Ít đầu tư đổi mới công nghệ
Trong lĩnh vực điện tử, Samsung là thương hiệu toàn cầu, tiêu chuẩn họ đặt ra là tiêu chuẩn thế giới, do đó việc doanh nghiệp Việt không thể đáp ứng được là điều dễ hiểu. Song, cũng phải thấy rằng, có không ít mặt hàng đơn giản nhưng doanh nghiệp vẫn nhập từ nước ngoài, không chú trọng đầu tư đổi mới công nghệ để sản xuất ở trong nước. Nhiều doanh nghiệp lao vào ngành công nghiệp chế biến, lắp ráp, gia công để rồi phải chịu thân phận làm thuê trên đất nước mình.
Mới đây, tại Hội thảo Phương pháp đánh giá đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp, nhiều đại biểu cũng đưa ra dẫn chứng về hoạt động nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp chế biến, chế tạo Việt Nam. Theo thống kê, chỉ một số ít doanh nghiệp được điều tra có hoạt động nghiên cứu và phát triển, trong khi có đến 84% doanh nghiệp cho biết họ không có bất cứ chương trình cải tiến hoặc phát triển công nghệ nào. Theo Ts Lê Xuân Định, Cục trưởng Cục Thông tin KHCN quốc gia (Bộ KH-CN), dù nhiều báo cáo điều tra xác định được số lượng doanh nghiệp có hoạt động nghiên cứu và phát triển nhưng trên thực tế, nhiều doanh nghiệp không hề chi một đồng nào cho hoạt động này. Muốn đánh giá doanh nghiệp có đổi mới công nghệ hay không phải căn cứ vào mức đầu tư kinh phí cho hoạt động nghiên cứu phát triển.
Một cuộc khảo sát gần đây của Bộ KH-CN tại 100 doanh nghiệp ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cũng khiến không ít chuyên gia sửng sốt khi chi phí đầu tư cho đổi mới KHCN của doanh nghiệp Việt vô cùng thấp, chỉ vào khoảng 0,2 - 0,3% trên tổng doanh thu. Trong khi đó, tỷ lệ đầu tư cho nghiên cứu phát triển ở Ën Độ là 5%, Hàn Quốc là 10% và Nhật Bản gần 50%.
Theo các chuyên gia, nhận thức của người lãnh đạo đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định doanh nghiệp sẽ đầu tư đổi mới công nghệ, đầu tư theo chiều sâu hay lựa chọn đầu tư vào những lĩnh vực ăn xổi. Sự phát triển vượt bậc của các doanh nghiệp trẻ như Viettel, FPT hiện nay đã cho thấy, nghiên cứu và phát triển là con đường đúng đắn nhất đưa doanh nghiệp đi lên.
Kém về quản trị công nghệ
Hoạt động đổi mới công nghệ của doanh nghiệp chịu tác động của nhiều yếu tố. Nhu cầu đổi mới quyết định doanh nghiệp có tiến hành đổi mới hay không; khả năng về tài chính, nhân lực ảnh hưởng tới tốc độ đổi mới nhiều hay ít; còn quản trị công nghệ sẽ quyết định hiệu quả đổi mới công nghệ.
Ở nước ta, đã có những doanh nghiệp chú trọng vào đầu tư đổi mới công nghệ nhưng đa phần chưa có dự báo, đánh giá công nghệ hay thấy được mối quan hệ giữa công nghệ với sản phẩm và thị trường, thành ra hiệu quả đổi mới chưa cao. Theo Ts Hoàng Xuân Long, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách KHCN, nguyên nhân khiến các doanh nghiệp thiếu tích cực trong đổi mới công nghệ cũng là do chưa thực sự hiểu biết và làm chủ công nghệ. Phần lớn doanh nghiệp chỉ mua máy móc, thiết bị mới, học để nắm vững thao tác cần thiết vận hành máy móc, thiết bị đó chứ hầu như không có những nghiên cứu bên trong để cải tiến, phát triển công nghệ.
Mặt khác, muốn nâng cao năng lực cạnh tranh, cùng với quyết tâm đổi mới công nghệ, doanh nghiệp cần chú trọng tới phát triển lao động chất lượng cao song đây cũng là điều còn thiếu và yếu ở nhiều doanh nghiệp. Nói như Ts Đỗ Hữu Hào, Nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương, lao động trong lĩnh vực điện tử ở nước ta nhiều khi chỉ làm một động tác là cầm con chip từ chỗ này đặt sang chỗ khác, thành thử khi thất nghiệp không biết phải làm gì. Trong khi nhiều nước, chỉ sau 5 - 10 năm là họ đã có thể nắm vững và vận hành hiệu quả máy móc, thiết bị công nghệ.
Hiện nay, nhà nước có chính sách hỗ trợ hoạt động quản trị công nghệ trong doanh nghiệp, đơn cử như Quyết định số 677/QĐ-TTg về phê duyệt Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020 đã xác định, sẽ hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và thực hiện lộ trình đổi mới công nghệ; tổ chức đào tạo về quản lý công nghệ, quản trị công nghệ và cập nhật công nghệ mới cho các kỹ sư, kỹ thuật viên; đồng thời bồi dưỡng cập nhật kiến thức để đổi mới công nghệ cho cán bộ quản lý doanh nghiệp. Tuy vậy, những quy định này chỉ phát huy tác dụng nếu có sự phối hợp chặt chẽ với các chính sách ưu đãi khác như hỗ trợ hoạt động nghiên cứu và phát triển, đổi mới và tiếp nhận chuyển giao công nghệ hay đào tạo nhân lực KHCN. Đó mới chỉ là nền tảng, là bước khởi đầu, muốn phát triển vượt bậc, doanh nghiệp phải sẵn sàng và chủ động tiếp nhận những chính sách hỗ trợ, đẩy mạnh hơn nữa hoạt động đổi mới sáng tạo của mình.
|