|
|||
Đây là khẳng định của PGS.TS Lê Mạnh Hùng, Chủ nhiệm Chương trình KC08/11-15 tại Hội nghị khoa học và công nghệ (KH&CN) phục vụ phòng tránh thiên tai, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, (mã số KC.08/11-15) vừa diễn ra sáng nay, ngày 27/11 tại Hà Nội. Những kết quả nổi bật PGS.TS Lê Mạnh Hùng cho biết, Chương trình nghiên cứu được triển khai với mục tiêu chính là áp dụng, phát triển và hoàn thiện được các công nghệ dự báo tiên tiến để nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo sớm và quản lý rủi ro một số dạng thiên tai nguy hiểm như bão, lũ lụt miền trung; phát triển và hoàn thiện được các công nghệ mới trong xây dựng các giải pháp, công trình phòng chống thiên tai. Qua các nghiên cứu có hiệu quả và tạo ra được công nghệ tiên tiến phù hợp với điều kiện Việt Nam để có hướng xử lý ô nhiễm môi trường kết hợp xử lý nguồn thải…. Sau 5 năm triển khai, đã có nhiều đề tài đạt kết quả xuất sắc, chuyển giao được kết quả vào thực tiễn. Có thể kể đến một số quả nổi bật như đề tài nghiên cứu “Xây dựng quy trình công nghệ dự báo quỹ đạo và cường độ bão trên khu vực tây bắc Thái Bình Dương và Biển Đông hạn 5 ngày” (KC.08.01/11-15) do GS.TS Trần Tân Tiến, trường đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Bách Khoa Hà Nội làm chủ nhiệm đã hoàn thành quy trình công nghệ dự báo, cảnh báo bão hạn 5 ngày với cường độ chính xác đạt trình độ khu vực. Quy trình công nghệ dự báo bão hạn 5 ngày đã được ứng dụng cho các trận bão xảy ra trong quá khứ và được điều chỉnh, nâng cao độ chính xác khi dự báo các trận bão xảy ra vào cuối năm 2013 và 2 trận bão năm 2014 và được chuyển giao Đài khí tượng Đông Bắc, phòng khí tượng Bộ Tư lệnh Hải quân, Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương. Tiếp đó là đề tài “Nghiên cứu xây dựng hệ thống dự báo, cảnh báo hạn hán cho Việt Nam với thời hạn đến 3 tháng” (KC.08.17/11-15) do PGS.TS Nguyễn Văn Thắng, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường làm chủ nhiệm lần đầu tiên sử dụng bộ chỉ tiêu phân cấp hạn khí tượng và các bộ mô hình thống kê để dự báo hạn khí tượng cho Việt Nam với thời hạn nên đến 3 tháng. Đề tài đã xây dựng được trang web cung cấp kết quả dự báo hạn khí tượng với thời hạn 3 tháng cho các khu vực thường xuyên xảy ra hạn hán trên phạm vi cả nước. Nội dung nghiên cứu những vấn đề liên quan đến đánh giá rủi ro và chu trình quản lý rủi ro thiên tai với 6 đề tài cũng có những kết quả tốt, tiêu biểu như: Đề tài “Nghiên cứu các giải pháp giảm thiểu tác động bất lợi khi vận hành hồ chứa thượng nguồn đến vùng hợp lưu các sông Thao - Đà – Lô” (KC.08.02/11-15) do TS. Nguyễn Đăng Giáp chủ nhiệm đã thu thập được khá đầy đủ tài liệu động lực học, diễn biến lòng dẫn và các tài liệu cơ bản liên quan tới đoạn sông nghiên cứu qua các thời kỳ. Nhóm nghiên cứu đã đề xuất phương án quy hoạch chỉnh trị ổn định lòng dẫn vùng hợp lưu sông Thao, sông Đà, sông Lô, sông Hồng đảm bảo an toàn đê điều, bảo vệ khu dân cư ngoài sông, ổn định canh tác và ổn định tuyến đường thủy. PGS.TS Lê Mạnh Hùng, một trong những nhiệm vụ nghiên cứu quan trọng của chương trình là nghiên cứu các công nghệ về gia cố bờ sông, bờ biển….nội dung nghiên cứu này đã dành được sự quan tâm của các nhà khoa học và mang lại hiệu quả cao. Nổi bật nhất có thể kể đến đề tài “Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ mới trong gia cố đê biển bằng phương pháp neo đất, sử dụng phụ gia consolid và chống xói mòn lớp bảo vệ mái”, mã số KC08.03/11-15 do Trường Đại học Thủy lợi chủ trì thực hiện. Đề tài đã nghiên cứu và áp dụng công nghệ mới trong pham vi hai tỉnh Nam Định và Thái Bình, là hai địa phương thường xuyên phải hứng chịu sự tàn phá của các trận bão lớn. Việc khảo sát thu thập cũng như đánh giá, điều tra các tài liệu cơ bản về khí tượng, thủy văn, dòng chảy, địa hình, địa chất, bùn cát và các tài liệu nghiên cứu có liên quan đến khu vực đê của hai tỉnh này đã được thực hiện một cách chu đáo, tỷ mỷ và thận trọng, giúp cho việc nghiên cứu triển khai các giải pháp công nghệ mới phù hợp với thực tế. Qua hơn 2 năm thực hiện, đề tài đã tạo ra một số giải pháp công nghệ và vật liệu nổi bật. Đó là giải pháp công nghệ neo xoắn giúp gia tăng lực neo giữ mảng lên rất nhiều, lực neo giữ này không những chỉ do sức kháng kéo nhổ của các mũi xoắn tạo ra mà còn do neo có tác dụng khống chế 4 góc mảng gia cố không cho chuyển vị ngang, liên kết các viên gia cố thành một khối. Nghiên cứu gắn với ứng dụng PGS. TS Lê Mạnh Hùng nhận định, phần lớn các đề tài thuộc chương trình đã tập trung giải quyết những vẫn đề cấp bách của thực tế, đã có những đóng góp kịp thời cho những vấn đề xảy ra trong quá trình thực hiện đề tài. Trình độ KH&CN của sản phẩm khoa học tạo ra tương đương với khu vực và quốc tế. Chỉ tiêu nâng cao năng lực cho cán bộ trẻ không chỉ thể hiện ở số lượng Tiến sĩ, Thạc sĩ được đào tạo, số lượng các công trình khoa học đã được công bố trên các tạp chí mà còn thể hiện qua khả năng nắm bắt thực tế, làm việc nhóm,... Những kết quả đạt được của Chương trình sẽ là những đóng góp mới, có chất lượng về mặt lý luận và thực tiễn trong phòng tránh thiên tai, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên. Ông Lê Quang Thành, Vụ trưởng Vụ Khoa học Xã hội và Tự nhiên, Bộ KH&CN đánh giá cao những kết quả mà Chương trình nghiên cứu KC.08/11-15 đã đạt được trong thời gian qua. Ông Lê Quang Thành cho rằng, cho tới nay, Chương trình cơ bản đã đạt được các mục tiêu đề ra. Nhiều đề tài đã có kết quả ứng dụng vào thực tế tạo tiền đề cho giai đoạn nghiên cứu tiếp theo. Tuy nhiên trong quá trình triển khai, Chương trình vẫn còn một số tồn tại như sự liên kết, kế thừa và phát huy các kết quả giai đoạn trước của chương trình chưa được liền mạch. Chương trình đã đào tạo được đội ngũ đông đảo các nhà khoa học có khả năng nghiên cứu về những vấn đề thiên tai, môi trường và tài nguyên nhưng chưa thực sự tạo ra được những chuyên gia giỏi, có tính chuyên sâu. Thông qua các đề tài nhiều đơn vị nghiên cứu đã được trang bị hiện đại phục vụ nghiên cứu khoa học nhưng chưa khai thác hết tiềm năng. Do đặc thù công tác nghiên cứu nên Chương trình có địa bàn hoạt động rộng, hầu hết các đề tài đều triển khai ở các địa phương nên có mối quan hệ chặt chẽ song công tác quảng bá kết quả nghiên cứu còn ít. Điều này dẫn đến tình trạng chính địa phương không hiểu về các kết quả nghiên cứu nên còn ngại ứng dụng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chuyển giao. Để nâng cao chất lượng các đề tài trong thời gian tới, các đại biểu tham dự hội nghị cho rằng cầm tăng cường thông tin đa chiều trao đổi giữa các đơn vị của Ban chủ nhiệm cũng như của các đơn vị của Bộ KH&CN. Tăng cường giao lưu giữa các nhà khoa học thông qua các hội nghị, hội thảo để chia sẻ thông tin, tài liệu cơ bản, học tập kinh nghiệm và trao đổi học thuật. Bên cạnh đó cũng cần chú trọng đến công tác tuyên truyền quảng bá những kết quả nghiên cứu đến với xã hội để người dân hiểu và sẵn sàng ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn. Bài, ảnh: Thái Bình |