Nhiều doanh nghiệp khoa học và công nghệ “sống khỏe”
- Thưa ông, sự phát triển của mô hình vườn ươm doanh nghiệp công nghệ tại nhiều quốc gia trên thế giới đã chứng minh vai trò tích cực của vườn ươm. Xin ông cho biết về thực trạng hoạt động ươm tạo doanh nghiệp công nghệ Việt Nam hiện nay?
- Hiện Việt Nam đã hình thành khoảng 50 cơ sở ươm tạo doanh nghiệp công nghệ với các mô hình như vườn ươm doanh nghiệp công nghệ trong trường đại học; vườn ươm thuộc doanh nghiệp; vườn ươm doanh nghiệp thuộc Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh, Khu công nghệ cao Hòa Lạc... Đặc biệt là mô hình vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao do Nhà nước quản lý nhằm tổ chức, triển khai hoạt động hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân có ý tưởng và nghiên cứu thực hiện việc hoàn thiện công nghệ, thử nghiệm sản phẩm, thành lập doanh nghiệp.
Nhìn chung, các vườn ươm đã đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ về số lượng cũng như chất lượng doanh nghiệp khoa học - công nghệ (KH -CN) được ươm tạo. Tuy nhiên, hầu hết vườn ươm của Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn đầu phát triển, cần giải quyết cơ chế, chính sách cũng như cách thức hoạt động để tạo sức hút thực sự đối với các DN KH - CN.
- Doanh nghiệp KH - CN được coi là lực lượng sản xuất mới, đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội, thưa ông?
- Hiện cả nước có gần 200 doanh nghiệp KH - CN đã được cấp Giấy chứng nhận và khoảng 200 hồ sơ đang trong quá trình thẩm định. Các doanh nghiệp KH - CN đã rất chú trọng đầu tư, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Một số doanh nghiệp thành lập Trung tâm nghiên cứu và phát triển, tập trung đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo nhân lực để nâng cao chất lượng hoạt động như Công ty giống cây trồng Quảng Ninh, Tổng công ty giống cây trồng Thái Bình, Công ty CP giống cây trồng trung ương… Một số doanh nghiệp hợp tác với các viện, trường theo cơ chế đặt hàng nghiên cứu, xây dựng thương hiệu, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ….
Hầu hết sản phẩm mới của doanh nghiệp KH - CN đã tiếp cận được thị trường, đạt doanh thu, lợi nhuận cao như Công ty Cổ phần Giống cây trồng Trung ương, Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình, Công ty BUSADCO, Công ty An Sinh Xanh, Công ty TNHH Dược Hanvet… Ngoài ra, còn rất nhiều doanh nghiệp khác, khi được chứng nhận là doanh nghiệp KH - CN họ đã tích lũy đầu tư từ phần tài chính do thuế thu nhập doanh nghiệp được miễn 4 năm, giảm 50% trong 4 năm tiếp theo để tái đầu tư và phát triển bền vững. Chính sách này cùng với những ưu đãi khác của Nhà nước đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp KH - CN phát triển rất tốt trong thời gian qua.
- Nhiều doanh nghiệp cho biết, vẫn đang gặp khó khăn về tài chính, nhân lực. Vậy Nhà nước đã và đang có những cơ chế, chính sách nào để hỗ trợ các doanh nghiệp KH - CN khởi nghiệp và phát triển, thưa ông?
- Nghị định 80 của Chính phủ về doanh nghiệp KH - CN; Nghị định 96/2010 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 115/2005 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH - CN công lập; Quyết định 592/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH - CN và tổ chức KH - CN công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đã bổ sung một số nội dung như sử dụng các kết quả nghiên cứu đưa vào phương án sản xuất của doanh nghiệp; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; giao các kết quả nghiên cứu (kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học do Nhà nước đầu tư) cho các nhà khoa học để áp dụng vào thực tiễn, tạo ra những sản phẩm mới, khả năng cạnh tranh cao; vay vốn với lãi suất thấp hoặc hỗ trợ lãi suất sau đầu tư, bảo lãnh vốn vay để xây dựng những dự án đầu tư phát triển có tiềm năng... Có thể nói, Nhà nước đã tạo điều kiện rất thuận lợi nhằm thúc đẩy phát triển doanh nghiệp KH - CN tại Việt Nam. Tuy nhiên, qua theo dõi chúng tôi thấy việc thực hiện chính sách đã có chưa mạnh. Các nhà khoa học vẫn gặp khó với thủ tục vay vốn của ngân hàng cũng như chưa có người tư vấn thích hợp.
