Bản in
Chủ động liên kết, đào tạo nhân lực công nghệ cao
Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) vừa khánh thành trụ sở chính Trung tâm đào tạo SHTP tại TP.HCM. Nhân dịp này, phóng viên báo Kinh tế Việt Nam đã có cuộc trao đổi với bà Đinh Thụy Mỹ Quỳnh - Giám đốc trung tâm về đào tạo nhân lực công nghệ cao (CNC) tại Việt Nam.

Việt Nam trong thời điểm hiện nay?

Nhân lực kỹ thuật công nghệ và CNC là một lĩnh vực mới mà Việt Nam chưa có thế mạnh. Hiện nhân lực CNC tại Việt Nam đang ở trong tình trạng “vừa thừa vừa thiếu”. Thừa là vì có một đội ngũ nhân lực trẻ, dồi dào, nhiệt huyết, tuy nhiên thiếu kỹ năng làm việc và kỹ năng tiếp thu công nghệ mới, nên chưa đáp ứng được nhu cầu của DN. Nhiều DN phải tổ chức đào tạo lại nguồn nhân lực sau khi tuyển dụng, tốn kém về tài chính.
Trong thời gian qua, cũng đã có những tín hiệu vui, nhiều DN lớn như Intel, Datalogic, Nidec đều tuyển nhân lực Việt Nam và nắm giữ những vị trí quan trọng, đặc biệt trong lĩnh vực nghiên cứu và triển khai. Ngoài nguồn nhân lực tại chỗ thì Việt Nam còn tiếp nhận trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, du học sinh về nước để nghiên cứu và làm việc. Đây chính là nguồn chất xám quan trọng cần được chủ động tiếp nhận và tạo điều kiện phát triển nguồn nhân lực này phục vụ nhu cầu phát triển ngành CNC của đất nước.
Xin bà cho biết những hoạt động chính của trung tâm và dự kiến số lượng học viên đào tạo mỗi năm sau khi có trụ sở mới?

Đến nay, Khu công nghệ cao TP.HCM có tổng số 44 nhà đầu tư với tổng vốn đầu tư đạt 1,842 tỷ USD, trong đó có 8 dự án về R&D và đào tạo. Tổng giá trị xuất khẩu trong 9 tháng đầu năm 2010 đạt hơn 329 triệu USD, thu hút trên 11.000 lao động. Từ đầu năm 2010 đến nay, SHTP đã cấp phép thêm 4 dự án mới với tổng vốn đầu tư là 87,5 triệu USD.

Hoạt động chính của Trung tâm đào tạo SHTP là tổ chức cung ứng các gói đào tạo về kỹ năng làm việc chuyên ngành kỹ thuật cho cá nhân, DN và nhà trường; Đào tạo bổ sung nhằm lấp đầy khoảng cách giữa kiến thức kỹ năng của nguồn nhân lực với nhu cầu của DN như ngoại ngữ, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giải quyết vấn đề hay những khóa đào tạo kỹ thuật ngắn hạn để người lao động có thể sử dụng máy móc hiện đại và tiếp thu công nghệ mới; Tư vấn nguồn nhân lực cho DN có nhu cầu, hỗ trợ sinh viên làm việc và thực tập tại các DN; Liên kết với các trường, viện chuyên về lĩnh vực khoa học - công nghệ tại các quốc gia phát triển để tổ chức liên kết đào tạo chất lượng cao cho nguồn nhân lực CNC tại Việt Nam; các hoạt động nghiên cứu và hợp tác.
Trong vòng 5 năm qua, kể từ ngày thành lập, Trung tâm đào tạo công nghệ cao đã tổ chức được trên 300 khóa đào tạo cho khoảng cho 4.000 lượt học viên, liên kết với các viện trường, DN phát triển 10 giáo trình theo nhu cầu của DN. Sau khi trụ sở mới đi vào hoạt động, dự kiến mỗi năm sẽ thu hút được 2.000 học viên mới. Số lượng học viên này có thể được tuyển dụng làm việc tại khu CNC hoặc được giới thiệu cung ứng ra bên ngoài sau khi hoàn thành khóa học.
Định hướng và mục tiêu của trung tâm trong những năm tiếp theo, thưa bà?
Trong những năm tiếp theo, Trung tâm đào tạo Khu công nghệ cao sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Đại học Quốc gia TP.HCM, các DN trong khu CNC, liên kết với các đối tác có kinh nghiệm trong và ngoài nước để triển khai theo chiều sâu các chương trình đào tạo bổ sung, đào tạo đón đầu. Đặc biệt, triển khai chương trình đào tạo của Khoa công nghệ cao, qua đó, góp phần quan trọng cho sự thành công chương trình đột phá "nâng cao chất lượng nguồn nhân lực" của thành phố, tạo ra nguồn nhân lực CNC phục vụ cho phát triển lĩnh vực khoa học - công nghệ của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.
Để đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực trong định hướng phát triển khoa học CNC thành ngành kinh tế mũi nhọn, theo bà cần có những biện pháp gì?
Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực CNC thì cần có sự chủ động liên kết và phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, DN và nhà trường. Chính quyền tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, chính sách phù hợp để thu hút nhân tài, đồng thời khuyến khích học các ngành kỹ thuật - công nghệ, tôn vinh nhân tài về kỹ thuật CNC. Về phía DN và nhà trường phải chủ động, phối hợp chặt chẽ với nhau nhằm giúp cho người học tiếp nhận những kiến thức mới, đào tạo theo nhu cầu của xã hội nhằm giải quyết triệt để việc “khát” nhân lực trong lĩnh vực CNC trong tương lai./.
Xin cảm ơn bà!

Trung tâm đào tạo SHTP thành lập vào năm 2005, hướng tới mục tiêu đến năm 2020 là một trung tâm về nghiên cứu, triển khai, ươm tạo DN CNC.
Trung tâm đào tạo Khu công nghệ cao TP.HCM được xây dựng trên nền đất rộng 36.953m2, tổng mức đầu tư 67 tỷ đồng gồm 4 khối nhà chính: Khối hành chính gồm 4 tầng với 6 phòng đào tạo, khu vực điều hành, giảng đường 200 chỗ, phòng vi tính…; Khối lớp học 3 tầng với 9 phòng học, 3 phòng giáo viên; Khối lớp học và thí nghiệm 3 tầng; Khối nhà ăn và thư viện 2 tầng; Khối hành lang 2 tầng không gian mở, học tập và sinh hoạt nhóm; Khu khán đài sinh hoạt ngoài trời và các hạng mục tương lai, khu lưu xá cho chuyên gia và học viên, sân thể thao.

Hồng Ánh thực hiện