
|
|||
Từ những ước mơ... Tuy được đào tạo bài bản tại Liên Bang Nga – một đất nước lớn với nền khoa học và công nghệ phát triển lại thông thạo hai ngoại ngữ tiếng Anh và tiếng Nga nhưng TS. Cường vẫn quyết định về nước lập nghiệp. TS. Cường cho đó là cái duyên với giảng đường và khoa học. Nói là cái duyên vì ngay từ hồi còn bé TS. Cường đã được bố mẹ hướng theo nghề nhà giảng viên vì hai người đều là trí thức. Hàng ngày được tiếp xúc với giáo án, bài vở đã khiến cho cậu bé Cường nuôi dưỡng nước mơ được đứng trên bục giảng. TS. Cường bật mí “từ hồi học lớn 1, lớp 2 Cường đã “tập” làm thầy giáo khi mang hết sách, báo trong nhà ra và tự chấm điểm”. Ước mơ đó đến gần và trở thành hiện thực khi bước sang tuổi 19, TS. Cường được bố, mẹ cho sang Liên Bang Nga du học và theo học ngành công nghệ sinh học rồi khoa học môi trường,... Khi mới về trường Đại học Bách khoa công tác năm 2012, Cường đã gặp nhiều thuận lợi cũng như khó khăn không ít. Thuận lợi là được các cấp lãnh đạo quan tâm giúp đỡ tận tình, đặc biệt là về phía lãnh đạo Nhà trường Đại học Bách khoa. Còn khó khăn thì nhiều quá nên kể không hết ở đây được nhưng nhờ sự quan tâm giúp đỡ của rất nhiều người từ nhà trường đến gia đình nên Cường đã vượt qua. TS. Cường cho rằng, điều quan trọng nhất làm nên thành công đó là sự đam mê và cái tâm (quyết tâm, chân thành). Môi trường làm việc là hết sức quan trọng vì con người chúng ta giống như bóng đèn, và môi trường như ổ cắm, nếu như bóng đèn cắm đúng vào ổ có điện thì sẽ sáng, còn không thì sẽ ngược lại. Khi được hỏi về dự định trong tương lai, TS. Cường hóm hỉnh tâm sự, hiện nay Cường vẫn chưa có gia đình riêng và vẫn đang cố gắng kiếm tìm 1 nửa còn lại. Bên cạnh việc “nỗ lực” tìm một nửa còn lại của mình, Cường sẽ tiếp tục hoàn thiện bản thân nhiều hơn nữa trong công tác nghiên cứu khoa học, hướng dẫn học viên cao học và nhiều điều nữa đang ấp ủ,…. Về giải pháp nâng cao năng lực nghiên cứu của nhà khoa học trẻ, TS. Cường đề xuất, ngoài các đề tài nghiên cứu khoa học có uy tín cấp nhà nước, cấp bộ, Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ quốc gia Nafosted… Nhà nước cần chú trọng hơn nữa đến việc tổ chức và hỗ trợ thực hiện đề tài nghiên cứu phối hợp giữa các nước (đề tài Nghị định thư, đề tài hợp tác hữu nghị…) để các nhà khoa học trẻ ở các nước có điều kiện trao đổi và học hỏi lẫn nhau. Về chiến lược thu hút nhân tài thì vấn đề đầu tiên là cần tạo môi trường thúc đẩy đam mê nghiên cứu, sáng tạo trong các nhà khoa học trẻ. Ngoài ra, còn cần có cơ chế độ đãi ngộ xứng đáng cho các nhà khoa học trẻ tuổi có năng lực để họ có thể dành hết nhiệt huyết của tuổi trẻ và sự hăng say cống hiến cho sự phát triển chung của nền khoa học nước nhà. Gặt hái thành công Và thành công trong nghiên cứu của Tiến sĩ 30 tuổi này thật đáng nể. Đó là thành công của đề tài “Nghiên cứu chế tạo thành công mô hình lọc nước bằng hạt hấp phụ từ tính thân thiện với môi trường để xử lý nước ô nhiễm kim loại nặng trong các nhà máy xi mạ tại các khu công nghiệp”; Có 25 công trình nghiên cứu công bố quốc tế, 1 sách giáo trình (tiếng Nga), 1 bằng sáng chế. Được các giải thưởng lớn về nghiên cứu khoa học: giải nhất Lobachevski về Hoá học của Liên Bang Nga, khen