|
|||
Phát triển trên quy mô sản xuất lớn TS. Nguyễn Văn Liễu, Vụ trưởng Vụ KHCN và Các ngành KTKT, Bộ KH&CN cho biết, có thể nói NNUDCNC ở nước ta đã manh nha có từ cuối những năm 1980 khi có những dự án về ứng dụng công nghệ nhà kính, nhà lưới do Israel tài trợ thực hiện tại Trung tâm Cây ăn quả Xuân Mai (Viện Nghiên cứu rau quả) với công nghệ tưới hiện đại. Tuy nhiên phải đến đầu những năm 2000 thì NNUDCNC mới lại được quan tâm. Điển hình là các dự án về phát triển khu NNUDCNC của Hà Nội, Hải Phòng,TP. Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Sơn La, Nghệ An, … Tuy nhiên, khi tiến hành NNUDCNC thì không phải lúc nào cũng thành công. Đã có không ít những dự án không thành công như mong đợi. Có thể kể đến Dự án phát triển NNUDCNC của Hà Nội, Hải Phòng theo kiểu “nhập khẩu rập khuôn” của Israel với công nghệ rất hiện đại. Các dự án này do các đơn vi thuộc nhà nước thực hiện và tập trung chủ yếu vào sản xuất các loại rau quả. Chúng ta nhập và áp dụng hầu như toàn bộ thiết bị, công nghệ canh tác của Israel, không có cải tiến phù hợp hóa nên các dự án này với kinh phí đầu tư cho một héc-ta sản xuất là trên 10 tỉ đồng năm 2000, nhưng sau một thời gian triển khai đều không thành công và đến nay có thể nói là đã thất bại hoàn toàn. Song bên cạnh đó cũng không ít các doanh nghiệp NNUDCNC thành công như Công ty TNHH Agrivina - Dalat Hasfarm® (100% vốn nước ngoài), Công ty CP CNSH Rừng hoa Đà Lạt ở Lâm Đồng, Công ty Hoa nhiệt đới ở Sơn La, Công ty TH True Milk ở Nghệ An và rất nhiều doanh nghiệp sản xuất cây giống, trồng hoa, sản xuất nấm ăn theo hướng UDCNC, chăn nuôi gia súc, gia cầm đã thành công trong việc UDCNC vào sản xuất. Các doanh nghiệp NNUDCNC đã tạo ra giá trị sản xuất nông nghiệp cao hơn hẳn trên đơn vị diện tích và tạo được nhiều việc làm cho người dân. Như vậy có thể nói trong vòng 10 năm, nhất là khoảng 5 năm trở lại đây NNUDCNC đã phát triển nhanh ở nước ta. Đặc biệt NNUDCNC đã phát triển trên quy mô sản xuất lớn ở một số địa phương, điển hình là ở Lâm Đồng, nơi đây sản xuất NNUDCNC (trồng rau, hoa, quả trong nhà nilon, nhà lưới; nhân giống bằng nuôi cấy mô; các công nghệ tưới tự động;…) đã thành phương thức sản xuất phổ biến của người nông dân. Cũng ở Đã Lạt (Lâm Đồng) hiện tại đã có trên 50 hộ gia đình đầu tư và vận hành rất thành công cơ sở nhân giống cây trồng bằng công nghệ nuôi cấy mô, một công nghệ mà cách đây 10-15 năm người ta nghĩ chỉ có thể thực hiện được bởi các cơ sở nghiên cứu. Tuy nhiên những kết quả đó chưa thực sự xứng với tiềm năng của một đất nước có ngành nông nghiệp phát triển như Việt Nam, ông Liễu nhận định Doanh nghiệp giữ vai trò trọng tâm Tuy đạt được một số kết quả khả quan nhưng việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp ở nước ra vẫn còn không ít. Nhiều nhà quản lý nhận định, những khó khăn, thách thức chủ yếu đối với phát triển NNUDCNC ở nước ta biểu hiện chủ yếu ở các mặt như: sự thiếu quy hoạch tổng thể toàn quốc cũng như ở từng địa phương dẫn đến có lúc bộ, ngành, địa phương đều nói tới việc phát triển NNUDCNC nhưng không biết bắt đầu từ đâu, phát triển như thế nào, dẫn đến tình trạng gọi là NNUDCNC mà công nghệ không cao. Bên cạnh đó, sự thiếu tập trung trong việc đầu tư nghiên cứu phát triển NNUDCNC hiện nay cũng là một trong những khó khăn không nhỏ. Việc nghiên cứu ứng dụng CNC trong nông nghiệp vốn đã không nhiều lại chỉ chủ yếu mới tập trung ở tổ chức KH&CN trong ngành nông nghiệp còn các nhà khoa học ở các lĩnh vực khác