Bản in
Những thành công bước đầu trong chuyển giao công nghệ ngành cơ khí
Nội địa hóa thành công nhiều thiết bị cơ khí cho các công trình lớn như Nhà máy Thủy điện Sơn La, Nhà máy Xi măng Sông Thao…, ngành cơ khí đã đánh dấu những thành công bước đầu trong việc chuyển giao công nghệ.
Những thành công bước đầu
Theo số liệu công bố trong quy hoạch một số ngành xi măng, năng lượng, khai khoáng, thị trường thiết bị máy móc của 4 ngành xi măng, nhiệt điện, thuỷ điện và điện nguyên tử giai đoạn từ năm 2008-2025 là 117 tỷ USD. Nếu tính cả các ngành công nghiệp khác như hoá chất, khai thác khoáng sản, thiết bị khai thác dầu khí, máy xây dựng, máy nông nghiệp, ôtô, công nghiệp chế biến, máy công cụ… thì giá trị đầu tư xấp xỉ 250 triệu USD. Do ngành cơ khí của Việt Nam phát triển chưa cao, nên đầu tư để chuyển giao công nghệ (CGCN) từ những nước có ngành cơ khí phát triển là việc rất quan trọng. Nếu chúng ta nội địa hóa được thiết bị cơ khí cho các ngành này, lợi nhuận thu được sẽ rất cao. Ông Nguyễn Chỉ Sáng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu cơ khí - Bộ Công Thương cho biết: “Nếu chúng ta nội địa hoá được 50% giá trị thì ta có một khối lượng công việc là 125 tỷ USD, nghĩa là mỗi năm có trên 7 tỷ USD công ăn việc làm cho các DN trong nước. Trình độ cán bộ làm công tác khoa học của chúng ta đủ để có thể tiếp nhận các tiến bộ trong ngành cơ khí”.
Chúng ta cũng đã có những thành công bước đầu trong chuyển giao và làm chủ công nghệ. Năm 2005, Chính phủ có chủ trương nội địa hoá các thiết bị nhà máy thuỷ điện và quán triệt tới tất cả các Bộ, ngành và các nhà đầu tư. Với tư vấn của các nhà thiết kế, việc nội địa hoá thiết bị cơ khí thuỷ công được đánh giá là khả thi, mặc dù tại thời điểm đó, ta chưa có khả năng thiết kế thiết bị này. Bộ Công Thương đã giao cho một số nhà thiết kế, chế tạo trong nước thiết kế chế tạo thiết bị cơ khí thuỷ công cho 8 dự án thuỷ điện, đồng thời cho phép Viện Nghiên cứu cơ khí tìm mua công nghệ thiết kế thiết bị cơ khí thuỷ công, kinh phí mua tính vào giá thành của một dự án, giá trị mua công nghệ do viện đề xuất. Do không bị hạn chế về hình thức mua bán công nghệ, viện đã thực hiện mua thiết kế kỹ thuật cho một dự án rồi thuê chuyên gia nước ngoài sang hướng dẫn một hai dự án đầu. Sau đó, viện tự thiết kế và thuê chuyên gia nước ngoài thẩm định. Nhờ vậy, chỉ với hơn 100.000 USD, viện đã làm chủ được công nghệ thiết kế. Đến nay, ngoài việc thực hiện thành công các dự án trên, do làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo, các nhà thầu Việt Nam đã tham gia đấu thầu và thắng thầu. Giá trị hợp đồng thực hiện nhờ việc mua và làm chủ công nghệ lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Liên danh các nhà thầu đã tham gia vào các công trình trọng yếu của đất nước như Thuỷ điện Sơn La..., mang lại lợi ích kinh tế rất lớn.
Một thành công thứ hai phải kể đến là dự án “Thiết kế, chế tạo thiết bị cho nhà máy xi măng lò quay”. Xuất phát từ nhu cầu đầu tư các nhà máy xi măng lò quay với tổng công suất tới 50 triệu tấn/năm, giá trị đầu tư lên tới 7-8 tỷ USD, Viện Nghiên cứu cơ khí đã phối hợp cùng Lilama thực hiện dự án với kinh phí nghiên cứu và nhận CGCN khoảng 30 tỷ đồng. Dự án được áp dụng cho Nhà máy xi măng Sông Thao do Lilama làm tổng thầu và Tập đoàn Xây dựng và phát triển nhà (HUD) làm chủ đầu tư. Sau khi thực hiện xong, tỷ lệ nội địa hoá hiện vào khoảng 38%. Năng lực thiết kế và chế tạo thiết bị cho nhà máy xi măng của các thành viên trong liên danh được nâng cao mà minh chứng rõ nhất là các thành viên liên danh đã đấu thầu và thắng thầu cung cấp thiết bị cho nhiều nhà máy xi măng khác.
Còn nhiều khó khăn
Theo đánh giá của các chuyên gia, không thể phủ nhận những thành công trong nhận CGCN, mua bán và ứng dụng công nghệ mới, nhưng thực tế, những thành công này vẫn còn khiêm tốn. Theo ông Nguyễn Chỉ Sáng, “nguyên nhân là các hoạt động chuyển giao chỉ phục vụ cho một lĩnh vực hẹp, một phạm vi khiêm tốn, một mức độ áp dụng vừa phải”.
Mặt khác, ta cũng không sử dụng được lợi thế mua máy móc, thiết bị để mua và nhận CGCN. Chủ đầu tư và nhà khoa học không kết hợp được với nhau, chủ thể mua thiết bị, nhà máy thường không quan tâm đến CGCN, họ chỉ cần mua được thiết bị với chất lượng và giá cả hợp lý trong khi các nhà khoa học mua công nghệ lại không có điều kiện mua thiết bị như các nhà đầu tư. Ngoài ra, trình tự để mua công nghệ, giá cả khi mua công nghệ không dễ tính định mức nên khó hoặc phê duyệt mất nhiều thời gian, không đáp ứng về tiến độ của dự án cũng là nguyên nhân làm hạn chế việc CGCN.
Để không đánh mất thị trường, theo ông Nguyễn Chỉ Sáng, “chúng ta cần xây dựng được chiến lược với các giải pháp tổng thể để phát triển ngành công nghiệp cơ khí, trong đó phát triển tiềm lực khoa học công nghệ nói chung, nhận CGCN nói riêng là một phần không tách rời trong chiến lược tổng thể này. Cần xác định rõ các lĩnh vực công nghiệp Nhà nước quyết định làm chủ, xây dựng một kế hoạch hoàn chỉnh để chiếm lĩnh thị trường này như khuyến khích đầu tư, thu xếp vốn, mua bán nhận CGCN… Việc mua bán nhận CGCN chỉ có thể đạt hiệu quả kinh tế nếu nó được áp dụng, cải tiến, hoàn thiện và ứng dụng trên diện rộng"./.
Bảo Ngọc