|
|||
Ông Nguyễn Văn Diện, Giám đốc Công ty TNHH Môi trường Nano chia sẻ, là một đơn vị tư nhân nhỏ, vì vậy công ty buộc phải suy nghĩ và tìm ra con đường đi tốt nhất để tồn tại và phát triển. Nếu không đổi mới sáng tạo, công ty sẽ không thể mở rộng được thị trường tiêu thụ sản phẩm. Từ đó sẽ không thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp cùng ngành, doanh thu không tăng, không tạo được nhiều việc làm và thu nhập ổn định cho đội ngũ cán bộ nhân viên, công ty sẽ không thể phát triển được hoặc có thể sẽ bị phá sản. Vì sao phải đổi mới sáng tạo? Chọn hướng đi tốt nhất để tồn tại và phát triển đó là đổi mới sáng tạo, nên công ty đã xác định phải đổi mới sáng tạo cái gì? Đổi mới sáng tạo như thế nào? Đổi mới sáng tạo từ khi nào?... Công ty đã đưa ra đổi mới sáng tạo toàn diện gồm: Đổi mới tư duy, đổi mới phương pháp quản lý, đổi mới phương pháp sản xuất, đổi mới phương pháp kinh doanh, đổi mới quản lý tài chính, đổi mới quản lý thị trường và đổi mới quản lý khách hàng. Trên cơ sở đó, công ty đưa ra ý tưởng và trình tự các bước đổi mới, thực hiện các bước và đánh giá rút kinh nghiệm các bước đổi mới. Trong 9 năm hoạt động, Công ty TNHH Môi trường Nano đã thực hiện 2 lần đổi mới sáng tạo. Đợt 1 vào năm 2007. Đây là đợt đổi mới không toàn diện, do chưa có kinh nghiệm, không có kinh phí để thuê chuyên gia tư vấn, không có chuyên gia hỗ trợ tư vấn ban đầu. Nhưng kết quả mang lại khá bất ngờ, cụ thể là doanh thu tăng gấp đôi so với trước khi đổi mới sáng tạo, tạo ra nhiều việc làm. Công ty thực hiện đợt đổi mới lần hai vào năm 2012 mang tính toàn diện, được các chuyên gia Chương trình Đối tác Đổi mới Sáng tạo Việt Nam – Phần Lan (IPP) thẩm định ý tưởng ngay từ ban đầu. IPP đã tài trợ kinh phí để thuê các chuyên gia có trình độ chuyên môn cao trong nước tư vấn trong suốt quá trình thực hiện đổi mới sáng tạo. Công ty đã mời chuyên gia từ Trường Đại học Quốc gia và Trường Đại học Bách khoa TPHCM tư vấn. Họ là những chuyên gia có nhiều kinh nghiệm thực tế và đưa ra nhiều ý tưởng đổi mới sáng tạo. Sau hơn 1 năm thực hiện đổi mới, công ty đã đạt được kết quả theo đúng mục tiêu ban đầu. Đặc biệt, hiện nay sản phẩm do Công ty sản xuất ra được rất nhiều người tiêu dùng quan tâm tin tưởng sử dụng. Doanh thu tính đến 9/2013 đã đạt khoảng 90 tỷ đồng. “Là một Công ty TNHH thuộc loại nhỏ, vì vậy Công ty buộc phải suy nghĩ tìm cánh hoạt động có hiệu quả để tồn tại. Ý tưởng đổi mới của Công ty rất thực tế, đơn giản để những người cùng thực hiện hiểu rõ ý nghĩa của việc đổi mới sáng tạo trong một công việc cụ thể, chỉ có vậy thì chúng tôi mới thu được kết quả theo như mong muốn”, ông Nguyễn Văn Diện chia sẻ. Trong quá trình thực hiện đổi mới sáng tạo, công ty gặp rất nhiều khó khăn như thiếu kinh phí thực hiện; rất khó tìm được các chuyên gia có kinh nghiệm thực sự để hợp tác; đưa ra các ý tưởng đổi mới sáng tạo mang tính thực tế; thiếu trang thiết bị phục vụ trong quá trình đổi mới và tìm kiếm người phù hợp để cùng thực hiện quá trình đổi mới. Thành công từ đổi mới sáng tạo Hơn 5 năm trầy trật nghiên cứu, thạc sĩ Nguyễn Văn Diện và các cộng sự đã thành công trong việc áp dụng công nghệ nano để chế tạo máy ozone công