Bản in
Hướng đến hệ sinh thái doanh nghiệp khởi nghiệp
Đề án “Thương mại hóa công nghệ theo mô hình Thung lũng Silicon tại Việt Nam” (Silicon Valley Việt Nam) đã đào tạo thành công 9 nhóm khởi nghiệp trong giai đoạn đầu triển khai. Nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước hiện đang đàm phán với các nhóm khởi nghiệp về phương án, tỷ lệ, mức vốn đầu tư. Đây là tín hiệu đáng mừng, chứng tỏ năng lực, sức hấp dẫn của các doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN) tiềm năng của Việt Nam.

Doanh nghiệp KH&CN tiềm năng

Đề án Silicon Valley Việt Nam do Bộ KH&CN giao Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp KH&CN và Văn phòng Phối hợp phát triển môi trường KH&CN nghiên cứu, triển khai từ năm 2013. Mục tiêu cơ bản của Đề án là tạo ra một hệ sinh thái gồm các doanh nghiệp khởi nghiệp được đào tạo, tư vấn trong chương trình đào tạo hỗ trợ khởi nghiệp (BA) để thu hút vốn đầu tư mạo hiểm, xây dựng hệ thống doanh nghiệp KH&CN thành công.

Theo đó, doanh nghiệp phải có sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, mô hình, chiến lược kinh doanh khả thi và có đội ngũ đủ năng lực thực hiện. Đồng thời tạo môi trường để thu hút chất xám thông qua xây dựng hệ thống BA, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, kết hợp nguồn vốn ngân sách để thu hút nguồn vốn đầu tư mạo hiểm tư nhân, đặc biệt từ nước ngoài.

Thời gian qua, Đề án đã tổ chức thành công mô hình Tổ chức thúc đẩy doanh nghiệp (VSVA) để hỗ trợ 9 nhóm khởi nghiệp tiềm năng theo một quy trình huấn luyện tập trung. VSVA đã thu hút sự quan tâm, chia sẻ kinh nghiệm của nhiều tổ chức lớn trong và ngoài nước như Ngân hàng Quốc tế VIB, Angle Lab (Hoa Kỳ), Quỹ đầu tư mạo hiểm IDG, Quỹ đầu tư Venture Partner (Hoa Kỳ),…
9 nhóm khởi nghiệp này đã được tuyển chọn kỹ lưỡng từ hơn 100 hồ sơ đăng ký, họ đã nhận được vốn gieo mầm và trải qua 4 tháng huấn luyện trong Tổ chức thúc đẩy kinh doanh. Sau quá trình tập huấn, các nhóm khởi nghiệp đã hoàn thiện ý tưởng và mô hình kinh doanh, đã có sản phẩm, có thị trường và sẵn sàng nhận đầu tư để mở rộng hoạt động kinh doanh của mình.

Trong Ngày hội Đầu tư (Demo Day) được tổ chức mới đây, các nhóm khởi nghiệp đã thuyết trình, chia sẻ lịch sử hình thành công ty, các thành tựu đã đạt được và các chiến lược chiếm lĩnh thị trường. Đó là nhóm CHOMP với giải pháp truyền thông, quảng cáo trên mạng xã hội; Astro Telligent với giải pháp tuyển dụng nhân sự cho các doanh nghiệp; CSK với phần mềm dịch vụ điện toán đám mây cho phép doanh nghiệp bán lẻ gia tăng tỷ lệ duy trì khách hàng; Tech Elite cung cấp giải pháp phù hợp cho việc tổ chức sự kiện hoàn chỉnh; VnPlay là một nền tảng phân phối nội dung truyền hình trên internet và thiết bị di động; Lozi là mạng xã hội, diễn đàn cho những người yêu thích ẩm thực; Loan VI xây dựng một nền tảng tài chính ở cấp vi mô, giúp người đi vay có thể so sánh, lựa chọn giữa các gói tài chính khác nhau trên thị trường; Viet Creative cung cấp cho các nhà phát triển trò chơi trẻ em công cụ để xây dựng trò chơi; Olymsearch cung cấp cho người quản lý giải pháp về cách đưa sản phẩm tiếp cận với người tiêu dùng một cách hiệu quả.

Thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu

TS.Phạm Hồng Quất – Phó Cục trưởng phụ trách Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN cho biết, hiện đã có một số nhà đầu tư trong và ngoài nước đàm phán với các nhóm khởi nghiệp có dự án trình bày tại Demo Day về phương án, tỷ lệ, mức vốn đầu tư. Nhóm triển khai Đề án đang lập kế hoạch để giới thiệu các nhóm khởi nghiệp với các quỹ đầu tư tại Silicon Valley (Hoa Kỳ), đặc biệt một số quỹ đầu tư mạo hiểm do người Việt Nam ở nước ngoài sáng lập hoặc là người quản trị, điều hành.

