Bảo tồn gen bông quý
TS. Trần Thanh Hùng - Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển Nông nghiệp Nha Hố - Ninh Thuận chia sẻ, trong các loài cây trồng lấy sợi ở Việt Nam, bông, gai xanh và dứa sợi là các loại cây có lịch sử trồng trọt lâu đời. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của công tác tạo giống, công tác thu thập bảo quản nguồn gen cây có sợi ngày càng được chú trọng, đặc biệt là cây bông. Các công việc liên quan đến quỹ gen bông được bắt đầu từ thời kỳ thuộc Pháp.
Quỹ gen bông Việt Nam hiện đang bảo quản tại Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố khá phong phú về số lượng và chủng loại với 2.179 mẫu hạt giống, thuộc 04 loài. Trong đó, 03 loài trồng trọt chính, với 2.051 mẫu giống bông Luồi; 67 mẫu giống bông Hải đảo; 59 mẫu giống bông Cỏ và 2 mẫu giống bông dại. Tuy nhiên, đối với gai xanh, công tác này chưa được chú trọng, chỉ mới bắt đầu trong một vài năm trở lại đây với số lượng mẫu giống thu thập và lưu giữ rất ít và bắt đầu khai thác 2 mẫu giống.
Hiện tại, sản xuất bông Việt Nam chỉ mới đáp ứng 3 - 5% nhu cầu nguyên liệu xơ sợi cho ngành Dệt May, còn lại, sản xuất sợi từ các cây khác chủ yếu phục vụ nhu cầu truyền thống của người dân. Năng suất bông bình quân của nước ta thấp (440 - 460kg xơ/ha) và tăng chậm.
Hơn nữa, chi phí sản xuất cao, ước tính 11 - 12 triệu đồng/ha (570 - 600 USD/ha). Trung bình chi phí khoảng 1,1USD/1kg xơ, thuộc nhóm nước có chi phí sản xuất cao nhất và đang có xu hướng tăng theo giá cả vật tư, nhân công... Chính vì thế, các đơn vị sản xuất khó có thể dùng biện pháp tăng giá mua để kích thích người trồng, đồng thời, hiệu quả sản xuất bông thấp, rủi ro cao, cây bông mất ưu thế cạnh tranh so với cây trồng khác. Hơn nữa, một trong những hạn chế năng suất bông Việt Nam và làm tăng chi phí đầu vào là sâu hại (sâu đục quả, chích hút) và bệnh hại như đốm lá, phấn trắng... phổ biến ở các vùng.
Trước thực tế này, tăng giá trị đầu ra của sản phẩm bông và giảm chi phí sản xuất đầu vào hợp lý là giải pháp quan trọng để tăng khả năng cạnh tranh của cây bông nhằm khôi phục và phát triển bông trong nước. Theo đó, song song với bảo tồn và khai thác nguồn gen hiện có, cần thu thập bổ sung nguồn gen bông kháng sâu - rầy, chín sớm, bất dục đực và xơ màu nhằm giảm chi phí vật tư nông nghiệp, công lao động, giảm chi phí chế biến... Mặt khác, cần đẩy mạnh công tác thu thập, bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen cây gai xanh để phát triển ngành sản xuất sợi từ gai xanh, cung cấp nguyên liệu cho ngành dệt may, góp phần tăng giá trị đầu ra, đa dạng hóa sản phẩm và giảm dần việc nhập khẩu bông xơ, tiết kiệm ngoại tệ và chủ động sản xuất, bảo đảm ngành Dệt-May phát triển bền vững.
Bảo tồn an toàn nguồn gen hiện có; tiếp tục sưu tầm, tuyển chọn, bảo tồn an toàn, đánh giá, tư liệu hóa, tư vấn giới thiệu và đưa vào khai thác, phát triển các mẫu giống cây bông và cây có sợi khác có nguồn gen quý phục vụ nhu cầu nguyên liệu, sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế ngành Dệt May kết hợp bảo tồn đa dạng sinh học thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương.
