Bản in
Tấm lợp không amiang từ công nghệ nội
Ở Việt Nam, công nghệ sản xuất tấm lợp không amiăng mới đi được những bước đầu tiên nhưng có thể khẳng định: chúng ta đã hoàn toàn chủ động về công nghệ, thiết bị cho sản xuất không amiăng. Về mặt kỹ thuật, có thể nhanh chóng chuyển sang sản xuất không amiăng với chất lượng sản phẩm đạt các tiêu chuẩn cao của thế giới mà không mất nhiều thời gian mò mẫm thử nghiệm. Ông Đỗ Quốc Quang- Viện Công nghệ - Bộ Công Thương khẳng định.

Nhu cầu từ thị trường lớn

Thị trường tấm lợp amiăng ximăng (AC) ở Việt Nam rất lớn. Theo số liệu của Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam, năm 2009 Việt Nam nhập khẩu khoảng 64.000 tấn amiăng chủ yếu dùng trong ngành sản xuất tấm lợp.  Với ưu thế giá, công nghệ sản xuất tương đối đơn giản và đầu tư không lớn. Tấm lợp AC là vật liệu hàng đầu trong chương trình xoá nhà ở tạm tranh, che, nứa, lá ở Việt Nam. 

Quan ngại về ảnh hưởng của chất amiăng tới sức khoẻ con người, từ năm 2001 – 2004, Chính phủ Việt Nam đã có các quyết định 115/2001/QĐ-TTg và 133/2004/QĐ-TTg điều chỉnh việc sử dụng amiăng trong ngành sản xuất tấm lợp. Các quyết định này đã thúc đẩy việc nghiên cứu công nghệ sản xuất tấm lợp không sử dụng amiăng tại Việt Nam từ năm 2001.        

 

Ông Đỗ Quốc Quang - Viện Công nghệ - Bộ Công Thương cho biết, các nghiên cứu này của Việt Nam là khá sớm vì châu Âu mới bắt đầu cấm hoàn toàn việc sản xuất tấm lợp AC từ năm 2001 và Nhật Bản năm 2004. Trên thực tế tại Việt Nam, từ năm 2003 -2004 tấm lợp không amiăng đã bắt đầu được sản xuất thử loạt nhỏ tại Công ty Nam Việt (TP. Hồ Chí Minh) và Công ty CP Thuận Cường (Tứ Kỳ - Hải Dương). Năm 2007 đã xây dựng và vận hành nhà máy sản xuất tấm lợp không amiăng đầu tiên tại Công ty CP Tân Thuận Cường (Tứ Kỳ - Hải Dương). Đến nay, Công ty CP Tân Thuận Cường đã xuất khẩu sản phẩm đều đặn đi một thị trường nước ngoài như Hàn Quốc, Ai Cập, Angiêri…Thị trường tấm lợp không amiăng trong nước được phân bổ chủ yếu cho  sử dụng trong các công trình công nghiệp khoảng 75% .

 

Sau khoảng 6 năm sản phẩm tấm lợp không amiăng có mặt trên thị trường Việt Nam.         Về chất lượng, ông Nguyễn Đình Kiên - Viện Cơ học (IMECH) - Viện Khoa học và Công nghệ VN cho biết, các sản phẩm tấm lợp không amiăng của Việt Nam sản xuất có chất lượng khá cao, thoả mãn các tiêu chuẩn công nghiệp của Hàn Quốc và Nhật Bản. Các nước trong khu vực như Thái Lan, Philipin, Indonesia, Malaysia, Trung Quốc…hiện vẫn chưa làm chủ được công nghệ amiăng. Một số nhà sản xuất ở các nước này đã sản xuất thử nghiệm sản phẩm không amiăng nhưng chất lượng thấp, không có ý nghĩa về thương mại.

 

Điểm hạn chế duy nhất đối với sản phẩm tấm lợp không amiăng hiện nay là giá thành sản phẩm này còn cao hơn so với sản phẩm AC cùng loại khoảng 25-30%. Tuy nhiên ông Ông Đỗ Quốc Quang khẳng định, chúng ta có thể tin tưởng rằng trong tương lai gần sản phẩm không amiăng sẽ có sức cạnh tranh hơn.