Cũng theo ông Quất, sau khóa đầu tiên tập trung vào lĩnh vực công nghệ thông tin, cuối năm 2014, đầu năm 2015, Đề án sẽ triển khai khóa tiếp theo. Lĩnh vực sẽ mở rộng, tập trung vào công nghệ sinh học, nông nghiệp, tự động hóa, dược phẩm. Đây cũng là các lĩnh vực Việt Nam có lợi thế cạnh tranh. Không chỉ có các bạn trẻ mà còn cả những nhà khoa học trẻ, nghiên cứu sinh, chủ nhiệm các đề án, đề tài, đều có thể tham gia chương trình này. Nhóm nghiên cứu mạnh tiềm năng sẽ thể hiện sản phẩm của mình dưới dạng mô hình kinh doanh để kêu gọi vốn đầu tư.

Hoạt động của Đề án góp phần thúc đẩy hương mại hóa kết quả nghiên cứu

Theo mô hình Thung lũng Silicon mà Việt Nam đang xây dựng, một hệ sinh thái gồm nhà nước, nhà đầu tư, nhà tư vấn sẽ được tạo ra và cùng hợp lực để hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển dựa trên chính sản phẩm nghiên cứu, sáng tạo của mình, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Để thúc đẩy việc thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, nhóm triển khai Đề án đang đề xuất một số hoạt động hỗ trợ việc thành lập mạng lưới các câu lạc bộ khởi nghiệp tại các trường đại học, cao đẳng, trường dạy nghề. Bên cạnh đó, sẽ tổ chức một số khóa đào tạo khởi nghiệp, hướng dẫn thành lập doanh nghiệp KH&CN cho sinh viên, nghiên cứu viên, giảng viên các viện, trường. Đồng thời, hỗ trợ các viện, trường thành lập các trung tâm hỗ trợ đổi mới sáng tạo, trung tâm xúc tiến chuyển giao công nghệ để tư vấn, hỗ trợ các nhà nghiên cứu, chủ nhiệm đề án, dự án nghiên cứu tiếp cận thị trường, tìm hiểu nhu cầu của doanh nghiệp. Các trung tâm này cũng sẽ giúp các nhà nghiên cứu thương mại hóa sản phẩm của mình theo cách có lợi nhất.

Mới đây Bộ KH&CN đã ban hành Thông tư số 15/2014/TT-KHCN ngày 13/6/2014 hướng dẫn thủ tục giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ được tạo ra từ nguồn ngân sách nhà nước cho tổ chức chủ trì. Đây là văn bản quan trọng tạo điều kiện cho các viện, trường có thể góp vốn bằng giá trị quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ để thành lập các doanh nghiệp KH&CN dưới dạng các doanh nghiệp khởi nguồn từ viện, trường (spin-offs, spin-outs). Việc triển khai Đề án sẽ gắn liền với việc triển khai Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN và tổ chức KH&CN công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, Chương trình phát triển thị trường KH&CN đến năm 2020 của Bộ KH&CN. 

”Chúng tôi hi vọng những bước đột phá, thay đổi quan điểm về cách gọi vốn đầu tư cho các dự án KH&CN. Theo cách này, các dự án KH&CN sẽ có khả năng lớn trong việc thu hút đầu tư của xã hội, sự quan tâm của nhà đầu tư tư nhân cũng như các quỹ đầu tư gồm cả quỹ đầu tư mạo hiểm trong và ngoài nước. Từ đó, làm thay đổi cách nhìn nhận về việc đầu tư cho KH&CN, rất nhiều dự án tiềm năng, đầu tư sẽ tạo ra lợi nhuận”, ông Phạm Hồng Quất chia sẻ.

Tuy nhiên, để có những đột phá như kỳ vọng, đòi hỏi cả Nhà nước, nhà đầu tư, gồm cả các quỹ đầu tư mạo hiểm, các nhà đầu tư thiên thần, thực chất là người thân, người giàu có trong xã hội, nhà khoa học hay doanh nhân đã thành đạt từ khởi nghiệp doanh nghiệp KH&CN cùng chung tay tham gia đầu tư, tài trợ, tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nhân công nghệ trẻ, nhằm tạo nên hệ sinh thái bền vững cho các doanh nghiệp KH&CN khởi nghiệp.

 Bài, ảnh: Quỳnh Chi