Bản in
Ghép tạng tại Việt Nam: Khoa học và công nghệ là “tiền đề”
Khoa học và công nghệ có vai trò “tiền đề”, không chỉ với ca ghép tim này mà cả với những thành công về ghép tạng đầu tiên tại Việt Nam. Xuất phát từ thành công của những ca ghép thận, ghép gan, ghép tim thực nghiệm, tháng 8 - 2009, Học viện Quân y (HVQY) được Bộ Khoa học và Công nghệ (KH – CN) tuyển chọn là đơn vị chủ trì thực hiện đề tài “Nghiên cứu triển khai ghép tim trên người lấy từ người cho chết não”. Đây là đề tài thuộc chương trình KH - CN trọng điểm cấp nhà nước KC10/06-10.

Ghép tim thành công

Trên cơ sở đó, HVQY đã cử cán bộ đi học ghép tim ở Trung tâm ghép tạng của các nước tiên tiến và chuyển giao công nghệ ghép tạng với một số quốc gia: Đức, Đài Loan, Cuba, Pháp, Trung Quốc, Hoa Kỳ...
 

    

Ca phẫu thuật ghép tim tai Học Viện Quân Y. (Ảnh: HVQY).

Tháng 4.2010 đoàn chuyên gia ghép tim của Đài Loan theo lời mời của HVQY đã đến thăm, tư vấn, kiểm tra cơ sở ghép tim, duyệt các cặp tuyển chọn và tập huấn về ghép tim cho toàn thể cán bộ khoa học, nhân viên y tế tham gia ghép tim tại Học viện. Các chuyên gia Đài Loan khẳng định cơ sở ghép tim của HVQY đủ điều kiện ghép tim trên người. Cặp tuyển chọn đã đúng chỉ định và cần tiến hành ghép tim. Người cho tim là một bệnh nhân đã chết não, còn người nhận tim là bệnh nhân Bùi Văn Nam 48 tuổi (Nam Định) bị bệnh cơ tim thể giãn - suy tim độ 4.. Nếu không được ghép tim kịp thời thì tính mạng của anh Nam khó duy trì với quả tim đã suy. Hội đồng chuyên môn ghép tim HVQY đã duyệt và quyết định thực hiện ca ghép này vào ngày 17.6.2010. Một ngày sau ghép, tình trạng diễn biến bệnh nhân dần ổn định, bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo, tiếp xúc tốt. Cho đến nay, anh Nam đã được xuất viện với tình trạng sức khỏe tốt, vận động sinh hoạt bình thường. Việc thực hiện thành công ca ghép tim trên người đầu tiên tại HVQY ngày 17.6.2010 là mốc son đánh dấu sự phát triển của y học nước nhà.

Nhờ được đầu tư về KH - CN

Cuối những năm 60, đầu những năm 70, các nhà ngoại khoa Việt Nam đã bắt đầu nghiên cứu về ghép tạng (ghép gan, ghép thận), nhưng có nhiều khó khăn nên việc nghiên cứu ghép tạng phải dừng lại. Một trong những lý do quan trọng là chưa có sự đầu tư của Nhà nước cho nghiên cứu này. 


Bộ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Văn Phong tặng Bằng khen cho tập thể các nhà khoa học của HVQY vì đã có thành tích xuất sắc trong việc nghiên cứu triển khai ghép tim trên người sau sự kiện ca ghép tim đầu tiên tại Việt Nam thành công. Ảnh: HVQY

Năm 1990, được sự ủng hộ của Bộ KH - CN, đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước về ghép thận do HVQY chủ trì được triển khai. Trên cơ sở đó, ngày 4.6.1992, ca ghép thận đầu tiên ở Việt Nam đã thành công, mở ra một ra một giai đoạn mới cho ngành ghép tạng nước ta. Nhờ đầu tư ban đầu cho nghiên cứu về ghép thận, sau 2 năm vấn đề ghép thận cơ bản đã được giải quyết, trở thành một phẫu thuật thường quy. Từ một trung tâm ghép ban đầu ở HVQY, đến nay, cả nước có 12 bệnh viện tiến hành ghép thận, cứu sống gần 300 bệnh nhân.

Phát huy những thành tích đã đạt được, năm 1997, HVQY lại được giao nhiệm vụ tập hợp các nhà khoa học y học trên toàn quốc tiến hành nghiên cứu về ghép gan. Ghép gan hoàn toàn khác ghép thận. Về mặt bệnh học, khi thận mất chức năng, bệnh nhân chỉ có thể sống nhờ chạy thận nhân tạo. Song với gan, khi đã mất chức năng, để cứu sống bệnh nhân chỉ còn phương pháp ghép gan. Về mặt kỹ thuật, ghép gan khó hơn ghép thận nhiều lần, nhất là ghép gan lấy từ người cho gan sống. Trên cơ sở thực hiện đề tài độc lập cấp Nhà nước về ghép gan do HVQY chủ trì, ca ghép gan trên người đầu tiên đã thực hiện thành công ngày 31.1.2004. Thành công này đã mở ra một phương pháp điều trị mới cho BN bị bệnh gan - mật giai đoạn cuối, mang hy vọng sống cho họ – những người sống trong tuyệt vọng, chờ chết. Hiện nay, trên cả nước đã có 4 bệnh viện tiến hành ghép gan và đã thực hiện ghép thành công cho 14 BN.

Có được những thành công như đã nói ở trên, trước hết do sự chỉ đạo có hiệu quả của các cơ quan chức năng: Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế; Bộ Khoa học và Công nghệ; Đảng uỷ và Ban Giám đốc HVQY, trong đó đặc biệt là sự đầu tư đúng mức và có hiệu quả của Bộ KH - CN. Và không thể không kể đến sự vất vả, gian truân “lao tâm khổ tứ” của các nhà khoa học, các y, bác sỹ; sự giúp đỡ, hợp tác của các đơn vị trong và ngoài nước, đặc biệt là khâu tổ chức có hiệu quả mang đậm tác phong người lính của HVQY.

Mong rằng việc đầu tư cho những đề tài nghiên cứu về ghép tạng sẽ được tiếp tục. Đó luôn là nhân tố quan trọng thúc đẩy phát triển ngành y học nước ta. 

Trung tướng, GS. TS. Nguyễn Tiến Bình, Giám đốc Học viện Quân y