyến vú trên bệnh nhân UTV giai đoạn sớm; điều trị bổ trợ kháng thể đơn dòng trastuzumab trên bệnh nhân UTV có thụ thể yếu tố phát triển biểu mô HER2 dương tính. 
 
Triển khai đề tài này, nhóm nghiên cứu đã chọn 100 bệnh nhân nữ UTV nguyên phát tại khoa Giải phẫu bệnh - Bệnh viện K. Đồng thời đã sử dụng nhiều phương pháp nghiên cứu như mô tả tiến cứu, nghiên cứu can thiệp lâm sàng không đối chứng theo dõi dọc, can thiệp lâm sàng, can thiệp lâm sàng có đối chứng.

Hy vọng mới cho bệnh nhân UTV
 
Sau 3 năm triển khai, đề tài đã hoàn thiện 8 quy trình trong điều trị UTV; đào tạo 01 thạc sĩ, 01 tiến sĩ Ung thư học, 01 tiến sĩ giải phẫu bệnh và xuất bản một số cuốn sách chuyên khảo như "Ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ điều trị nội khoa bệnh ung thư vú", sách "Điều trị bệnh ung thư vú", sổ tay "Điều trị nội khoa ung thư". 
 
Chủ nhiệm đề tài Trần Văn Thuấn cho biết, nhóm nghiên cứu đã thực hiện thành công kỹ thuật nhuộm FISH (một trong số các kỹ thuật đạt tiêu chuẩn nhất trên thế giới sử dụng đánh giá tình trạng thụ thể yếu tố phát triển biểu mô trong UTV) cho bệnh nhân UTV. Cụ thể, đã xác định được rõ chỉ định và quy trình xét nghiệm FISH trên khối paraffin. Thực hiện thành công kỹ thuật nhuộm FISH cho bệnh nhân UTV, áp dụng quy trình nhuộm FISH và nhuộm hóa mô miễn dịch (HMMD) vào thực tế cho kết quả 39% có khuếch đại gen HER2. 
 
Cùng với đó, đã thực hiện thành công kỹ thuật xạ trị điều biến liều Jaw-only trên bệnh nhân UTV giai đoạn I và II. Xác định được rõ chỉ định và quy trình thực hiện xạ trị điều biến liều. Lập kế hoạch xạ trị với 5 trường chiếu (87,5%), sử dụng 4 trường chiếu (12,5%). Chưa phát hiện tái phát, di căn hoặc chết do nguyên nhân UTV ở nhóm bệnh nhân có thông tin theo dõi. 
 
Đồng thời, đã áp dụng thành công một số kỹ thuật tạo hình sau điều trị UTV. Xác định được rõ quy trình phẫu thuật của phương pháp phẫu thuật tạo hình cho bệnh nhân mổ cắt tuyến vú do ung thư. Áp dụng phẫu thuật tạo hình vú cho 41 bệnh nhân sau điều trị UTV cho thấy các phương pháp tạo hình đều an toàn và mang lại kết quả thẩm mỹ cao, chưa có bệnh nhân nào tái phát sau thời gian theo dõi.   
 
Nhóm nghiên cứu cũng đã áp dụng thành công phác đồ hóa chất tân bổ trợ và phẫu thuật bảo tồn cho bệnh nhân UTV giai đoạn sớm. Xác định được rõ chỉ định và quy trình thực hiện cụ thể. Đáp ứng phác đồ TA trên bệnh nhân UTV giai đoạn II: Tỷ lệ đáp ứng toàn bộ trên lâm sàng là 92,6%, trong đó có 46,3% đáp ứng hoàn toàn. Không có bệnh nhân nào tiến triển. Tỉ lệ đáp ứng hoàn toàn trên mô bệnh học (pCR) 22%, và 12,2% bệnh nhân chỉ còn ung thư tại chỗ. 
 
Theo chủ nhiệm đề tài Trần Văn Thuấn, với 38 bệnh nhân được phẫu thuật bảo tồn (92,6% ), kết quả phẫu thuật có giá trị thẩm mỹ cao, tỷ lệ tai biến thấp (5,2%). Đa số các trường hợp u thoái hóa còn tổn thương đơn độc và diện cắt dương tính chủ yếu tại các vị trí sát u, cách 0,5cm và 1cm với tỉ lệ 5 - 25%. Thời gian phẫu thuật trung bình 69,7 phút, thời gian nằm viện sau phẫu thuật ngắn, trung bình 9,5 ngày. 
 
Đề tài cũng đã ứng dụng thành công phác đồ bổ trợ hóa trị kết hợp với trastuzumab cho bệnh nhân UTV có thụ thể yếu tố phát triển biểu mô  dương tính. Khi áp dụng điều trị phác đồ này trên thực tế, bước đầu cho thấy phương pháp này có độ an toàn cao, hiệu quả điều trị tốt. 
 
Đề tài đã hoàn tất các nội dung công việc được nêu ra trong thuyết minh đề tài, có một số nội dung vượt so với yêu cầu. Đề tài đã cho ra các sản phẩm đáp ứng đúng yêu cầu đặt ra trong thuyết minh đề tài. Các nội dung công việc và sản phẩm thu được của đề tài đã đưa ra một tổng thể mới về các quy trình chuyên môn trong UTV, qua đó nâng tầm hoạt động chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư vú tại Bệnh viện K. Nhóm nghiên cứu kiến nghị nên thiết lập một chuẩn mực mới trong chẩn đoán và điều trị UTV trên cả nước dựa vào các nội dung khoa học, kết quả nghiên cứu và các sản phẩm của đề tài. 
 
Việc thực hiện thành công kỹ thuật nhuộm FISH, một trong số các kỹ thuật tiêu chuẩn nhất trên thế giới sử dụng đánh giá tình trạng thụ thể yếu tố phát triển biểu mô trong UTV đã khẳng định các nhà khoa học Việt Nam có thể làm chủ công nghệ đạt tiêu chuẩn thế giới. Theo các chuyên gia, với xét nghiệm FISH, chúng ta có thể đánh giá chính xác tình trạng thụ thể yếu tố phát triển biểu mô, giúp cho chỉ định chính xác thuốc điều trị đích (Herceptin) vốn có chi phí rất cao. Điều này giảm chi phí trực tiếp cho người bệnh và cơ quan bảo hiểm y tế. Các kỹ thuật, quy trình, phác đồ mới được áp dụng thành công trong thực tiễn lâm sàng thông qua việc triển khai đề tài nói trên sẽ giúp cứu sống thêm người bệnh, tăng chất lượng điều trị và sẽ lan tỏa trong hoạt động phòng chống ung thư nói chung trên cả nước. 
 
Bài, ảnh: Hạnh Nguyên