Bản in
Thúc đẩy truyền hình số hóa bằng công nghệ lai ghép băng rộng và quảng bá
Với mục tiêu thúc đẩy dịch vụ truyền hình số quảng bá, đặc biệt là truyền hình số mặt đất có thể cung cấp các dịch vụ tương tác tiên tiến nhất trong khi không yêu cầu băng thông cao, các cán bộ của Công ty TNHH Dịch vụ Truyền hình - Viễn thông Việt Nam (VTV Broadcom) thuộc Đài Truyền hình Việt Nam đã thực hiện thành công cấp Nhà nước Đề tài Nghiên cứu ứng dụng công nghệ truyền hình lai ghép băng rộng và quảng bá…

Công nghệ truyền hình trên thế giới đang phát triển rất nhanh với đa dạng các chuẩn công nghệ số hóa (DVB, ATSC, ISDB, DTMB, IPTV), được chia làm 2 nhóm với 22 phương thức truyền dẫn độc lập là truyền hình quảng bá (tương tự, DVB, ISDB, ATSC,…) và truyền hình internet (IPTV). Truyền hình quảng bá truyền tải theo phương thức phát dữ liệu một chiều từ đài truyền hình tới người sử dụng thông qua một trong ba cách thức: phát mặt đất, phát vệ tinh, phát qua mạng cáp. Truyền hình internet cho phép truyền tương tác 2 chiều, khắc phục nhược điểm của truyền hình quảng bá. Tuy nhiên, việc phần lớn dữ liệu của các kênh truyền hình là video, audio, lượng dữ liệu tương tác chỉ chiếm phần nhỏ nên việc phát truyền hình chất lượng cao (HD, Full HD) qua internet đòi hỏi băng thông đường truyền khá cao, cần một cơ sở hạ tầng rất tốt để thực hiện, điều này ngày càng trở nên khó khăn khi lượng người dùng ngày một tăng lên.

Để khắc phục hạn chế, các nước châu âu, đi đầu là Đức, Pháp đã nghiên cứu một chuẩn công nghệ với mục tiêu tận dụng các hạ tầng có sẵn là truyền hình số và internet, phối hợp chúng lại để tạo ra một sản phẩm tương tác - truyền hình lai ghép băng rộng và quảng bá HbbTV (Hybrid broadcast broadband Television). HbbTV vừa khắc phục được nhược điểm không có kênh tương tác ngược của truyền hình quảng bá, vừa không đòi hỏi băng thông đường truyền internet lớn, người sử dụng chỉ cần dùng đường truyền internet thông thường của hộ gia đình cũng có thể đáp ứng được các ứng dụng, dịch vụ. HbbTV được giới thiệu lần đầu tại triển lãm IFA 2008 và năm 2010 được tổ chức ETSI đưa ra trở thành tiêu chuẩn toàn cầu.

Ở nước ta hiện chưa tận dụng được các mặt mạnh của công nghệ truyền hình số và viễn thông như tương tác trên truyền hình internet, tương tác trên truyền hình quảng bá. Từ thực tế đó, Bộ KH - CN giao VTV Broadcom thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu công nghệ HbbTV tại Việt Nam với đề tài KC.01.11/11-15 “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ truyền hình lai ghép băng rộng và quảng bá”. Mục tiêu chính của đề tài là nghiên cứu làm chủ công nghệ truyền hình lai ghép, cụ thể xây dựng hệ thống mẫu điển hình để thử nghiệm, sản xuất thiết bị đầu cuối (đầu thu) mẫu có thể đưa vào ứng dụng ngay sau khi kết thúc đề tài.

Ths. Trần Nam Trung - Chủ nhiệm đề tài cho biết, đến nay, nhóm nghiên cứu đã xây dựng thành công hệ thống truyền hình lai ghép HbbTV trong phòng thí nghiệm; thiết kế, chế tạo thành công đầu thu chuẩn HbbTV và các ứng dụng tương tác với người sử dụng thông qua internet. Hệ thống HbbTV được xây dựng gồm 3 thành phần chính: hệ thống phát quảng bá; hệ thống datacenter và ứng dụng (có nhiệm vụ lưu trữ các dữ liệu, ứng dụng tương tác qua internet); đầu thu HbbTV (có chức năng giải mã dòng tín hiệu video/audio broadcast, báo hiệu ứng dụng tương tác và dòng truyền tải dữ liệu qua internet).

Hệ thống đã được thử nghiệm, đánh giá tại Trung tâm Tin học và Đo lường, Đài Truyền Hình Việt Nam. Kết quả cho thấy hệ thống chạy tốt và đáp ứng quy chuẩn QC63:2012/BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông. Kết quả được công bố theo biên bản đo kiểm số 25/KQTN-2013.

Kết quả của đề tài là cơ sở để nhóm nghiên cứu tiến hành xây dựng hệ thống phát sóng HbbTV trên quy mô toàn quốc trên cơ sở hạ tầng truyền hình số mặt đất DVB-T2 và truyền hình số cáp DVB-C của Đài Truyền hình Việt Nam. Hiện Đài Truyền hình Việt Nam đã quyết định đưa kết quả đề tài ra triển khai thử nghiệm dịch vụ sớm vào năm 2014.