|
|||
Là một loại quả nhỏ có vỏ sần và phần cùi trắng dày với hương vị thơm ngon đặc biệt, vải thiều đã được trồng phổ biến ở vùng đất đồi trung du miền Bắc nước ta. Với đặc điểm chăm sóc dễ dàng, diện tích trồng vải thiều đã không ngừng gia tăng trong những năm gần đây, trong đó Bắc Giang là vùng trồng vải lớn nhất nước. Theo số liệu của Sở Công thương Bắc Giang, tổng diện tích trồng vải thiều toàn tỉnh ước đạt khoảng 32-33.000 ha, với tổng sản lượng khoảng 200-250.000 tấn mỗi năm. Tuy nhiên, do thời gian thu hoạch vải ngắn (vải thường chín rộ vào cuối tháng 5 đến đầu tháng 7), nên việc bảo quản và tiêu thụ vải thiều là vấn đề vô cùng quan trọng đối với người nông dân cũng như các nhà khoa học và quản lý. Mặc dù công tác xúc tiến quảng bá thương mại đã được chú trọng để tìm kiếm thị trường xuất khẩu cho quả vải tươi, song đến nay Trung Quốc vẫn là thị trường quan trọng nhất, chiếm 95% tổng sản lượng vải thiều xuất khẩu. Việc phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc đã gây nhiều thiệt hại cho người trồng vải, do bị ép giá, hay những căng thẳng chính trị, ngoại giao, thương mại… Hơn nữa, do việc buôn bán tiểu ngạch qua biên giới thường không tuân thủ các quy định kiểm dịch, làm cho nhiều hộ dân đã lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc nhuộm để tạo màu làm đẹp vỏ quả, dẫn đến mất an toàn vệ sinh thực phẩm, giảm chất lượng quả, ảnh hưởng đến thương hiệu và thậm chí tới sức khỏe người tiêu dùng. Kết quả là, hiện Trung Quốc đã siết chặt kiểm dịch, kiểm nghiệm vải thiều nhập khẩu từ Việt Nam. Đáp ứng yêu cầu về chất lượng quả, hạn chế sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật để sản xuất quả vải thiều đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Âu châu, Bắc Giang đã xây dựng và phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp sạch theo chuẩn VietGAP. Theo báo cáo của Sở Khoa học Công nghệ Bắc Giang, hiện đã có khoảng 8-10.000 ha trồng vải đạt chuẩn VietGAP có thể cung cấp vải chất lượng cao phục vụ xuất khẩu. Tuy nhiên, để sớm đưa quả vải vào thị trường các quốc gia phát triển này, đầu tiên quả vải phải được xử lý để đảm bảo chất lượng và không làm phát tán dịch bệnh, côn trùng. Nhiều phương pháp bảo quản quả đã được nghiên cứu thử nghiệm, song đến nay hai phương pháp chính được áp dụng là sấy khô và bảo quản tươi đông lạnh, tuy nhiên thời gian bảo quản chỉ đủ để xuất khẩu qua biên giới với các quốc gia lân cận mà thôi. Hơn nữa việc bảo quản tươi chỉ là giữ ở nhiệt độ thấp không kiểm soát hoàn toàn côn trùng. Vì vậy, cần áp dụng biện pháp xử lý thích hợp để kiểm soát hoàn toàn các loài sâu bệnh hại theo yêu cầu kiểm dịch thực vật của các quốc gia nhập khẩu. Từ những năm 90 của thế kỷ trước, các nhà khoa học thuộc Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đã chỉ ra chiếu xạ liều 250-400 Gy đủ để kiểm soát hoàn toàn ruồi đục quả Bactrocera dosalis Hendel và liều chiếu tối thiểu 231 Gy có thể tiêu diệt hoàn toàn các loài sâu ăn bột thuộc bộ côn trùng hai cánh Diptera trên quả thanh long. Xử lý chiếu xạ với liều chiếu tối thiểu 250 Gy cũng giúp kiểm soát ruồi đục quả Bactrocera correcta trên quả bưởi. Chúng tôi cũng đã áp dụng chiếu xạ gamma kết hợp các biện pháp xử lý hóa chất và giữ ở nhiệt độ thấp để bảo quản quả vải tươi, kết quả cho thấy quả chiếu xạ liều 250-350 Gy hoàn toàn không xuất hiện sâu hại như mẫu đối chứng, việc kết hợp nhúng dung dịch hóa chất bảo quản carbendazim (CBZ) và giữ lạnh ở nhiệt độ khoảng 12°C có thể tăng thời gian bảo quản quả đến 3 tuần, song nếu không nhúng hóa chất, chỉ sau 10 ngày đã xuất hiện các đốm đen trên vỏ quả do sự phát triển của một số chủng vi khuẩn, nấm mốc gây thối hỏng, có thể phát triển ở nhiệt độ thấp. Như vậy, xử lý chiếu xạ gamma liều dưới 400 Gy là phương pháp rất hiệu quả trong việc kiểm soát côn trùng hại quả, song không thể loại bỏ hoàn toàn, mà chỉ có thể giảm thiểu các loại vi sinh vật gây hỏng quả.
