Bản in
Dự án BIPP triển khai hỗ trợ ươm tạo doanh nghiệp KH&CN tại Tp.HCM
Ngày 7/10, tại TP.Hồ Chí Minh, Ban Quản lý Dự án "Hỗ trợ xây dựng chính sách đổi mới và phát triển các cơ sở doanh nghiệp - BIPP" và Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Công nghệ (HCMUT – TBI), Trường ĐH Bách khoa, ĐHQG Tp.Hồ Chí Minh đã ký kết hợp đồng tài trợ với kinh phí gần 210.000 EUR.

Đến dự Lễ ký kết có Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Văn Tùng, Trưởng Ban chỉ đạo Dự án; ông Trần Đắc Hiển, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ KH&CN, Giám đốc Dự án BIPP và các thành viên trong Ban Quản lý Dự án. Về phía nhà trường có PGS.TS Vũ Đình Thành, Hiệu trưởng; PGS.TS Mai Thanh Phong, Phó Hiệu trưởng, Giám đốc HCMUT – TBI và đại diện các Khoa, phòng, ban của Trường.

HCMUT-TBI đã được lựa chọn là một trong hai cơ sở ươm tạo tham gia vào Dự án BIPP với mục tiêu phát triển Trung tâm thành một đơn vị ươm tạo doanh nghiệp công nghệ tiêu biểu trong các trường đại học. BIPP sẽ hỗ trợ các Trung tâm trong việc thiết lập kế hoạch kinh doanh, hỗ trợ kinh phí hoạt động; hỗ trợ tư vấn;… 
 
HCMUT-TBI sẽ giúp các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn lúc mới khởi nghiệp, giảm chi phí và tăng mức độ thành công. Các hỗ trợ bao gồm không gian làm việc với giá cho thuê linh hoạt, các thiết bị văn phòng dùng chung, hỗ trợ và hướng dẫn kinh doanh, tư vấn, kết nối mạng lưới với các nhà đầu tư và các nguồn lực khác. Phát triển mạng lưới các chuyên gia để hỗ trợ các nhu cầu của các doanh nghiệp ươm tạo.
 
Tính đến nay, HCMUT – TBI ươm tạo tất cả 15 doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp đã tốt nghiệp, thành công và đang hoạt động tốt, điển hình là Công ty Cổ phần Thông Minh Ưu Việt (Inext Technology) với sản phẩm đầu đọc card theo công nghệ RFID, Card giao tiếp FXS/FXO cho hệ thống VoIP, hệ thống chẩn đoán y tế online. Inext Technology đã trở thành doanh nghiệp KH&CN đầu tiên từ Chương trình Vườn ươm doanh nghiệp tại Tp. HCM. 
 
PGS.TS. Mai Thanh Phong, Giám đốc HCMUT – TBI cho biết, HCMUT – TBI bắt đầu hoạt động từ tháng 01/2010 phần nào cũng đã khẳng định được vị thế, vai trò của mình trong việc hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn cho các hoạt động ươm tạo công nghệ. Việc hỗ trợ kinh phí từ Dự án BIPP là cơ hội đưa Trung tâm phát triển lên một giai đoạn mới, giúp Trung tâm xây dựng và nhân rộng mô hình doanh nghiệp KH&CN tốt nhất đến các doanh nghiệp liên kết.
Tại Lễ Ký kết, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng đánh giá cao kết quả hoạt động của HCMUT – TBI thời gian qua. Đồng thời đề nghị Trung tâm sử dụng nguồn vốn đầu tư từ Dự án một cách có hiệu quả trong thời gian tới. Theo Thứ trưởng, việc thí điểm áp dụng chính sách phát triển tại HCMUT – TBI sẽ là trải nghiệm thực tế để rút ra bài học kinh nghiệm cho việc hỗ trợ về chính sách đổi mới, phát triển các cơ sở ươm tạo trên cả nước. Từ đó, hình thành các giải pháp tổng thể hỗ trợ, nâng cao năng lực hoạt động ươm tạo doanh nghiệp KH&CN, nhân rộng các mô hình ươm tạo doanh nghiệp KH&CN thành công tại Việt Nam.
 
Được biết, BIPP là dự án sử dụng vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Vương quốc Bỉ với tổng kinh phí 4,4 triệu EỦR. Trong đó, Chính phủ Vương quốc Bỉ tài trợ 4 triệu EUR (tương đương khoảng 4,8 triệu USD) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 400.000 EUR. Dự án được khởi động từ ngày 22/6/2011 tại cuộc họp Ủy ban Hỗn hợp Việt - Bỉ, thuộc Chương trình hợp tác định hướng giữa Việt Nam - Bỉ giai đoạn 2011 – 2015 và được thực hiện đến hết năm 2019.
 
Lễ ký kết Hợp đồng tài trợ giữa Ban Quản lý Dự án BIPP và HCMUT – TBI. Ảnh: HN
Dự án BIPP có 4 nội dung gồm: Đánh giá toàn bộ hiện trạng về phát triển các cơ sở ươm tạo, cũng như lực lượng doanh nghiệp KH&CN ở nước ta, từ đó đề xuất các chính sách cần thiết để hỗ trợ việc đổi mới, phát triển hoạt động ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN, ươm tạo khởi nghiệp; thí điểm chính sách hỗ trợ cơ sở ươm tạo, từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm thực tiễn, đưa ra khuyến nghị trong việc hoàn thiện chính sách hỗ trợ đổi mới, phát triển các cơ sở ươm tạo tại Việt Nam; thí điểm một cơ chế hỗ trợ về tài chính thông qua Quỹ hỗ trợ hạt giống (Innofund) với mục tiêu hỗ trợ chủ yếu về tài chính (không hoàn lại) cho các dự án ươm tạo khả thi của tổ chức, cá nhân đang tiến hành hoạt động ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN, ươm tạo khởi nghiệp tại các cơ sở ươm tạo được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật; xây dựng một khung theo dõi, giám sát, đánh giá việc thực hiện kết quả của 3 cấu phần nói trên.
 
Thông qua việc triển khai Dự án, đặc biệt là việc vận hành Quỹ Innofund sẽ giúp nâng cao năng lực cho các cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN để từ đó hình thành những doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp KH&CN tồn tại bền vững và có sức cạnh tranh trên thị trường, đóng góp thiết thực và hiệu quả cho sự phát triển kinh tế - xã hội. 
 
Hạnh Nguyên