nghiệp phục vụ xử lý môi trường. Máy ozone công nghiệp là sản phẩm duy nhất tại Việt Nam do Công ty sản xuất được. Hiện nay, sản phẩm đang được tiêu thụ trên cả nước, đặc biệt là khu vực Miền Trung và Miền Nam. Máy ozone công nghiệp sử dụng rất hiệu quả trong các hệ thống xử lý môi trường. Loại máy này với ưu điểm mẫu mã đẹp, nhỏ gọn, hiệu quả, điều khiển tự động, tiết kiệm điện năng, hoạt động ổn định, bảo hành miễn phí trong vòng 24 tháng. Máy ozone công nghiệp với công dụng xử lý mùi, màu và diệt khuẩn trong nước thải; xử lý mùi, màu và diệt khuẩn nước cấp sinh hoạt; xử lý mùi, màu và diệt khuẩn nước tinh khiết; xử lý mùi nơi công cộng và các nhà máy; bảo quản và chống ngộ độc thực phẩm. “Từ việc thành công của chiếc máy ozone công nghiệp, công ty tiếp tục ứng dụng công nghệ ozone vào Modul xử lý nước thải đô thị. Hiện tại Modul xử lý nước thải đô thị đang được rất nhiều khách hàng quan tâm và đặt hàng, thậm chí công ty không đủ sản phẩm để cung cấp cho khách hàng”, ông Nguyễn Văn Diện chia sẻ. Modul xử lý nước thải đô thị với thiết kế nhỏ gọn, không chiếm nhiều diện tích; không phải đào bới xây dựng bể chứa; dễ dàng di chuyển khi cần thiết; Công suất xử lý: 2 ÷ 6m3/ngày… Máy được sử dụng trong xử lý nước thải phòng khám đa khoa, thẩm mỹ viện, phòng khám nha khoa, phòng khám sản, phòng khám nhi. Sau khi đổi mới sáng tạo, doanh thu của Công ty đã tăng gấp đôi. Cụ thể từ năm 2010 đến 2012 doanh thu của công ty chỉ đạt bình quân 60 tỷ/năm, nhưng sau khi đổi mới sáng tạo, doanh thu từ đầu năm 2013 đến hết năm 2013 ước tính khoảng 120 tỷ/năm. Sản phẩm của công ty đạt chất lượng tương đương chất lượng sản phẩm từ Châu Âu, nhưng giá chỉ bằng 1/3. Nhiều chính sách ưu đãi và chế độ chăm sóc khách hàng chu đáo, đặc biệt là sản phẩm do Công ty sản xuất đều được bảo hành tới 24 tháng nên khách hàng yên tâm sử dụng. Vì vậy sản phẩm bán ra thị trường ngày một gia tăng, thương hiệu Nano ngày càng lớn mạnh và uy tín, được nhiều người biết đến. Thời gian tới, Công ty tiếp tục đổi mới sáng tạo để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, từng bước phấn đấu để đưa Công ty trở thành một trong các doanh nghiệp lớn mạnh hàng đầu trong nước. Đồng thời, Công ty sẽ tiếp tục đầu tư hợp tác với các chuyên gia trong và ngoài nước để tìm hiểu, nghiên cứu đưa ra sản phẩm mới trong thời gian tới… Ông Nguyễn Văn Diện chia sẻ, đổi mới sáng tạo là một việc cần phải làm đối với tất cả các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ như Công ty TNHH môi trường Nano. Với sự hỗ trợ kinh phí từ IPP và sự hợp tác với các chuyên đến từ Đại học Quốc gia, Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh, Công ty TNHH môi trường Nano đã mang lại thành công cho công ty. Đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp đòi hỏi nhiều điều kiện để thực hiện, trong đó điều kiện về tài chính và năng lực của đội ngũ chuyên gia tư vấn là cực kỳ quan trọng. Để việc đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp có hiệu quả cần có sự quan tâm và giúp đỡ của các cấp, sự chỉ đạo đồng bộ của ngành - và đặc biệt là sự nỗ lực học hỏi, rút kinh nghiệm của bản thân mỗi doanh nghiệp khi tham gia thực hiện. Phương Nga
|