Bản in
Chế tạo chất giữ ẩm, tăng năng suất cây trồng
Các nhà khoa học Việt Nam đã chế tạo vật liệu polymer siêu hấp thụ nước, trộn vào đất, tăng năng suất nhiều loại cây và bước đầu thương mại hóa.

Hiện nay, biến đổi khí hậu đã làm ảnh hưởng lớn đến nông nghiệp. Theo TS Nguyễn Lập Dân - Viện Địa lý, gần 20 năm vừa qua, hiện tượng hạn hán và sa mạc hóa đã gia tăng cả về không gian và quy mô, đặc biệt là 4 vùng trọng điểm gồm Tây Bắc, Tứ giác Long Xuyên, miền Trung và Tây Nguyên.

Vì vậy, việc giữ ẩm cho đất để canh tác nông nghiệp mà lại hiệu quả kinh tế là bài toán khó đặt ra với các nhà khoa học. GS.TS Nguyễn Văn Khôi cùng các đồng nghiệp của Viện Hóa học, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam đã hoàn thiện dự án sản xuất thử nghiệm cấp nhà nước KC.02.DA01/06-10 về chế tạo polymer siêu hấp thụ nước.

Sản phẩm là hợp chất đem trộn vào đất khô cằn, vùng gặp nhiều hạn hán...để giữ ẩm cho cây hoặc vận chuyển cây non, hoa...đi xa.

Trao đổi cới Chất lượng Việt Nam, GS Nguyễn Văn Khôi cho biết, polymer siêu hấp thụ nước đã và đang được nhiều nơi đặt mua, trong quá trình thực hiện Dự án đã thử nghiệm polymer siêu hấp thụ nước trong nhiều lĩnh vực như trồng cây trên bãi thải khai thác than tại mỏ Than Hà Tu – Quảng Ninh; trồng cây keo, bông, và một số cây phân xanh trên bãi thải khai thác than tại mỏ than núi Hồng, Thái Nguyên, trồng cây đồng mức chắn sóng biển tại Thừa Thiên Huế, ngoài ra còn áp dụng thành công tại nhiều địa phương trên nhiều loại cây trồng...

Sản phẩm được trưng bày tại triển lãm nông nghiệp.

Các loại cây trồng thử nghiệm hiệu quả tăng rõ rệt (về năng suất, tỷ lệ cây sống thường đạt 100%) so với không sử dụng polymer siêu hấp thụ nước.

Trước đó, các nhà khoa học đã khảo nghiệm sản phẩm ở đất cát và đất đồi Thừa Thiên Huế, áp dụng cho cây sắn, cây lạc, dưa hấu...tại địa phương này. Kết quả khảo nghiệm cho thấy, cứ cho 35kg chất polymer này/ha thì cây sinh trưởng phát triển mạnh nhất và cho năng suất cao nhất.

Hiện nay, polymer siêu hấp thụ nước đang được nhiều nơi đặt mua, và đã áp dụng thành công ở nhiều nơi như Sở Nông nghiệp Nông thôn Ninh Thuận và Bình Thuận, hàng năm nhiều Ban quản lý rừng tại Bình Thuận đặt mua mỗi năm lên đến hàng chục tấn.

GS Nguyễn Văn Khôi mong muốn được nhà nước đầu tư nhiều hơn để tiếp tục phát triển đề tài, mở rộng sản xuất để hạ giá thành sản phẩm.