Bản in
xây dựng thương hiệu nông sản Việt trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Không thể phủ nhận trong thời gian qua ngành nông nghiệp Việt Nam đã có những thành tựu vượt bậc. Điều đó thể hiện qua con số xuất khẩu hàng nông sản tăng liên tục hàng năm, thị trường xuất khẩu ngày càng mở rộng đến cả các nước có thị trường khó tính. Tuy nhiên những kết quả này chưa xứng với tiềm năng, còn nhiều hạn chế trong sản xuất, phát triển thị trường tiêu thụ. Một trong những yếu tố quan trọng nữa là xây dựng thương hiệu cho nông sản.

Kết quả chưa xứng với tiềm năng

Theo số liệu thống kê của ngành nông nghiệp thì hiện nay Việt Nam có tổng diện tích trồng cây ăn quả khoảng hơn 800.000 ha chủ yếu tập trung ở khu vực phía nam. Chủng loại cây ăn quả rất đa dạng như bưởi, thanh long, sầu riêng, nhãn tiêu, chôm chôm, vú sữa, xoài,…xuất khẩu tăng dần theo từng năm . Nếu năm 1996 nước ta chỉ xuất khẩu được hơn 90 triệu USD thì đến năm 2008 đã vượt mốc 400 USD, năm 2013 vượt mốc 1 tỷ USD và naêm 2014 năm hôn 1,4 tyû USD (Hiệp hội rau quả năm 2014).

Thị trường xuất khẩu hàng rau quả Việt Nam cũng liên tục được mở rộng. Hiện nay Việt Nam đã xuất khẩu rau quả đến hơn 70 nước, vùng lãnh thổ trên thế giới như Hoa Kỳ, Đài Loan, Nga, Thái Lan, Malaysia, Singapo, …

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong sản xuất, phát triển thị trường và tiêu thụ sản phẩm rau quả thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế. Đó là công tác quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh, tập trung chỉ giới hạn ở một vài cây và một vài địa phương, chưa khai thác được thực sự vùng chuyên canh và sự liên kết vùng. Tỷ lệ nông dân áp dụng thành công tiêu chuẩn GAP trong sản xuất rau quả còn thấp, chưa đồng đều dẫn đến chất lượng sản phẩm không đều, số lượng chưa lớn và không rải theo mùa vụ.

Theo ông Nguyễn Hồng Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương thì mối liên kết 4 nhà còn chưa chặt chẽ. Doanh nghiệp thu gom sản phẩm chưa rõ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng không đồng đều. Các doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu.

Bên cạnh đó, chuỗi cung ứng còn nhiều khâu trung gian dẫn đến giá trị nông sản ở trang trại thấp, trong khi đó giá bán trên thị trường đôi khi lại quá cao, người nông dân chưa được hưởng công xứng đáng với công sức bỏ ra. Hơn nữa, rau quả của Việt Nam còn hay mắc dịch bệnh do việc thâm canh, tăng vụ, tăng năng suất, diện tích ồ ạt tự phát, khó kiểm soát,…

Một yếu tố quan trọng nữa là công nghệ sau thu hoạch chưa được sử dụng nhiều trong sản xuất trong khi rau quả chủ yếu là tiêu thụ tươi. Do không áp dụng sâu rộng tiến bộ khoa học kỹ thuật nên người nông dân còn phải sử dụng nhiều loại thuốc trừ sâu dẫn đến khó đi vào được các thị trường khó tính trên thế giới.

TS. Nguyễn Văn Hòa, Viện trưởng Viện cây ăn quả miền Nam chia sẻ, nước ta có nhiều chủng loại rau quả ngon có thương hiệu nổi tiếng trong nước nhưng chưa được thị trường thế giới biết đến vì còn thiếu sự đầu tư cho công tác tiếp thị, chưa nghiên cứu kỹ thị trường,…chính vì vậy việc điều tiết sản xuất gặp nhiều khó khăn và thiếu tính định hướng.

Chú trọng đến xây dựng thương hiệu

TS. Nguyễn Văn Hòa nhận định, để ngành sản xuất rau quả phát triển tốt, tăng trưởng bền vững trong giai đoạn tới, chúng ta cần tổ chức sản xuất một cách bài bản, hiệu quả theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo chất lượng cao, đồng đều, giảm chi phí đầu vào và tăng giá trị gia tăng trên đơn vị sản xuất. Đặc biệt cần chú ý đến tính độc quyền sản phẩm và đa dạng giống mới.

Xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông nghiệp phải được lên yếu tố hàng đầu, trong đó cần chú ý đến cơ chế chia sẻ quyền lợi hợp lý của các thành phần trong chuỗi sản xuất.

Mặc dù có lợi thế về khí hậu và thổ nhưỡng nhưng ngành sản xuất rau, quả nói riêng và ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn chưa thực sự dành được lợi thế về giống. Phần nhiều các giống dùng trong nông nghiệp vẫn nhập khẩu, chưa có sự nghiên cứu sâu rộng. Do vậy rất thiết đầu tư cho công tác nghiên cứu, chọn tạo giống mới, chất lượng và khả năng kháng sâu bệnh cao. Các đề tài cần có tính dài hạn cho nghiên cứu giống cây ăn quả vì đây là những đối tượng dài ngày. Cần kết hợp tốt phương pháp chọn giống truyền thống với phương pháp hiện đại để rút ngắn thời gian, kinh phí và nhanh chóng tạo ra những giống mới có giá trị kinh tế cao.

Ông Đặng Văn Đông, Viện trưởng Viện rau quả nhận định, bên cạnh việc nghiên cứu chọn tạo giống mới thì rất cần quan tâm đến bảo hộ giống mới trong và ngoài nước. Điều này không chỉ góp phần mang lại hiệu quả thiết thực cho nhà chọn giống, giảm thiểu tình trạng mất giống, mất bản quyền mà còn tăng hiệu quả sản xuất, tăng tính cạnh tranh nhờ độc quyền trong sản xuất và cung ứng sản phẩm.

Bài, ảnh: Hoàng Anh