Toàn cảnh Lễ Khởi động Quỹ hỗ trợ hạt giống thuộc Dự án Hỗ trợ xây dựng chính sách đổi mới và phát triển các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp
Hỗ trợ nâng cao năng lực cơ sở ươm tạo công nghệ
- Thưa ông, sau hơn một năm xây dựng, Dự án “Hỗ trợ xây dựng chính sách đổi mới và phát triển các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp” (BIPP) đã bắt đầu khởi động. Chúng ta kỳ vọng gì khi triển khai Dự án BIPP?
- Dự án BIPP sử dụng vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Vương quốc Bỉ với tổng kinh phí 4,4 triệu EUR. Trong đó, Chính phủ Vương quốc Bỉ tài trợ 4 triệu EUR (tương đương 4,8 triệu USD) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 400.000 EUR. Đây là dự án rất quan trọng đối với Bộ Khoa học và Công nghệ và doanh nghiệp KH - CN. Mục tiêu tổng thể của Dự án BIPP nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực cho các cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp để cho ra đời những doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp KH - CN tồn tại một cách bền vững và có sức cạnh tranh trên thị trường, đóng góp thiết thực cho phát triển KT - XH.
Qua theo dõi, tỷ lệ thành công của các doanh nghiệp KH - CN nếu được phát triển trong các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp rất lớn, khoảng 70% - 80%. Còn nếu không đưa vào các cơ sở ươm tạo, tỷ lệ thành công không vượt quá 30%. Do vậy, trong các chính sách đã và đang xây dựng đều chú trọng đến việc sử dụng hệ thống chính sách để xây dựng các cơ sở ươm tạo, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp muốn hình thành doanh nghiệp KH - CN có thể tham gia. Tại đó, họ được trang bị đầy đủ kiến thức thị trường, quản lý, tổ chức sản xuất kinh doanh, sử dụng vốn, khai thác quyền sở hữu trí tuệ...
Dự án có 4 nội dung chính: Một là, đánh giá lại toàn bộ hiện trạng về phát triển các cơ sở ươm tạo, cũng như lực lượng doanh nghiệp KH - CN ở nước ra. Từ đó, đề xuất các chính sách cần thiết để hỗ trợ cho việc đổi mới và phát triển hoạt động ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH - CN, ươm tạo khởi nghiệp. Hai là, thí điểm chính sách hỗ trợ 2 cơ sở ươm tạo, một cơ sở trực thuộc Viện Ứng dụng công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ và một cơ sở thuộc Trường ĐH Bách Khoa TP Hồ Chí Minh. Từ đó, rút ra bài học kinh nghiệm thực tiễn, đưa ra các khuyến nghị trong việc hoàn thiện chính sách hỗ trợ đổi mới, phát triển các cơ sở ươm tạo ở Việt Nam. Ba là, thí điểm cơ chế hỗ trợ về tài chính thông qua Quỹ hỗ trợ hạt giống với mục tiêu hỗ trợ chủ yếu về tài chính (không hoàn lại) cho các dự án ươm tạo khả thi của tổ chức, cá nhân đang tiến hành hoạt động ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH - CN, ươm tạo khởi nghiệp tại các cơ sở ươm tạo được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật. Với kinh phí khoảng 1,5 triệu EUR và cơ chế hoạt động linh hoạt, năng động, tôi tin Quỹ sẽ hỗ trợ thiết thực, kịp thời cho các dự án khả thi. Bốn là, xây dựng một khung theo dõi, giám sát, đánh giá việc thực hiện kết quả của 3 cấu phần nói trên.
Có thể nói, sự hỗ trợ của Chính phủ Vương quốc Bỉ thông qua Dự án BIPP hết sức thiết thực, kịp thời khi Bộ Khoa học và Công nghệ đang thực hiện các chiến lược, Nghị quyết của Trung ương, Luật Khoa học và Công nghệ, đặc biệt là chủ trương tập trung phát triển lực lượng doanh nghiệp KH - CN - được coi là một lực lượng sản xuất mới trong thời gian tới. Với vai trò là cơ quan chủ quản, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để Dự án thực hiện đầy đủ các nội dung và tiến độ theo đúng quy định, góp phần nâng cao năng lực cũng như hiệu quả hoạt động của mạng lưới các cơ sở ươm tạo, từ đó cho ra đời nhiều doanh nghiệp KH - CN có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
|