Bản in
Đẩy mạnh hoạt động ứng dụng, đổi mới và chuyển giao công nghệ
Đầu tư và đổi mới công nghệ là vai trò sống còn của doanh nghiệp, thời gian qua, các công nghệ được chuyển giao đã phát huy hiệu quả lớn, phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tăng lợi nhuận cũng như tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp khi họ đầu tư vào đổi mới công nghệ.

Tuy nhiên, theo ông Tạ Việt Dũng, Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, hoạt động này cũng đang gặp phải những khó khăn vướng mắc như: thiếu cơ chế tài chính cho hoạt động đổi mới công nghệ, nguồn nhân lực của doanh nghiệp để tiếp nhận chuyển giao công nghệ, cơ chế thu hút đội ngũ làm tổ chức môi giới trung gian và tư vấn về chuyển giao công nghệ,…

- Xin ông đánh giá hiệu quả hoạt động trình diễn và kết nối kết nối cung - cầu công nghệ trong thời gian vừa qua?

- Ông Tạ Việt Dũng: Hiệu quả hoạt động trình diễn kết nối cung - cầu công nghệ trong 3 năm qua đã được khẳng định qua những kết quả cụ thể. Trải qua 3 kỳ diễn ra sự kiện này đã có trên 66 nhu cầu công nghệ của các doanh nghiệp trong khu vực đã được xác định. Trên 100 nguồn cung công nghệ theo nhu cầu chúng tôi đã tìm kiếm và qua đó đã ghép nối cho các bên có nguồn cung và nguồn cầu cùng trao đổi và thống nhất trong hợp đồng chuyển giao công nghệ. Đã có 22 hợp đồng chuyển giao công nghệ với giá trị lên tới trên 350 tỷ đồng.

Các công nghệ được chuyển giao đã phát huy hiệu quả lớn, phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tăng lợi nhuận cũng như tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp khi họ đầu tư vào đổi mới công nghệ. Đối với những mô hình tốt sẽ được nhân rộng trong thời gian sắp tới.

- Qua hoạt động trình diễn kết nối cung - cầu công nghệ, ông thấy đâu là những vướng mắc cần tháo gỡ?

- Ông Tạ Việt Dũng: Tôi cho rằng, một trong những vướng mắc đó là liên quan đến cơ chế tài chính cho hoạt động đổi mới công nghệ. Trong đó tập trung vào cơ chế tài chính hỗ trợ cho doanh nghiệp vay vốn, bảo lãnh vốn vay và các hỗ trợ cho doanh nghiệp để đổi mới công nghệ. Thứ hai là nguồn nhân lực của doanh nghiệp để tiếp nhận chuyển giao công nghệ. Tiếp đó là cơ chế thu hút đội ngũ làm tổ chức môi giới trung gian và tư vấn về chuyển giao công nghệ.

Trong thời gian tới, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ cũng sẽ tham mưu cho Bộ KH&CN và các đơn vị liên quan để đưa các cơ chế chính sách mới vào hoạt động chuyển giao công nghệ. Trong đó tập trung vào các cơ chế tài chính như hỗ trợ bảo lãnh vốn vay và cho vay. Cục sẽ tiếp tục hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực quản lý, quản trị và cập nhật công nghệ mới cho doanh nghiệp. Cùng với đó là phối hợp với các tổ chức môi giới, tổ chức trung gian về công nghệ để đưa hoạt động kết nối công nghệ phát triển hơn nữa cả về chiều sâu lẫn chiều rộng.

- Vậy sắp tới Bộ KH&CN có những giải pháp cụ thể nào để hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ?

- Ông Tạ Việt Dũng: Hiện tại Bộ KH&CN đã và đang triển khai các chương trình quốc gia như: Chương trình sản phẩm quốc gia, chương trình đổi mới công nghệ quốc gia và chương trình công nghệ cao. Tất cả các chương trình đều có phần hỗ trợ cho các doanh nghiệp đổi mới công nghệ và nhập khẩu công nghệ liên quan đến hỗ trợ vay vốn và bảo lãnh vốn vay. Vì vậy, thời gian tới Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế tài chính liên quan đến chương trình đổi mới công nghệ quốc gia và đặc biệt là Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia để đưa Quỹ vào hoạt động và sẽ hỗ trợ được cho các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong cơ chế tài chính trong hoạt động đổi mới công nghệ.