thưởng của Bộ GD-ĐT với thành tích nghiên cứu xuất sắc giai đoạn 2009-2012. Nhiều công trình nghiên cứu được công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín. Trong các nghiên cứu của TS. Cường đã có một số được cấp bằng chế. Khi được hỏi về những đề tài nghiên cứu đạt được kết quả tốt nhất và để lại ấn tượng nhất TS. Cường chia sẻ, thứ nhất có thể kể đến là đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình cộng đồng tham gia bảo vệ các hệ sinh thái tại Cù Lao Chàm, Quảng Nam trong điều kiện biến đổi khí hậu” mà TS. là thành viên thực hiện chính. Đề tài này đã mang lại hiệu quả như mong đợi khi nghiệm thu và đã được chuyển giao. Nhóm nghiên cứu đã chuyển giao toàn bộ hồ sơ 2 mô hình đã được nghiên cứu xây dựng làm cơ sở khoa học cho việc xây dựng dự án, kêu gọi đầu tư của địa phương đối với các tổ chức trong và ngoài nước triển khai thí điểm và nhân rộng mô hình ở các địa phương có điều kiện tương tự như ở vùng nghiên cứu; Bản đồ WEBGIS ứng dụng trong phát triển du lịch sinh thái đảo Cù Lao Chàm. Kết quả nghiên cứu của đề tài còn được dùng làm tài liệu tham khảo cho sinh viên, các học viên cao học và nghiên cứu sinh thuộc chuyên ngành có liên quan. Các kết quả này được các đơn vị được chuyển giao như Chi cục biển đảo, Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Quảng Nam, phòng Kinh tế Thành phố Hội An, Uỷ ban nhân dân thành phố Hội An đánh giá cao. Một đề tài nghiên cứu khác khiến TS. Cường rất tâm đắc khi nhắc tới đó là đề tài “Nghiên cứu sự tích luỹ độc chất môi trường trong cộng đồng dân cư tại các khu công nghiệp miền trung tây nguyên và đề xuất giải pháp cải thiện môi trường”. Sau nhiều ngày nghiên cứu đề tài này đã góp phần không nhỏ vào việc giáo dục và đào tạo tại Đại học Đà Nẵng, góp phần nâng cao năng lực giảng dạy và đào tạo của đội ngũ giảng viên, cán bộ tham gia đề tài ở các môn học: Quan trắc môi trường, Độc học môi trường, Công nghệ mới trong xử lý nước; Công bố ít nhất 04 bài báo khoa học trên các tạp chí KHCN hoặc Hội nghị khoa học trong và ngoài nước; Kết quả nghiên cứu là tài liệu tham khảo tốt cho sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh chuyên ngành công nghệ môi trường. TS. Cường chi sẻ, kết quả nghiên cứu làm mình phấn khởi nhất là nó đã góp phần nâng cao ý thức bảo vệ mình và bảo vệ môi trường trong cộng đồng dân cư khu vực nghiên cứu; giảm nguy cơ mắc các bệnh nan y do chất lượng môi trường không đảm bảo tại các khu công nghiệp và giảm thiểu được mức độ ô nhiễm nguồn nước với các mô hình lọc nước sử dụng công nghệ hóa học xanh, thân thiện với môi trường. Được biết, sau khi nghiệm thu báo cáo phân tích kết quả nghiên cứu sẽ chuyển vào thư viện làm tài liệu tham khảo cho sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh các chuyên ngành kỹ thuật môi trường, quản lý môi trường. Mô hình thực nghiệm xử lý nước sẽ được bàn giao cho cơ quan quản lý tại các khu công nghiệp miền Trung tiếp tục vận hành để duy trì việc phục hồi và bảo vệ nguồn nước hồ, đầm. Tiếp tục triển khai thực hiện các nghiên cứu bổ sung để hoàn thiện quy trình công nghệ cũng như sử dụng các mô hình này làm giáo cụ trực quan phục vụ công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học. Hoàng Anh |