Bản in
Kỹ sư Việt và chiếc tàu cao tốc 2 thân đầu tiên
Hơn giờ 10 sáng 12-9-2013, chiếc tàu cao tốc mang tên GreenCat rời cồn Quy (xã Tân Thanh, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) thực hiện chuyến chạy thử nghiệm cuối cùng trước khi xuất xưởng. Trên bờ, hàng chục công nhân dõi mắt trông theo con tàu chầm chậm tiến ra dòng sông lớn. Ít ai nghĩ rằng, chỉ sau hơn 1 năm thi công, con tàu cao tốc hai thân với nhiều công nghệ hiện đại đã hoàn thành từ chính đôi bàn tay khéo léo của các công nhân miền sông nước Nam bộ.

Chế tàu từ vật liệu chống đạn

Tàu cao tốc GreenCat là sản phẩm hợp tác chế tạo bởi 50 công nhân thuộc Công ty Greenlines DP (Vũng Tàu) và Công ty Đóng tàu Tân Á Đông (Tiền Giang). Tàu có 42 chỗ, có thể đạt tốc độ tối đa 35 - 45 hải lý mỗi giờ (chạy tuyến TPHCM - Vũng Tàu mất khoảng 1,5 giờ). Kết cấu 2 thân độc đáo giúp tàu ít bị chông chênh khi gặp sóng lớn.

Là một trong những nhân vật chính cho ra đời con tàu, TS Lê Huy Thảo, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty GreenLines, cho biết: “Chúng tôi đã tìm đến nhiều xưởng đóng tàu nổi tiếng thế giới để học hỏi kinh nghiệm. Nhưng ngoài các cách chế tác quen thuộc, các phần được cho là bí mật công nghệ đều được giấu kín. Đó là thách thức khi trở về Việt Nam bắt tay thực hiện con tàu”.

Theo TS Lê Huy Thảo, ngoài vật liệu composite khá quen thuộc, vỏ tàu còn được gia cố thêm sợi Kevlar. Đây là loại vật liệu có tính đàn hồi và hấp lực khá cao, được sử dụng để làm áo chống đạn. Kết hợp 2 vật liệu này giúp GreenCat nhẹ hơn rất nhiều so các loại tàu bè cùng kích cỡ. Khi xảy ra va đập làm thủng vỏ, tàu cũng không bị chìm.

Trên thế giới, tất cả những con tàu thi công bằng vật liệu composite đều được chế tạo bằng phương pháp thủ công hoặc bán thủ công. Nên việc tạo dáng và độ chính xác đến từng milimet đòi hỏi tay nghề của công nhân phải thật vững và kinh nghiệm. Tàu còn được trang bị 2 động cơ của hãng MTU (CHLB Đức), với hệ thống đẩy của hãng Rolls-Royce. Những động cơ thế hệ mới này có hiệu suất lớn, trọng lượng nhẹ, thiết kế gọn, tiêu hao ít nhiên liệu… và máy phải thiết kế phù hợp với vỏ tàu mới đảm bảo đạt hiệu suất cao nhất.

Để tính toán được từng thông số phù hợp như vậy, các kỹ sư của công ty phải trải qua gần 4 năm nghiên cứu, mang đi thử nghiệm không đạt phải bỏ làm lại. Tính đến khi xuất xưởng, con tàu đã qua gần 10 mô hình thử nghiệm cùng số tiền bỏ ra lên đến vài tỷ đồng. Những ngày gần hoàn thành, áp lực công việc cũng tăng gấp nhiều lần. Các kỹ sư phải làm việc từ 6 giờ sáng đến gần 11 giờ khuya…

Đủ sức thay thế tàu cánh ngầm

Thời gian gần đây, một loạt sự số của tàu cánh ngầm hoạt động trên tuyến Vũng Tàu - TPHCM được các cơ quan thông tin đại chúng phản ảnh đã khiến hành khách đi tàu lo ngại. Trong đó, tình trạng tàu cánh ngầm chết máy hoặc máy bị trục trặc trôi dạt giữa biển xảy ra phổ biến. Mới đây nhất, Cảng vụ đường thủy nội địa TPHCM đã tạm đình chỉ 6 tàu cao tốc cánh ngầm 1 máy. Bộ GTVT cũng lập đoàn thanh tra toàn diện tàu cánh ngầm tại Hải Phòng, TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu. 

Theo ông Trần Song Hải, Tổng Giám đốc Greenlines DP, các loại tàu cánh ngầm 1 máy sau hơn 15 năm khai thác đã trở nên già nua cũ kỹ và cần được thay thế. Nhưng nếu nhập khẩu loại tàu có tính năng tương tự từ Australia, New Zealand, Na Uy, Phần Lan… thì giá thành vô cùng cao. Với mặt bằng lãi suất của các ngân hàng Việt Nam hiện nay, việc đầu tư những thế hệ tàu mới này gần như không thể thực hiện được.

Trong khi đó, GreenCat do chính Việt Nam sản xuất, chi phí cho một chiếc tàu 42 chỗ vào khoảng 1 triệu USD, thấp hơn một đến 2 lần so với việc mua mới tàu từ nước ngoài. Khi đưa vào sử dụng, GreenCat còn được trang bị máy lạnh, cách âm tiếng ồn và lắp wifi... đảm bảo tiện nghi và rộng rãi hơn so với tàu cánh ngầm hiện nay. Từ đây đến cuối năm sẽ có 6 tàu từ 60 - 120 chỗ ngồi được đưa vào sử dụng chở khách tuyến TPHCM - Vũng Tàu và Hà Tiên - Phú Quốc. 

Ông Huỳnh Văn Tiến, Giám đốc Công ty Đóng tàu Tân Á Đông còn cho biết, GreenCat ngoài đáp ứng giao thông thương mại đường thủy còn sẵn sàng phục vụ để vận chuyển quân, hàng hóa đến Trường Sa. Bên cạnh đó, hiện công ty cũng có kế hoạch cung cấp các tàu cao tốc phục vụ cho mục đích quốc phòng, cứu hộ, cứu nạn khi cần thiết.