Bản in
Thu hút chất xám ở nước ngoài: Tín hiệu vui từ một dự án
Không thể phủ nhận tiềm năng của đội ngũ trí thức Việt kiều cũng như người nước ngoài có thể cống hiến cho Việt Nam. Tuy nhiên, làm thế nào để thu hút nguồn chất xám đó đang là bài toán đặt ra cho các nhà quản lý như môi trường làm việc, điều kiện đãi ngộ… Một tín hiệu vui khi Dự án “Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu khoa học và công nghệ” (FIRST) đang xây dựng và thí điểm chính sách thu hút các chuyên gia giỏi nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài về nước làm việc.

Tiềm năng là rất lớn

Theo số liệu của Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài cho biết, trong số gần 3 triệu người Việt Nam sinh sống định cư ở nước ngoài, ước tính có khoảng 300.000 người được đào tạo ở trình độ đại học và công nhân kỹ thuật bậc cao, có kiến thức cập nhật về văn hóa, khoa học và công nghệ, về quản lý kinh tế. Trong đó có nhiều người đạt được vị trí quan trọng trong các viện nghiên cứu, trường đại học, bệnh viện, công ty kinh doanh của các nước và các tổ chức quốc tế.

Tiềm lực khoa học và công nghệ của các thế hệ người Việt Nam ở nước ngoài không ngừng phát triển, trong đó một thế hệ tri thức mới người nước ngoài gốc Việt đang hình thành và phát triển, nhất là ở các nước Bắc Mỹ, Tây Âu và Châu Đại dương. Đội ngũ này tập trung ở nhiều lĩnh vực khoa học chuyên ngành và kinh tế mũi nhọn như tin học, viễn thông, điện tử, vật liệu mới, chế tạo máy, điều khiển học, sinh học, quản lý kinh tế, ngân hàng, chứng khoán...

Thế mạnh của đội ngũ trí thức người Việt Nam ở nước ngoài là được đào luyện, tiếp cận môi trường khoa học công nghệ tiên tiến và hiện đại, tiếp cận và nắm bắt được phương pháp quản lý kinh tế vĩ mô và chuyên ngành. Họ có khả năng phát kiến sáng tạo, có năng lực tổng hợp thông tin, tư vấn đề xuất và tạo dựng mối quan hệ với câc cơ sở khoa học, cơ sở kinh tế ở nước sở tại. Từ trước đến nay, đội ngũ trí thức kiều bào vẫn được các cơ quan chức năng trong nước đánh giá là thế mạnh của cộng đồng, là một nguồn lực có thể góp phần tích cực cho sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.

GS Đặng Lương Mô, việt kiều Nhật Bản-  cố vấn cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) trực thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM
 

Tuy nhiên cũng cần khẳng định rằng, việc thu hút và sử dụng nguồn chất xám này hiện nay chưa thực sự đạt được như kỳ vọng. Có hàng loạt các lý do được đưa ra nhưng tựu chung vẫn là cơ chế đãi ngộ; Chưa tìm được giải pháp hay thiếu cơ sở pháp lý cho việc mời gọi, sử dụng nguồn tri thức này; Sự thiếu thốn về điều kiện nghiên cứu, phòng thí nghiệm cũng làm cho giới khoa học Việt kiều e ngại khi về nước.…Điều này cũng lý giải vì sao, nhiều nhà khoa học thành danh trên thế giới mặc dù được cử đi học bằng nguồn ngân sách nhà nước nhưng hầu như điều kiếm lý do ở lại, không về nước cống hiến cho đất nước.

Xây dựng và thí điểm chính sách thu hút nhân tài ở nước ngoài

Cùng với việc hoàn thiện chính sách hỗ trợ, nhiều dự án góp phần thu hút nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài trở về nước đã và đang được thực hiện. Dự án “Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu khoa học và công nghệ” (FIRST) có tổng mức đầu tư là 110 triệu USD là một ví dụ điển hình. Với khoảng 6 triệu USD cho việc xây dựng và thí điểm chính sách thu hút các chuyên gia giỏi nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài về nước làm việc, dự án sẽ tạo động lực kết nối các nhà khoa học trong và ngoài nước tham gia nghiên cứu, hợp tác đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao ở Việt Nam. Theo đó, các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài sẽ tham gia các hoạt động đổi mới hệ thống KHCN công lập hay hình thành doanh nghiệp KHCN, với tư cách như những người tạo ra nguồn công nghệ mới, chính sách mới, trực tiếp tạo ra sản phẩm.

Tại hội thảo "Giới thiệu dự án First (Dự án đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu, khoa học và công nghệ) và cách thức tham gia tiểu hợp phần xây dựng, thí điểm chính sách thu hút các chuyên gia giỏi nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài đến Việt Nam làm việc" vừa được Bộ Khoa học & Công nghệ tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh, bà Thúy Diệp - Điều phối viên của Dự án First cho biết, dự án sẽ cấp 100% khoản tài trợ trị giá 200.000 USD cho các tổ chức công nghệ công lập và tư nhân đã khuyến khích các nhà khoa học Việt kiều trở về nước hợp tác nghiên cứu. Dự án sẽ mời các tổ chức nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp hoặc nhóm các nhà khoa học trong nước gửi đề xuất về hợp tác khoa học với các nhà khoa học Việt kiều. Qua đó thực hiện các dự án liên kết, phát triển phương pháp nghiên cứu, khuyến khích đầu tư và chuyển giao công nghệ tại Việt Nam.

Trước mắt các nhà nghiên cứu giỏi người Việt ở nước ngoài sẽ được tạo điều kiện làm việc với các tổ chức KHCN và doanh nghiệp Việt Nam trong vòng 6 tháng hoặc 12 tháng. Trong đó, có bốn lĩnh vực được ưu tiên là cơ khí chế tạo và tự động hóa; công nghệ sinh học và nông nghiệp; vật liệu mới; công nghệ thông tin và truyền thông. Các lĩnh vực khác như trắc địa bản đồ, khí tượng thủy văn và môi trường cũng được khuyến khích thực hiện.

Một trong những điểm nổi bật của dự án là xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về các nhà khoa học, du học sinh hay sinh viên Việt Nam ra nước ngoài làm việc trong các tổ chức nghiên cứu. Hệ thống thông tin bao gồm nhân khẩu, trình độ, bằng cấp, nơi công tác, các công trình nghiên cứu và sản phẩm khoa học. Đây là những dữ liệu cần thiết giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc kết nối khi có nhu cầu hợp tác với các nhà khoa học Việt kiều.

Bài và ảnh: Minh Châu