Không chiếu xạ và Chiếu xạ 300 Gy sau 10 ngày bảo quản ở 12°C Cho đến nay, xử lý chiếu xạ đã được biết đến như một biện pháp kiểm dịch hiệu quả đối với nhiều loại côn trùng khác nhau. Năm 2006, Cục Thanh tra Vệ sinh an toàn thực-động vật thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (APHIS) đã đưa ra quy định quan trọng về xử lý kiểm dịch bức xạ tổng quát, cho phép áp liều chiếu xạ tối thiểu 150 Gy đối với ruồi đục quả tephritid và 400 Gy đối với tất cả các loại côn trùng khác trừ nhộng và con trưởng thành của loài bọ cánh vẩy Lepidoptera. Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng yêu cầu các loại sản phảm hoa quả nhập khẩu phải được kiểm dịch bằng bức xạ. Sau khi cấp phép cho quả thanh long chiếu xạ năm 2008, hiện APHIS đang xem xét cho phép một số nông sản khác của Việt Nam gồm vải thiều, nhãn lồng kiểm dịch bức xạ với liều tổng quát 400 Gy. Như vậy, kiểm dịch bức xạ là yêu cầu bắt buộc để quả vải có thể thâm nhập thị trường tiềm năng này. Bên cạnh đó, nhiều nước như Hàn Quốc, Úc, NewZealand và một số nước châu Âu cũng chấp nhận biện pháp kiểm dịch bức xạ. Trong chương trình hợp tác vùng RAS/5/050 về “Tăng cường công tác vệ sinh và kiểm dịch bằng phương pháp chiếu xạ đối với các sản phẩm xuất khẩu”, chúng tôi cũng đã nỗ lực để các nước thành viên chấp nhận các sản phẩm hoa quả tươi được kiểm dịch bằng bức xạ của Việt Nam, trong đó có quả vải thiều. Các thành viên đã cung cấp thông tin, bằng chứng khoa học giúp cơ quan kiểm dịch thực vật quốc gia hoàn thiện cơ sở pháp lý cho phép ứng dụng biện pháp kiểm dịch hiệu quả này đối với một số loại quả nhiệt đới. Như vậy, xử lý chiếu xạ không chỉ có khả năng kiểm soát tiêu diệt côn trùng, duy trì chất lượng và kéo dài thời gian bảo quản quả vải, mà còn là một biện pháp bắt buộc đối với một số loài quả tươi xuất khẩu sang thị trường các quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Úc và Châu Âu. Góp phần thúc đẩy ứng dụng CNBX như biện pháp kiểm dịch đối với quả vải thiều xuất khẩu, từ đầu năm 2014, chúng tôi đã phối hợp với công ty phát triển công nghệ thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, công ty Cổ phần Vải thiều Việt Nam tiến hành bảo quản thử nghiệm 500 kg vải thiều bằng xử lý chiếu xạ kết hợp giữ lạnh ở 4°C. Kết quả cho thấy, vải chiếu xạ vẫn giữ được màu sắc vỏ, kết cấu và hương vị sau 10 ngày bảo quản, trong khi mẫu đối chứng đã bắt đầu xuất hiện các đốm đen gây ra do nấm mốc có sẵn trên vỏ quả trong quá trình thu hái. Tất cả các mẫu chiếu xạ và không chiếu xạ đều không thấy xuất hiện côn trùng gây hại, có thể do việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình canh tác đã kiểm soát được sự phát triển của các loại côn trùng gây hại thường xuất hiện trên quả vải. Quả vải chiếu xạ bắt đầu bị mốc vỏ sau 20 ngày bảo quản, song vẫn giữ được kết cấu và hương vị, thậm chí hàm lượng đường tổng số còn tăng đáng kể.
Như vậy, chiếu xạ với liều chiếu kiểm dịch tổng quát (400 Gy) kết hợp làm lạnh ở 4°C ngoài việc kiểm soát hoàn toàn các loại côn trùng hại quả đáp ứng yêu cầu kiểm dịch thực vật, còn có thể giúp kéo dài thời gian bảo quản quả đến 20 ngày, đảm bảo xuất khẩu sang các quốc gia xem chiếu xạ như biện pháp kiểm dịch bắt buộc gồm Hoa Kỳ, Úc và một số nước châu Âu, nếu thời gian vận chuyển giới hạn trong 15 ngày và 5 ngày lưu thông trong siêu thị. Xử lý chiếu xạ liều 400 Gy chỉ có thể làm giảm tổng số vi sinh vật nhiễm trên vỏ quả (khoảng 1 bậc từ 105 CFU/quả như kết quả của chúng tôi), mà không thể tiêu diệt hoàn toàn các vi khuẩn, nấm mốc gây thối hỏng. Chiếu xạ không phải là biện pháp bảo quản thực vật mặc dù rất hiệu quả trong việc kiểm soát và ngăn chặn sự phát tán của côn trùng, sâu hại đáp ứng yêu cầu kiểm dịch. Xử lý chiếu xạ không thể thay thế hoàn toàn cho các biện pháp bảo quản quả tươi khác, mà chỉ làm tăng hiệu quả của chúng, trong trường hợp này chiếu xạ kết hợp bảo quản lạnh ở khoảng 4°C có thể kéo dài thời gian bảo quản quả vải tươi đến 20 ngày mà không ảnh hưởng đáng kể đến màu sắc vỏ quả và chất lượng dinh dưỡng của vải thiều. Thực tế, để giảm nhiễm vi sinh vật trên vỏ quả cần liều chiếu cao đến 5 kGy, là liều sẽ ảnh hưởng xấu đến chất lượng quả. Chúng tôi cũng khuyến cáo các nhà sản xuất vải thiều cần tuân thủ các yêu cầu về thực hành sản xuất nông nghiệp sạch VietGAP và GlobalGAP để giảm thiểu lượng vi sinh vật nhiễm ban đầu trên vỏ quả. Trần Minh Quỳnh, Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội
|