|
|||
Chiều ngày 17/11, ông Phạm Đại Dương, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Trưởng Ban quản lý khu Công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc đã có cuộc gặp gỡ báo chí nhằm làm rõ hơn những vấn đề đặt ra trong dự thảo Cơ chế đặc thù cho khu CNC Hòa Lạc. Phóng viên Cổng thông tin truyenthongkhoahoc.vn đã ghi nhận lại những thông tin chính tại cuộc trao đổi này. Sau hơn 17 năm triển khai, dường như khu CNC Hòa Lạc vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu đề ra, đó là tạo điểm nhấn, thu hút nguồn nhân lực công nghệ cao, phát triển và ươm tạo công nghệ cao của khu vực phía bắc. Trong khi đó, khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, dù ra đời sau, nhưng đã đạt được những bước tiến đáng kể. Vậy đâu là nguyên nhân làm chậm quá trình phát triển của khu CNC Hòa Lạc? Và liệu những cơ chế đặc thù có giải quyết được những vướng mắc này?
Ông Phạm Đại Dương, Thứ trưởng Bộ KH&CN, Trưởng Ban quản lý khu CNC Hòa Lạc Bộ KH&CN cũng đã nhìn nhận một số nguyên nhân làm chậm quá trình phát triển của khu CNC Hoà Lạc như sau: Tuy nhiên, trong giai đoạn GPMB và xây dựng cơ sở hạ tầng của Khu CNC Hoà Lạc còn cần có sự tham gia quản lý, chỉ đạo các Bộ, Ngành, đặc biệt là UBND thành phố và các cơ quan chuyên môn của thành phố trong các lĩnh vực như đất đai, quy hoạch, xây dựng, môi trường, lao động, đầu tư... Do sự phân định trách nhiệm và phối hợp trong công tác đầu tư xây dựng và thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với Khu CNC Hoà Lạc giữa Ban Quản lý với các Cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương chưa được quy định cụ thể, rõ ràng dẫn đến việc đầu tư xây dựng không đồng bộ, việc buông lỏng hoặc chồng chéo trong quản lý và thiếu nhất quán trong thực hiện. Đây cũng là một trong các nguyên nhân khiến cho tiến độ bồi thường GPMB và tái định cư chậm, việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng bị kéo dài, việc thu hút đầu tư gặp nhiều khó khăn… Khi hàng lang pháp lý điều chỉnh hoạt động vĩ mô của Khu CNC nói chung đã cơ bản đã đồng bộ và ổn định, Bộ Khoa học và Công nghệ nhận định đây thời điểm là thích hợp và “chín muồi” cho việc rà soát và nhìn lại một chặng đường dài xây dựng và phát triển Khu CNC Hoà Lạc để có thể đánh giá được những kết quả đã đạt được, “nêu tên” được các khó khăn vướng mắc cần phải tháo gỡ và xác định các định hướng phát triển cụ thể trong giai đoạn sắp tới. Vì vậy, Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá các nội dung đề xuất về cơ chế, chính sách đặc thù đối với Khu CNC Hoà Lạc là rất đồng bộ và đầy đủ, có thể tháo gỡ toàn bộ các khó khăn vướng mắc từ trước đến nay, đảm bảo huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển, tránh lãng phí thời gian, không làm mất cơ hội của Quốc gia và của các nhà đầu tư tại Khu CNC, tạo động lực để đẩy nhanh tiến độ xây dựng và phát triển Khu CNC Hoà Lạc, giúp Khu CNC sớm kết thúc giai đoạn giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng để chuyển sang giai đoạn phát triển mới đó là phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ Mục tiêu xây dựng Khu CNC Hòa Lạc trở thành động lực thúc đẩy phát triển KH&CN quốc gia Khu CNC Hoà Lạc được thành lập năm 1998 với mục tiêu tạo tiềm lực và động lực thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ quốc gia. Tuy nhiên Khu CNC là một mô hình mới chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam và Khu CNC Hoà Lạc là Khu CNC đầu tiên của Việt Nam, do đó trong quá trình xây dựng và phát triển Khu Công nghệ cao Hoà Lạc, Bộ KH&CN không tránh khỏi những lúng túng, vướng mắc trong cách thức tổ chức thực hiện, về việc tìm kiếm nguồn lực cho phát triển, xây dựng cơ chế chính sách, xác định các kế hoạch ưu tiên phát triển trong từng thời kỳ... điều này đã kéo dài tiến độ xây dựng và phát triển Khu CNC Hoà Lạc. Sẽ có câu hỏi đặt ra là tại sao đến thời điểm hiện nay Bộ KH&CN mới nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách đặc thù đối với Khu CNC Hoà Lạc, thực tế cho thấy sau khi trải qua một giai đoạn dài xây dựng và phát triển, khi mà các chính sách vĩ mô điều chỉnh hoạt động của Khu CNC nói chung đã được hành thành tương