 

Làm chủ công nghệ và thiết bị

 

Trong 3 năm gần đây, một số thiết bị quan trọng của ngành sản xuất tấm lợp đã được nghiên cứu, chế tạo trong nước với tính năng tương đương thiết bị ngoại nhập và giá thành hạ hơn nhiều lần, làm thay đổi đáng kể bộ mặt của ngành sản xuất tấm lợp. Trong số các tiến bộ đó, phải kể đến các thiết bị tạo hình (máy tạo sóng và máy Dỡ sản phẩm) do Viện Công nghệ - Bộ Công thương sản xuất đã được áp dụng rộng rãi trong cả nước. Ngoài yếu tố tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, các thiết bị này đã góp phần cải thiện đáng kể điều kiện lao động và giảm bớt số công nhân trực tiếp sản xuất.

 

Gần đây nhất, vào năm 2009 đã có hai dây chuyền với thiết bị thế hệ mới được lắp đặt và đưa vào sản xuất. Cả hai dây chuyền này được chế tạo trong nước, có thể dễ dàng chuyển sang sản xuất sản phẩm không amiăng và được thiết kế theo nguyên tắc giảm thiểu phát thải ra môi trường. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy các nhà sản xuất Việt Nam đã có ý thức trong công nghệ sản xuất sạch hơn. Hi vọng đây sẽ là một mô hình tốt để nhân rộng trong tương lai.

 

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đình Kiên, việc chuyển sang sản xuất không amiăng ngoài yếu tố thiết bị còn một yếu tố rất quan trọng là đảm bảo chất lượng sản phẩm, vấn đề này phần lớn phụ thuộc vào nhận thức và hành động của nhà sản xuất. Việc đảm bảo chất lượng sản phẩm tấm không amiăng phải trải qua 3 giai đoạn. Giai đoạn chạy thử và hiệu chỉnh thiết bị, công nghệ kéo dài khoảng 6 tháng; Giai đoạn ổn định công nghệ kéo dài khoảng 6-12 tháng và Giai đoạn nâng cao chất lượng, giảm chi phí sản xuất (giai đoạn này, các công việc trong phòng thí nghiệm rất quan trọng).

 

Hiện nay, công ty CP Tân Thuận Cường đã hình thành một quy trình kiểm tra chất lượng (QC) tương đối hoàn thiện cho sản xuất tấm lợp không amiăng. Đây là nhân tố quan trọng đảm bảo cho chất lượng sản phẩm ổn định và đạt các chỉ tiêu cơ –lý của sản phẩm khá cao trong điều kiện giá thành hợp lý. So sánh với giá sản phẩm cùng loại ở các thị trường nước ngoài, sản phẩm không amiăng của Việt Nam rẻ hơn đáng kể và đảm bảo có lợi nhuận cho nhà sản xuất.

 

Sự bức xúc của dư luận xã hội đối với việc sử dụng amiăng ở châu Á đã ở mức báo động. Chính vì vậy, việc chuyển dần sang sản xuất không amiăng sẽ là xu thế tất yếu. Hiện nay, một số nước châu Á như Thái Lan, Malaysia…tuy chưa cấm sử dụng amiăng nhưng dự kiến sẽ bắt buộc in lên sản phẩm có chưa amiăng các cảnh báo về sự nguy hại của vật liệu này đến sức khoẻ con người.

  

Sợi amiăng trắng được sử dụng làm tấm lợp amiăng - xi măng do có khả năng giữ các hạt xi măng và tăng cường độ bền. Thế nhưng, vật liệu này có khả năng phân tách thành các hạt cực nhỏ, cỡ vài micron, lơ lửng trong không khí và bám dính vào quần áo. Hạt dễ dàng xâm nhập vào phổi, gây tổn hại tế bào tại đó và tăng nguy cơ ung thư phổi.