|
|||
R&D- Bộ phận không thể thiếu đối với doanh nghiệp Tại nhiều nước trên thế giới, các DN luôn coi R&D (Nghiên cứu và Phát triển) là bộ phận không thể thiếu đối với DN. Samsung, một thương hiệu nổi tiếng toàn cầu, mỗi ngày, có hơn một phần tư nhân viên Samsung (khoảng 40 nghìn người) tham gia nghiên cứu và phát triển những thế hệ sản phẩm mới tốt hơn. Mỗi năm Samsung đầu tư ít nhất 9% lợi nhuận từ bán hàng cho những hoạt động của viện nghiên cứu và phát triển. Hiện tập đoàn này có tới 42 viện nghiên cứu trên khắp thế giới để định hướng cho những xu thế mới của thị trường. Trong khi đó, ngoại trừ một số DN lớn trong nước như đã nói ở trên, còn thì phần nhiều DN ở ta vẫn chưa nhận thức đầy đủ về vai trò quan trọng của R&D. Từ nhận thức chưa đầy đủ này mà DN chưa đầu tư đúng mức cho hoạt động R&D, hệ quả tất yếu là nhiều sản phẩm, dịch vụ trong nước đang bị hàng ngoại nhập lấn át. Thực tế cũng chỉ ra rằng, một số DN ở Việt Nam đã thành công từ việc coi trọng đầu tư cho nghiên cứu, phát triển KH&CN. Điển hình như Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) năm 2010 đã thành lập Viện nghiên cứu riêng, trích 10% lợi nhuận trước thuế cho Quỹ Phát triển KHCN, tương đương với 2.500 tỷ đồng. Với mức đầu tư như vậy, chỉ sau một thời gian ngắn, các sản phẩm quan trọng bậc nhất phục vụ cho ngành công nghệ thông tin và viễn thông mà viện nghiên cứu của Viettel làm ra đã đáp ứng được nhu cầu phát triển DN và giá chỉ bằng 1/3 so với giá thị trường. Không còn xa lạ đối với nhiều nước có trình độ công nghệ phát triển, như Mỹ, Nhật Bản hay Singapore nhưng tại Việt Nam, viện nghiên cứu công nghệ khá non trẻ mới gần 4 tuổi đời của Đại học FPT thuộc Tập đoàn FPT đã có những kết quả rất khả quan trong vai trò tiên phong hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp. Viện Nghiên cứu Công nghệ FPT được xây dựng dựa trên mô hình tham khảo từ viện nghiên cứu thuộc ĐH Stanford (Mỹ) nhưng có sự điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam và FPT. Đặc biệt, Viện chú trọng hơn đến tính công nghiệp, gắn các dự án nghiên cứu khoa học với nhu cầu kinh doanh của doanh nghiệp. kể từ thời điểm thành lập, Viện Nghiên cứu Công nghệ FPT đã nhận nhiều “đơn đặt hàng” từ các công ty thành viên trong Tập đoàn FPT để phát triển sản phẩm/ dịch vụ. Đơn cử như dự án xây dựng hệ thống quảng cáo thông minh e-Click AdNetwork cho FPT Online từ năm 2013, dựa trên nền công nghệ khai phá dữ liệu lớn và xử lý ngôn ngữ tự nhiên. e-Click hiện đã mang lại doanh thu mới, chiếm 5% trong tổng doanh thu quảng cáo trực tuyến của công ty. Trong năm 2014, Viện Nghiên cứu Công nghệ FPT được đầu tư 4 tỷ đồng để phục vụ công tác nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó còn phải kể đến nhiều Viện nghiên cứu trong doanh nghiệp đã rất thành công như Công ty Rạng Đông, Công ty thủy sản An Bình, công ty cổ phần tin học Misa, công ty cấp thoát nước và phát triển đô thị Bà Rịa- Vũng Tàu (Busadco)…. Hỗ trợ tối Nghiên cứu khoa học trong doanh nghiệp Lợi ích của đầu tư cho hoạt động khoa học là rất rõ nhưng có thực tế hoạt động này thời gian qua có rất nhiều khó khăn, chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước. Chi dành cho KHCN hiện chiếm 2% ngân sách nhà nước, tương đương với mức trung bình các nước trên thế giới, nhưng do GDP còn thấp nên nguồn tài chính cho KHCN của Việt Nam năm 2012 chỉ là 700 triệu USD. Trong khi chỉ riêng Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) chi hơn 1 tỷ USD cho công nghệ. Để giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho biết: Đầu tiên là nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp, để họ hiểu rằng đầu tư cho KHCN chính là đầu tư để phát triển bền vững, giúp doanh nghiệp ổn định và phát triển trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt. Thứ hai là Nhà nước phải có quy định buộc các doanh nghiệp đầu tư phát triển KHCN của chính doanh nghiệp mình. Thứ ba là khi doanh nghiệp đã dành một phần lợi nhuận đóng góp vào quỹ phát triển KHCN thì nhà nước cần có các quy định để sử dụng quỹ được thuận lợi và có hiệu quả nhất. Trước thực trạng đầu tư cho KHCN chủ yếu từ nguồn ngân sách Nhà nước, huy động vốn đầu tư từ khu vực tư nhân thông qua việc khuyến khích thành lập Quỹ Phát triển KHCN của doanh nghiệp là một giải pháp quan trọng. Song, trên thực tế, việc thành lập và sử dụng quỹ còn nhiều khó khăn. Dự thảo Nghị định quy định về đầu tư và cơ chế tài chính cho KHCN đã được Bộ KH - CN trình Chính phủ xem xét, thông qua sẽ tháo gỡ được phần nào những vướng mắc đó. Theo đó, doanh nghiệp nhà nước sản xuất thuộc các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản và công nghiệp, xây dựng có tổng nguồn vốn trên 100 tỷ đồng phải trích 10% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp để lập quỹ phát triển KHCN của doanh nghiệp. Các doanh nhiệp nhà nước còn lại sẽ trích tối thiểu 5% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Doanh nghiệp ngoài nhà nước được quyền trích từ thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp một tỷ lệ hợp lý, tối đa 10% để lập quỹ. Được biết, Bộ KH&CN đang kiến nghị việc trích quỹ đầu tư KHCN sẽ được miễn thuế bởi nếu quy định về việc trích lợi nhuận trước thuế đầu tư cho KHCN của các DN được thực hiện thì DN yên tâm hơn khi đóng góp vào quỹ của địa phương. Theo đó, cơ chế sử dụng quỹ này cần phải thông thoáng hơn nữa để làm thế nào tạo điều kiên cho DN khi đã trích cho quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp rồi là họ có thể sử dụng được toàn bộ 100% kinh phí một cách thuận lợi với cơ chế thông thoáng nhất, miễn là họ sử dụng đúng mục đích là phục vụ cho mục tiêu nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực cho DN và không nên hạn chế mức tối đa. Bài, ảnh: Minh Châu |