Bản in
Quỹ InnoFund: Hỗ trợ thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu KH&CN
Các dự án đáp ứng yêu cầu của Quỹ hỗ trợ hạt giống (InnoFund) sẽ được hỗ trợ dưới dạng vốn tài chính không hoàn lại ở mức tối thiểu 15.000 EUR/dự án, tối đa là 45.000 EUR/dự án (tính bằng đồng Việt Nam). Ngoài ra, còn các hình thức hỗ trợ khác như tư vấn thực hiện kiểm toán đổi mới sáng tạo; hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn, đào tạo, nghiên cứu/phân tích, hội thảo, phát triển mạng lưới, maketing và các thông tin xúc tiến;…

Đây là những hỗ trợ thiết thực của Quỹ InnoFund - một trong 4 nội dung quan trọng của Dự án Hỗ trợ xây dựng chính sách đổi mới và phát triển các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp (BIPP) sử dụng vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Vương quốc Bỉ vừa chính thức khởi động với nhiều nội dung hỗ trợ phát triển các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp.

Thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu

Theo ông Trần Đắc Hiến – Giám đốc Ban Quản lý Dự án BIPP, Quỹ Innofund được hình thành với mục tiêu giúp nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam thông qua cải thiện việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu và phát triển trong nước. Với sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác Phát triển Bỉ, Quỹ Innofund sẽ giúp xây dựng năng lực về ươm tạo và tiền ươm tạo cho các cá nhân, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp là khách hàng (tiền ươm tạo, ươm tạo, ươm tạo ảo) trong các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp công nghệ hiện có hoặc mới thành lập; các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp công nghệ được thành lập.

Việc hỗ trợ của Quỹ Innofund sẽ được thực hiện dưới dạng vốn tài chính không hoàn lại, tối thiểu cho mỗi dự án là 15.000 EUR và tối đa là 45.000 EUR (tính bằng đồng Việt Nam). Ngoài hỗ trợ về tài chính, Quỹ Innofund còn có các hình thức hỗ trợ khác như: hỗ trợ tư vấn thực hiện kiểm toán đổi mới sáng tạo ở các viện nghiên cứu/khoa thuộc trường đại học nhằm xác định các ý tưởng đổi mới sáng tạo có khả năng thương mại hóa thông qua việc cấp phép sở hữu trí tuệ hoặc khởi nghiệp kinh doanh; hỗ trợ tư vấn, mua sắm nguyên liệu và thuê/mua sắm trang thiết bị để phát triển sản phẩm; tư vấn (gồm nghiên cứu, phân tích, tư vấn luật, đào tạo, hội thảo, hội nghị chuyên đề, diễn đàn liên kết mạng lưới,…) cho phát triển, bảo vệ sở hữu trí tuệ, phát triển các chính sách sở hữu trí tuệ phù hợp cho các trường đại học, viện nghiên cứu, nghiên cứu thị trường, nghiên cứu tính khả thi, chuẩn bị kế hoạch kinh doanh,…; hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn, đào tạo, nghiên cứu/phân tích, hội thảo, phát triển mạng lưới, maketing và các thông tin xúc tiến;… 

Được biết, Dự án BIPP sẽ ưu tiên tài trợ các dự án thuộc một số lĩnh vực công nghệ gồm: công nghệ sinh học, công nghệ môi trường, công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ sử dụng tiết kiệm hiệu quả năng lượng. Ngoài ra, những dự án ươm tạo trong các lĩnh vực công nghệ khác cũng được xem xét, tài trợ nếu phù hợp và đáp ứng yêu cầu của Quỹ.

Để có triển vọng lựa chọn cao, một dự án phải đáp ứng các tiêu chí: có tính khả thi cao, có tác động tích cực đối với tăng trưởng xanh, tạo công ăn việc làm cho người lao động; mang tính đổi mới sáng tạo, có chất lượng cao, tạo ra kiến thức trong một lĩnh vực công nghiệp hoặc khoa học cụ thể, có khả năng mang lại giá trị thương mại; chứng minh được các kết quả dự kiến trong đó thể hiện rõ ràng các lợi ích thương mại tiềm năng tương xứng với chi phí hỗ trợ; chứng minh được dự án đã có kế hoạch kinh doanh rõ ràng và việc thực hiện dự án phải có sự tham gia của đại diện khu vực tư nhân để bảo đảm phù hợp với nhu cầu của các doanh nghiệp.