như vật liệu, cơ khí, tự động hóa, công nghệ thông tin, công nghệ nano…chưa quan tâm nhiều đến lĩnh vực này. Do vậy chúng ta chưa có nhiều công nghệ cao, đồng bộ trong nông nghiệp phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Đặc biệt, nguồn nhân lực cho phát triển NNUDCNC còn rất hạn chế: các chuyên gia công nghệ về công nghệ sinh học và các nguồn nhân lực khác cho phát triển NNUDCNC của nước ta không nhiều, thậm chí lực lượng lao động phổ thông được đào tạo để làm NNUDCNC cũng rất hạn chế. Mặc dù đã có một số ít doanh nghiệp đầu tư có hiệu quả và có triển vọng phát triển rất tốt song số doanh nghiệp đầu tư phát triển NNUDCNC còn quá ít so với nhu cầu và tiềm năng phát triển ở nước ta. Đầu tư cơ sở hạ tầng cho phát triển NNUDCNC tốn kém hơn nhiều so với phát triển nông nghiệp truyền thống, trong khi chính sách thu hút đầu tư, nhất là đầu tư của doanh nghiệp cho phát triển lĩnh vực này còn rất hạn chế,…trong khi đất nông nghiệp lại ngày càng bị thu hẹp. Nguyên nhân trên, theo TS. Nguyễn Văn Liễu, ở Việt Nam, hình thức sản xuất nông nghiệp nêu trên hiện đang được thống nhất trong các văn bản của Nhà nước (Quyết định 176/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến 2020, Quyết định 2457/QĐ-TTg về phê duyệt Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020). Các quyết định này đều đã nêu các giải pháp cơ bản để phát triển NNUDCNC, đó là: Quy hoạch khu, vùng NNUDCNC; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao CNC trong nông nghiệp; đào tạo nguồn nhân lực CNC cho nông nghiệp; có chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, tín dụng cho đầu tư phát triển NNUDCNC, tăng cường hợp tác quốc tế, nhập công nghệ để phát triển NNUDCNC,… Cũng theo ông Liễu, nhà nước cần xây dựng các chính sách ưu đãi hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa để hình thành nhiều doanh nghiệp NNUDCNC, trong đó có các doanh nghiệp được hình thành từ việc phát triển các sản phẩm KH&CN là các kết quả nghiên cứu trong nước; hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh về NNUDCNC. Đó là các chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp có đất “sạch” để sản xuất, cho vay với lãi xuất thấp, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại… việc phát triển mạnh các doanh nghiệp NNUDCNC sẽ tạo ra các “hạt nhân” thúc đẩy việc UDCNC trong sản xuất nông nghiệp ở các địa phương. Cần coi doanh nghiệp là đối tượng giữ vai trò trọng tâm trong công tác này. Doanh nghiệp luôn được coi là yếu tố quyết định trong công tác này (ảnh: H.A) Khẳng định doanh nghiệp giữ vai trò tiên quyết trong vấn đề này, ông Ngô Tiến Dũng - Tổng thư ký Hiệp hội các DN ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp cũng nhận định, cần đẩy mạnh việc nghiên cứu hoàn thiện công nghệ nhất là phù hợp hóa các công nghệ của nước ngoài. Các tổ chức KH&CN trong nước, nhất là các tổ chức KH&CN công lập phải tập trung vào nghiên cứu phát triển NNUDCNC, ươm tạo các doanh nghiệp KH&CN. Đặc biệt, tăng cường hỗ trợ nhiều hơn nữa việc xây dựng các mô hình NNUDCNC trong các chương trình hỗ trợ phát triển nông nghiệp như Chương trình Nông thôn miền núi, Chương trình Quốc gia phát triển công nghệ cao, Chương trình Phát triển sản phẩm quốc gia, Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia (của Bộ Khoa học và Công nghệ), Chương trình KH&CN phục vụ phát triển nông thôn mới, Chương trình khuyến nông (của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn),… Bài, ảnh: Hoàng Anh |