Hoạt động trình diễn kết nối cung - cầu công nghệ sẽ ngày một phát triển hơn nữa (Ảnh: HH)

- Các doanh nghiệp chia sẻ rằng họ có nhu cầu đổi mới công nghệ nhưng các biên bản đã được ký kết không được triển khai thực hiện nhiều trong thực tế. Vậy Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ trong thời gian khảo sát vấn đề này có nhận thấy điều đó không?

- Ông Tạ Việt Dũng: Thực chất tất cả công nghệ được ký kết chuyển giao trong hoạt động trình diễn kết nối cung - cầu công nghệ là những nhu cầu công nghệ có thực và rất cấp bách mà các doanh nghiệp đang cần. Vì khi triển khai tìm kiếm nhu cầu công nghệ này Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ đã phối hợp với hiệp hội doanh nghiệp các tỉnh, các Sở KH&CN và các tổ chức khác để điều tra khảo sát nhu cầu công nghệ của các doanh nghiệp rất nhiều vòng. Qua các vòng điều tra khảo sát đó xác định được nhu cầu công nghệ nào là có thực và nhu cầu công nghệ khả thi nhất để đưa ra kết nối cung - cầu công nghệ. Sau kết nối nhu cầu công nghệ, chúng tôi còn tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tiếp tục trao đổi, thảo luận và đi đến ký kết các hoạt động chuyển giao công nghệ cũng như hỗ trợ cho họ để thực hiện hoạt động chuyển giao công nghệ thành công.

- Vậy, qua 3 năm triển khai hoạt động này, theo số liệu thống kê của Cục có bao nhiêu phần trăm biên bản ký kết được triển khai vào thực tế, thưa ông?

- Ông Tạ Việt Dũng: Trong các kỳ chuyển giao ký kết hợp đồng công nghệ, chúng tôi đều có hợp đồng cụ thể. Ngoài ra, có một số ít các biên bản thỏa thuận và các hợp đồng chuyển giao công nghệ, thực chất sau đó họ đã triển khai rất tốt và các biên bản thỏa thuận chúng tôi tiếp tục hỗ trợ cho các bên có nguồn cung và nguồn cầu công nghệ để họ thực hiện chuyển thành hợp đồng chuyển giao công nghệ. Bởi vì hoạt động kết nối cung cầu công nghệ không chỉ diễn ra tại sự kiện kết nối cung cầu mà còn diễn ra trước, trong và sau sự kiện. Đặc biệt, sau sự kiện chúng tôi vẫn tiếp tục hỗ trợ cho các doanh nghiệp và các nhà cung cấp công nghệ hoàn thiện hợp đồng chuyển giao công nghệ.

- Nhiều ý kiến cho rằng để thúc đẩy chuyển giao công nghệ, kết nối cung cầu công nghệ, nhà nước đóng vai trò đầu tư hỗ trợ kinh phí lớn, quan điểm của ông thế nào?

- Ông Tạ Việt Dũng: Vấn đề đầu tư và đổi mới công nghệ là vai trò sống còn của doanh nghiệp. Vì vậy, doanh nghiệp phải thấy được đầu tư đổi mới công nghệ là vấn đề cấp thiết của mình và có hay không có sự hỗ trợ của Nhà nước thì doanh nghiệp phải có sự đầu tư để đổi mới. Sự đầu tư của nhà nước cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ là cú hích, là động lực để hỗ trợ thêm cho doanh nghiệp trong giai đoạn doanh nghiệp gặp khó khăn và vướng mắc.

- Xin cảm ơn ông!

Phương Nga – Diệu Huyền (Thực hiện)