Thí điểm hỗ trợ 2 cơ sở ươm tạo

Theo ông Trần Đắc Hiến, hiện Quỹ đang kỳ vọng thí điểm thành công chính sách hỗ trợ hai cơ sở ươm tạo là Trung tâm Ươm tạo Công nghệ và Doanh nghiệp KH&CN (NTBIC) – Viện Ứng dụng công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ và Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp công nghệ (HCMUT – TBI), Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh.
Mới đây, Ban Quản lý Dự án BIPP và 2 cơ sở ươm tạo nói trên đã ký kết hợp đồng tài trợ. Theo đó, Dự án hỗ trợ Trung tâm NTBIC tổng kinh phí gần 278.000 EUR. Theo hợp đồng ký kết, các nội dung chính được tài trợ sẽ bao gồm: hoạt động quảng bá, đào tạo, hướng dẫn khởi nghiệp; hoạt động thường xuyên; thành lập nguồn thông tin khởi nghiệp và công nghệ; hỗ trợ doanh nghiệp và kết nối hai chiều doanh nghiệp khởi nghiệp, công nghệ.
 
Giám đốc Trung tâm NTBIC Trần Vũ Tuấn Phan cho biết, theo kế hoạch kinh doanh, Trung tâm sẽ tập trung chủ yếu vào 5 lĩnh vực trọng điểm gồm: công nghệ sinh học và nông nghiệp; công nghệ Quang – Điện tử; công nghệ thông tin; vật liệu mới phụ trợ; thiết bị y tế. NTBIC kỳ vọng thông qua hoạt động ươm tạo, sẽ có được 8 – 10 doanh nghiệp KH&CN đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

Quỹ Innofund sẽ tài trợ mỗi dự án đáp ứng các yêu cầu của Quỹ tối đa 45.000 EUR.

Khi đón nhận các doanh nghiệp KH&CN tới hoạt động tại vườn ươm, NTBIC sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp về cơ sở hạ tầng ban đầu, định hướng và hỗ trợ kết nối với những nguồn tài chính để tạo nguồn lực đầu tư cho sản xuất, phát triển sản phẩm. Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận hệ thống chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước với doanh nghiệp KH&CN cùng những hoạt động khác để thúc đẩy quá trình sản xuất, kinh doanh như hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, tiếp cận thị trường, giám sát đánh giá để kịp thời điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp với thực tế.

Còn với Trung tâm HCMUT – TBI, Dự án tài trợ với tổng kinh phí gần 210.000 EUR. HCMUT-TBI sẽ giúp các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn lúc mới khởi nghiệp, giảm chi phí và tăng mức độ thành công. Các hỗ trợ bao gồm không gian làm việc với giá cho thuê linh hoạt, thiết bị văn phòng dùng chung, hỗ trợ và hướng dẫn kinh doanh, tư vấn, kết nối với mạng lưới các nhà đầu tư và các nguồn lực khác. Phát triển mạng lưới chuyên gia để hỗ trợ nhu cầu của các doanh nghiệp ươm tạo.

PGS.TS. Mai Thanh Phong, Giám đốc HCMUT – TBI cho biết, việc hỗ trợ kinh phí từ Dự án BIPP là cơ hội đưa Trung tâm phát triển lên một giai đoạn mới, giúp Trung tâm xây dựng và nhân rộng mô hình doanh nghiệp KH&CN tốt nhất đến các doanh nghiệp liên kết. Tính đến nay, HCMUT – TBI ươm tạo tất cả 15 doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp đã tốt nghiệp, thành công và đang hoạt động tốt, điển hình như Công ty Cổ phần Thông Minh Ưu Việt (Inext Technology) với sản phẩm đầu đọc card theo công nghệ RFID, Card giao tiếp FXS/FXO cho hệ thống VoIP, hệ thống chẩn đoán y tế online. Inext Technology đã trở thành doanh nghiệp KH&CN đầu tiên từ Chương trình Vườn ươm doanh nghiệp tại Tp. HCM.

Với sự hỗ trợ này, HCMUT – TBI sẽ nâng cao năng lực quản lý cũng như hoạt động của vườn ươm, có điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp đang ươm tạo ở đây và dần dần tạo ra sự phát triển bền vững của vườn ươm. “Chúng tôi rất kỳ vọng với việc triển khai Dự án BIPP chúng ta sẽ xây dựng được một hệ thống chính sách hoàn chỉnh hỗ trợ hoạt động ươm tạo, để các cơ sở ươm tạo trên cả nước đều được hưởng lợi”, PGS.TS. Mai Thanh Phong chia sẻ.

Với mục tiêu hỗ trợ xây dựng thể chế và phát triển năng lực trong lĩnh vực ươm tạo doanh nghiệp KH&CN, Dự án BIPP sẽ hình thành các giải pháp tổng thể để hỗ trợ và nâng cao năng lực hoạt động ươm tạo doanh nghiệp KH&CN, nhân rộng các mô hình ươm tạo doanh nghiệp KH&CN thành công tại Việt Nam. Với các nội dung của Dự án, đặc biệt là việc vận hành Quỹ Innofund sẽ giúp nâng cao năng lực cho các cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN để từ đó hình thành những doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp KH&CN tồn tại bền vững và có sức cạnh tranh trên thị trường, đóng góp thiết thực và hiệu quả cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Bài, ảnh: Hạnh Nguyên