Phát triền nghề sản xuất bông
ThS. Đặng Minh Tâm – Thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, đối với nguồn gen cây bông, công tác khai thác và phát triển được tập trung vào nguồn gen kháng 2 loại sâu hại chính là sâu xanh đục quả và rầy xanh chích hút. Trong nguồn gen hiện có đến năm 2000, đã xác định được 2 mẫu kháng sâu đục quả CS.95, CS.009 và 1 mẫu kháng rầy xanh chính hút TL.0035. Các nội dung khai thác, phát triển nguồn gen này được thực hiện từ năm 2010 đến nay.
Trên cơ sở nguồn vật liệu hiện có, nhóm nghiên cứu đã tiến hành phân lập và đánh giá 103 dòng chọn của 3 mẫu giống CS.95, CS.009 và TL.0035. Kết quả đã xác định được 2 dòng kháng sâu xanh đục quả CS.95-45, CS.009-19 và 1 dòng kháng rầy xanh chích hút TL.0035- 6 có các đặc tính phù hợp cho khai thác và phát triển.
Từ đó, các nghiên cứu bổ sung đã được thực hiện và xác định được một số biện pháp kỹ thuật phục vụ cho hoàn thiện quy trình nhân giống bằng hạt cho các dòng của 3 mẫu giống CS.95, CS.009 và TL.0035 trong vụ khô tại Nha Hố-Ninh Thuận; hoàn thiện được quy trình chế biến hạt cho các dòng của 3 mẫu giống CS.95, CS.009 và TL.0035 trong trong điều kiện kho lạnh ngắn hạn tại Nha Hố-Ninh Thuận cũng như hoàn thiện quy trình canh tác cho các dòng của 3 mẫu giống CS.95, CS.009 và TL.0035. Mặt khác, đã xây dựng được vườn nhân giống và sản xuất hạt giống các cấp với tổng diện tích 3,7 ha, sản lượng hạt giống thu được tổng cộng 3.033,8 kg, chất lượng hạt đạt tiêu chuẩn TCVN8548-2011.
Kết quả nghiên cứu đã triển khai trình diễn mô hình tại 3 vùng Tuy Phong - Bình Thuận, Cư Jút- Đắk Nông và Easieng-Đắk Lắk.
Đối với các công tác trong nhiệm vụ đánh giá di truyền nguồn gen cây bông, trong giai đoạn 2000 - 2012, do hạn chế về điều kiện trang thiết bị và nhân lực, chúng tôi chỉ thực hiện nội dung nghiên cứu đánh giá tiềm năng di truyền nguồn gen cây bông. Trong đó, trên cơ sở dữ liệu hiện có của 261 mẫu giống mang gen quý, chúng tôi thực hiện nghiên cứu đánh giá đa dạng di truyền theo các chỉ tiêu địa lý, hình thái; từ đó, phân nhóm giống và thiết lập các sơ đồ lai đỉnh, lai kiểm định và luân giao.
Tổng cộng trong hơn 10 năm nghiên cứu, 18 đơn vị thí nghiệm đánh giá bố mẹ và con lai đã được triển khai, qua đó, xác định được mẫu hình di truyền của 9 tính trạng năng suất và chất lượng xơ, xác định được khả năng phối hợp chung của 241 mẫu giống bố mẹ và khả năng phối hợp riêng của 1.120 tổ hợp lai.
Nhóm nghiên cứu cũng đã chọn lọc được 153 tổ hợp lai cung cấp cho khảo nghiệm VCU, 28 tổ hợp lai cho sản xuất thử ở các vùng sinh thái; công nhận chính thức cho 3 tổ hợp VN01-2, VN04-3 và VN04-4 và công nhận tạm thời cho 2 tổ hợp VN35KS và VN04-5.
Bài, anh: Hoàng Anh
|