đối đầy đủ thì việc đánh giá các kết quả đạt được và các bài học kinh nghiệm rút ra sẽ mang tính toàn diện và tổng thể hơn, các khó khăn, vướng mắc và “rào cản” đối với sự phát triển của Khu CNC cũng được nhận định một cách đầy đủ và khách quan hơn, việc đề xuất các định hướng phát triển trong giai đoạn sắp tới của Khu CNC cũng sát với thực tế hơn. Dự thảo lần này tập trung giải quyết một số nội dung chính như sau: Thứ nhất: Các nội dung liên quan đến nguồn lực cho đầu tư xây dựng và phát triển Khu CNC Hoà Lạc, bao gồm: Phân định rõ trách nhiệm của các Bộ, Ngành, địa phương và các doanh nghiệp trong việc xây dựng, phát triển, quản lý và khai thác các công trình hạ tầng kỹ thuật của Khu CNC. Đồng thời đặt mục tiêu kế hoạch phải hoàn thành đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật vào năm 2020 để có thể đưa Khu Công nghệ cao chuyển sang một giai đoạn phát triển mới, đó là giai đoạn đầu tư chiều sâu và đầu tư cho khoa học - công nghệ; Đề xuất cơ chế tài chính đối với Ban Quản lý Khu CNC Hoà Lạc, trong đó Ban Quản lý được thu và sử dụng toàn bộ tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, tiền bồi thường giải phóng mặt bằng để đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, công trình dịch vụ, tiện ích cần thiết phục vụ chung trong Khu Công nghệ cao, hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao và tạo nguồn vốn giải phóng mặt bằng; được ủy quyền thu các loại phí, lệ phí liên quan đến hoạt động quản lý nhà nước của Ban Quản lý để bổ sung kinh phí hoạt động. Đối với phát triển khoa học và công nghệ, dự thảo Quyết định đã đề xuất một số giải pháp thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ của Khu CNC Hoà Lạc, trong đó quy định một số dự án nghiên cứu và triển khai bằng vốn ngân sách nhà nước có quy mô từ 200 tỷ đồng trở lên thuộc một số lĩnh vực yêu cầu được đặt tại Khu Công nghệ cao; đề xuất xây dựng Chương trình phát triển khoa học và công nghệ cho Khu Công nghệ cao nhằm tạo dựng một môi trường khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư và hợp cho phát triển khoa học và công nghệ cũng như đảm bảo các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao giúp các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.
Quy hoạch tổng thể khu Giáo dục và Đào tạo tại Khu CNC Hòa Lạc Thứ hai: Các nội dung liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của Ban Quản lý: Tại dự thảo Quyết định đã quy định rõ Ban Quản lý là cơ quan chủ trì và đầu mối trong công tác quản lý nhà nước về quy hoạch và xây dựng đối với Khu CNC. Các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm uỷ quyền cho Ban Quản lý và ban hành quy chế phối hợp với Ban Quản lý. Ngoài ra, dự thảo cũng đề xuất quy định một số thẩm quyền hết sức quan trọng để tạo sự chủ động và nâng cao trách nhiệm của Ban Quản lý cũng như tạo sự thông thoáng và thuận lợi trong thực hiện trong lĩnh vực về quản lý đất đai và quản lý lao động, cụ thể:Thẩm quyền quyết định giá đất cụ thể; quyết định số tiền thuê đất được miễn, giảm; xác định mức thu tiền bồi thường GPMB; Đề xuất cách tính toán giá đất cụ thể bằng phương pháp đơn giản và thuận lợi (áp dụng hệ số điều chỉnh đối với toàn bộ các thửa đất trong Khu CNC, không phân biệt quy mô); Thẩm quyền cấp Giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài theo quy trình, thủ tục rút gọn; chấp thuận kế hoạch sử dụng lao động là người nước ngoài của các doanh nghiệp trong Khu CNC.. Thứ ba: Các nội dung liên quan đến ưu đãi đầu tư: Các ưu đãi về đất đai và tiền bồi thường GPMB: được đề xuất trên nguyên tắc đảm bảo ưu đãi mức cao nhất cho các đối tượng sử dụng đất để xây dựng hạ tầng kỹ thuật, xây dựng các cơ sở nghiên cứu - triển khai, đào tạo, ươm tạo và nhà ở cho chuyên gia, người lao động, các dự án có thời gian sử dụng đất nhỏ hơn hoặc bằng 20 năm... Theo đó, các nhà đầu tư thuộc lĩnh vực này sẽ được miễn toàn bộ tiền thuê đất. Các nhà đầu tư còn lại được đề xuất miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản tối đa 03 năm và được miễn tiền thuê đất trong 11 năm tiếp theo. Các ưu đãi về thuế: đã được quy định lại một cách hệ thống với các ưu đãi thuế cơ bản, đồng thời quy định chi tiết