|
|||
Cần chính sách đãi ngộ
Theo thống kê của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao), hiện nay, cộng đồng người Việt ở nước ngoài có khoảng 4,5 triệu người, trong đó có đến 400.000 chuyên gia trong các lĩnh vực khoa học chuyên ngành như Tin học, viễn thông, điện tử, vật liệu mới, chế tạo máy, điều khiển học, sinh học, vật lý, quản lý kinh tế… Nhiều người đã trở thành nhà khoa học hàng đầu trên thế giới hay nắm giữ những vị trí trọng yếu trong các viện nghiên cứu, trường đại học, bệnh viện, công ty kinh doanh ở các nước và tổ chức quốc tế. Thế nhưng, rất hiếm gặp nhà khoa học tài năng trở về nước hoặc nếu có cũng chỉ làm việc dưới hình thức giảng dạy và nghiên cứu ngắn ngày. Không ít địa phương trải thảm đỏ thu hút được một số nhà khoa học có trình độ cao trở về song rất ít người trụ được lâu dài. Đơn cử như tại Khu công nghiệp cao TP Hồ Chí Minh, có thời điểm tiếp nhận gần 30 chuyên gia Việt kiều đầu ngành tại Mỹ, Canada, Nhật Bản nhưng tới nay chỉ còn vài người tiếp tục công tác. Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là do chưa tìm được giải pháp hay thiếu cơ sở pháp lý cho việc mời gọi, sử dụng nguồn tri thức này. Có những dự án nhà ở cho chuyên gia với quy mô lớn sau nhiều năm vẫn chưa được thi công hay chính sách hỗ trợ mua nhà giá rẻ cho đối tượng này không có hướng dẫn cụ thể. Sự thiếu thốn về điều kiện nghiên cứu, phòng thí nghiệm cũng làm cho giới khoa học Việt kiều e ngại khi về nước.
Muốn thu hút nguồn lực này, đãi ngộ về tài chính là giải pháp vô cùng cần thiết. Song, theo ông Evgeni Kuznetsov - chuyên gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, nhiều nước cứ loay hoay với đãi ngộ về vật chất hay làm thế nào để giữ chân được các nhà khoa học trong khi việc tạo môi trường làm việc thuận lợi, thông thoáng; mở rộng lĩnh vực hoạt động để các nhà khoa học có thể phát huy được tài năng trí tuệ mới là mục tiêu hàng đầu. Thực tế chỉ ra rằng, từng có nhà khoa học sau khi về nước làm việc không được giao nắm giữ nhiệm vụ quan trọng hay rất ít được tham vấn ý kiến về những lĩnh vực mà họ có kiến thức. Mặt khác, cơ chế xin – cho, thủ tục hành chính phức tạp tại nhiều địa phương hiện nay cũng là rào cản khiến cho giới trí thức chưa thể cống hiến hết tài năng, công sức của mình. Trí thức Việt kiều sẵn sàng chấp nhận lương thấp, cơ sở vật chất thiếu thốn, nếu họ được tôn trọng và được đánh giá đúng khả năng. Hiện nay, khi nói tới thu hút nhà khoa học Việt kiều, người ta vẫn thường liên tưởng đến các nhà khoa học đã thành danh, mà ít chú ý tới những người đang làm việc say mê và có tiềm năng. Rõ ràng, nếu không có chính sách xứng đáng, nhà quản lý không thấy được khả năng của những đối tượng này để tạo điều kiện phù hợp thì sẽ rất ít người có động lực về nước làm việc. Thực tế đó đặt ra yêu cầu cần có sự phân loại các nhà khoa học Việt kiều, từ những trí thức đầu ngành được Chính phủ ghi nhận tới những chuyên gia thành công và không thể bỏ qua những nhà khoa học trẻ có tiềm năng. Trên cơ sở phân loại sẽ đưa ra những chính sách phù hợp nhất để thu hút có hiệu quả nguồn tài sản quý giá này. Dự án FIRST Cùng với việc hoàn thiện chính sách hỗ trợ, nhiều dự án góp phần thu hút nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài trở về nước đã và đang được thực hiện. Dự án “Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu khoa học và công nghệ” (FIRST) có tổng mức đầu tư là 110 triệu USD là một ví dụ điển hình. Với khoảng 6 triệu USD cho việc xây dựng và thí điểm chính sách thu hút các chuyên gia giỏi nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài về nước làm việc, dự án sẽ tạo động lực kết nối các nhà khoa học trong và ngoài nước tham gia nghiên cứu, hợp tác đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao ở Việt Nam. Theo đó, các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài sẽ tham gia các hoạt động đổi mới hệ thống KHCN công lập hay hình thành doanh nghiệp KHCN, với tư cách như những người tạo ra nguồn công nghệ mới, chính sách mới, trực tiếp tạo ra sản phẩm. Bà Phạm Thúy Diệp - Điều phối viên dự án FIRST cho biết, dự án sẽ cấp 100% khoản tài trợ trị giá 200.000 USD cho các tổ chức công nghệ công lập và tư nhân đã khuyến khích các nhà khoa học Việt kiều trở về nước hợp tác nghiên cứu. Dự án sẽ mời các tổ chức nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp hoặc nhóm các nhà khoa học trong nước gửi đề xuất về hợp tác khoa học với các nhà khoa học Việt kiều. Qua đó thực hiện các dự án liên kết, phát triển phương pháp nghiên cứu, khuyến khích đầu tư và chuyển giao công nghệ tại Việt Nam. Trước mắt các nhà nghiên cứu giỏi người Việt ở nước ngoài sẽ được tạo điều kiện làm việc với các tổ chức KHCN và doanh nghiệp Việt Nam trong vòng 6 tháng hoặc 12 tháng. Trong đó, có bốn lĩnh vực được ưu tiên là cơ khí chế tạo và tự động hóa; công nghệ sinh học và nông nghiệp; vật liệu mới; công nghệ thông tin và truyền thông. Các lĩnh vực khác như trắc địa bản đồ, khí tượng thủy văn và môi trường cũng được khuyến khích thực hiện. Một trong những điểm nổi bật của dự án là xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về các nhà khoa học, du học sinh hay sinh viên Việt Nam ra nước ngoài làm việc trong các tổ chức nghiên cứu. Hệ thống thông tin bao gồm nhân khẩu, trình độ, bằng cấp, nơi công tác, các công trình nghiên cứu và sản phẩm khoa học. Đây là những dữ liệu cần thiết giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc kết nối khi có nhu cầu hợp tác với các nhà khoa học Việt kiều.
|