Bản in
Năng lượng tái tạo và tiềm năng phát triển
Với nhu cầu tiêu thụ điện năng ngày một tăng trong khi nguồn năng lượng truyền thống như than đá, dầu mỏ,…đang dần cạn kiệt thì việc phát triển mạnh nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) đang được Chính phủ Việt Nam cũng như các doanh nghiệp quan tâm.

Nhiều dự án NLTT triển khai ở Việt Nam

Việt Nam được đánh giá là nước có nguồn tài nguyên NLTT, năng lượng sạch khá dồi dào, có khả năng thay thế các nguồn năng lượng hóa thạch, các dạng năng lượng nhập khẩu, giảm thiểu tác động tới môi trường. Giám đốc Trung tâm Tư vấn Năng lượng Việt Nam (VECC) Tô Quốc Trụ cho biết, các nguồn năng lượng tái tạo có tính khả thi và kinh tế nhất hiện nay đó là gió, mặt trời, sinh khí và địa nhiệt.

Hiện tại Việt Nam đã có nhiều dự án khai thác và sử dụng nguồn năng lượng này. Theo thống kê của Viện Năng lượng (năm 2004), công suất điện gió của Việt Nam là 1,2MW, chiếm 0,01%. Hiện nay, trạm điện gió lớn nhất Việt Nam được đặt tại đảo Bạch Long Vĩ, Hải Phòng có công suất 0,8MW. Công ty Fuhrlaender của Đức cũng  đã đưa 6 tổ tuabin gió công suất mỗi tổ 1,5MW vào vận hành tại Bình Thuận và đã đem lại kết quả khả quan. Chỉ tính riêng tỉnh Bình Thuận đã có 9 nhà đầu tư trong và ngoài nước với 11 dự án, công trình xây dựng các nhà máy điện gió với công suất từ 45 MW đến 600 MW. Bên cạnh đó, tỉnh Ninh Thuận cũng đã có khoảng 15 nhà đầu tư nộp đơn xin giấy phép khảo sát thực địa, nghiên cứu đi vào việc đầu tư xây dựng các nhà máy điện gió.

Năng lượng mặt trời tại Việt Nam chủ yếu mới được khai thác dưới dạng pin mặt trời, ứng dụng ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa và hải đảo. VECC cho biết, hiện các hệ thống pin mặt trời đã có mặt tại 38 tỉnh và một số Bộ, ngành. Tổng công suất đặt pin mặt trời của Việt Nam đến nay đạt khoảng 1,3MW.

Ngoài ra, khí sinh học, năng lượng sinh khối và địa nhiệt cũng đã được Việt Nam triển khai với sự ra đời của các nhà máy sản xuất Ethanol tại Dung Quất, Quảng Ngãi; Bình Phước và Đồng Nai. Quy hoạch điện VI cũng đã đưa nhà máy điện địa nhiệt vào vận hành.

30 tập đoàn, công ty lớn từ 9 quốc gia hàng đầu thế giới về lĩnh vực NLTT đã có mặt tại Triển lãm quốc tế về các giải pháp năng lượng tái tạo và phân tán (ENERXPO Vietnam 2010) như: Schott Solar (nhà cung cấp công nghệ năng lượng mặt trời và pin mặt trời), Vestas Asia Pacific Wind Technology và MWM Asia Pacific (những nhà cung cấp hệ thống các nhà máy hoàn chỉnh, hiệu suất cao, thân thiện với môi trường sinh thái cho cung cấp điện phân tán), Avantis Energy (chuyên chế tạo các nhà máy điện gió và các tuabin gió)...

Ông Harald Muller – Tổng giám đốc Tổ chức Dịch vụ Hội chợ Triển lãm Quốc tế IMAG, Đức khẳng định: “Việt Nam đã được công nhận rộng rãi là một trong những quốc gia có nền kinh tế phát triển tốt nhất không chỉ ở Châu Á mà còn trên thế giới. Nhờ có chính sách tiên phong và phương pháp thực tế để mở rộng cánh cửa đầu tư nước ngoài và liên doanh, tôi tin rằng NLTT sẽ phát triển nhanh chóng tại Việt Nam”.

Dấu hiệu bật đèn xanh từ Chính phủ

Năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu cụ thể của Chiến lược là nhằm bảo đảm cung cấp đủ năng lượng cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, năng lượng sơ cấp năm 2010 đạt khoảng 47,5 - 49,5 triệu TOE (tấn dầu quy đổi), đến năm 2020 đạt khoảng 100 - 110 triệu TOE, đến năm 2025 khoảng 110 - 120 triệu TOE và đến năm 2050 khoảng 310 - 320 triệu TOE; phấn đấu tăng tỷ lệ các nguồn năng lượng mới và tái tạo lên khoảng 3% tổng năng lượng thương mại sơ cấp vào năm 2010; khoảng 5% vào năm 2020 và khoảng 11% vào năm 2050.

Chính vì vậy, sự kiện ENERXPO Vietnam 2010 không chỉ nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò và tầm quan trọng của NLTT mà còn gây được sự chú ý của giới đầu tư trong và ngoài nước. ENERXPO Vietnam 2010 lần này cũng là một hoạt động thiết thực trong việc thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh Compenhaghen về biến đổi khí hậu nhằm đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ mới trong phát triển NLTT. Đây cũng là một động thái tích cực từ phía Chính phủ nhằm hướng tới thực hiện mục tiêu từ nay đến cuối năm 2010 NLTT chiếm 3% tổng công suất điện thương mại và 5% vào năm 2020.

Bộ Công thương hiện đang phối hợp với  Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các Bộ, ngành có liên quan xây dựng và hoàn thiện bộ khung pháp lý về phát triển và sử dụng NLTT. Trong năm 2009, Bộ Công thương đã trình Thủ tướng Chính phủ Dự thảo Quy hoạch Tổng thể Phát triển Năng lượng mới và tái tạo Việt Nam đến năm 2015, tầm nhìn đến 2025 và Dự thảo Nghị định khuyến khích, hỗ trợ  phát triển NLTT. Dự thảo Nghị định đề xuất cơ chế hỗ trợ phát triển NLTT. Trong đó, tập trung hỗ trợ điện khí hóa cho các khu vực vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo bằng nguồn NLTT; phát triển các dự án nguồn điện nối lưới khả thi về kinh tế sử dụng NLTT; phát triển hoạt động sản xuất nhiệt bằng nguồn và nghiên cứu khoa học công nghệ năng NLTT.

Điều này cho thấy, Chính phủ Việt Nam đã có dấu hiệu bật đèn xanh hỗ trợ cho các công trình xây dựng, phát triển và sử dụng nguồn NLTT. Sự tham gia của NLTT trong cân bằng năng lượng quốc gia và phát triển điện năng sẽ góp phần bảo đảm an ninh năng lượng và phát triển bền vững. Ngoài ra NLTT có vai trò quan trọng đối với phát triển điện khí hóa nông thôn, cung cấp điện cho khu vực vùng sâu, vùng xa, đáp ứng mục tiêu điện khí hoá nông thôn của Chính phủ.

Nguyễn Uyên