các ưu đãi chưa rõ ràng và quy định bổ sung các ưu đãi mới căn cứ theo các quy định của pháp luật hiện hành về thuế và đặc thù của Khu CNC Hòa Lạc. Trong đó, một số chính sách ưu đãi về thuế nổi bật đề xuất tại dự thảo quyết định này như “giảm 50% số thuế thu nhập cá nhân phải nộp đối với thu nhập phát sinh tại Khu Công nghệ cao”, “thuế suất 10% suốt thời gian hoạt động đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư kinh doanh nhà ở cho chuyên gia, người lao động”... Các ưu đãi về nhà ở: dự thảo Quyết định đã đề xuất các chính sách ưu đãi để chuyên gia, người lao động làm việc tại Khu Công nghệ cao được mua, thuê, thuê mua nhà ở với giá ưu đãi hơn so với nhà ở cùng loại và cùng chất lượng tại các khu vực lân cận, thông qua việc hỗ trợ tiền thuê đất, tiền sử dụng đất và tiền đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Thứ 4: Các nội dung về thực hiện các thủ tục đầu tư: Về thực hiện các thủ tục đầu tư, Dự thảo đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ đơn vị ban hành các tiêu chí thu hút đầu tư vào các khu chức năng của Khu CNC Hòa Lạc trên cơ sở các quy định chung của pháp luật để đảm bảo các dự án đầu tư tại Khu có hàm lượng cao về khoa học và công nghệ, sử dụng đất có hiệu quả, không gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, Dự thảo đề nghị cho phép thành lập văn phòng “một cửa” tại Ban Quản lý để để giải quyết các thủ tục hành chính cho nhà đầu tư tại Khu Công nghệ cao, giúp Ban Quản lý có thể phát huy đầy đủ vai trò, sự chủ động và trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước đối với Khu CNC. Trong thời gian vừa qua, Bộ KH&CN đã có văn bản gửi lấy ý kiến đóng góp của các Bộ, Ngành, Địa phương về dự thảo Quyết định Cơ chế, chính sách đặc thù đối với Khu CNC Hoà Lạc. Qua quá trình xúc tiến đầu tư cho thấy các nhà đầu tư rất quan tâm đến các chính sách ưu đãi đầu tư khi quyết định lựa chọn địa điểm đầu tư. Mong muốn của các nhà đầu tư là giảm thiểu chi phí đầu tư và thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư. Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng đã đến lúc cần phải có các “cú hích” và “đột phá” về cơ chế, chính sách để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong nhiều năm qua của Khu CNC Hoà Lạc, đặc biệt là vấn đề ưu đãi và thu hút đầu tư để có thể thu hút được nhiều dự án đầu tư lớn, góp phần thay đổi hình ảnh của Khu CNC Hoà Lạc. Bộ KH&CN đề nghị các Bộ, Ngành Địa phương có ý kiến và quan điểm ủng hộ các đề xuất của Bộ KH&CNtại dự thảo Quyết định, đối với các vấn đề vượt thẩm quyền đề nghị các Bộ nghiên cứu giải pháp tháo gỡ và báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo. Trong thời gian tới, khi Thủ tướng Chính phủ quyết định ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho Khu CNC Hoà Lac, Bộ KH&CN sẽ tập trung toàn bộ nguồn lực để hoàn thành dứt điểm công tác GPMB và xây dựng cơ sở hạ tầng để từ sau năm 2020 có thể đưa Khu CNC Hoà Lạc sang một giai đoạn phát triển mới đó là đầu tư chiều sâu, đầu tư cho khoa học và công nghệ. Vì vậy, trong giai đoạn sắp tới, Bộ KH&CN sẽ cần phải chuẩn bị đầy đủ những tiền đề quan trọng cho phát triển khoa học và công nghệ của Khu CNC Hoà Lạc, đó là triển khai các Chương trình phát triển khoa học và công nghệ cho riêng Khu CNC nhằm nâng cao năng lực, thúc đẩy hoạt động khoa học và công nghệ của các nhà đầu tư, thu hút nhân tài và xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao phục vụ việc nghiên cứu và phát triển; thúc đẩy hoạt động đổi mới; ươm tạo, đào tạo; chuyển giao, thương mại hóa và phát triển sản phẩm công nghệ cao của các nhà đầu tư trong Khu CNC. Các Chương trình này sẽ lựa chọn, triển khai đầu tư cho những hướng công nghệ, sản phẩm, doanh nghiệp điển hình trong Khu Công nghệ cao, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội, có tính định hướng, có tác dụng lan tỏa và mang tính đột phá lớn. Ngoài ra, Bộ KH&CN cũng đặt mục tiêu thu hút được một số dự án lớn trong lĩnh vực nghiên cứu - triển khai và sản xuất công nghiệp công nghệ cao của các Tập đoàn quốc tế vào Khu CNC Hoà Lạc để làm động lực thu hút các dự án đầu tư trong nước và phát triển cơ sở hạ tầng xã hội cho Khu CNC.
|