Bản in
Màng trị bỏng nội: Giảm đau đớn, chi phí cho bệnh nhân
“Là một người làm việc lâu năm trong ngành y, hơn ai hết, tôi hiểu nỗi đau của những bệnh nhân không may bị bỏng. Việc tìm ra phương pháp điều trị mới ít gây đau đớn và tốn kém cho bệnh nhân chính là động lực thôi thúc tôi thực hiện đề tài này”.

Đó là lời chia sẻ của TS, dược sĩ Huỳnh Thị Ngọc Lan (Khoa Dược trường ĐH Y - Dược TP.HCM) khi nói về việc bà cùng các cộng sự chế tạo thành công màng trị bỏng Acetul – mở ra một hướng điều trị bỏng mới tại Việt Nam.

Ám ảnh từ những vết bỏng lâu lành

Trao đổi với chúng tôi về tầm quan trọng của việc sử dụng màng trị bỏng trong công tác điều trị, TS Ngọc Lan cho biết: “Hầu hết các ca bỏng nặng (từ độ 3 trở lên), tổn thương thường kèm theo những vết thương mất da, dễ dẫn tới nguy cơ nhiễm trùng cao, làm cơ thể mất đi một lượng lớn nước và muối khoáng, chất điện giải do sự bay hơi liên tục từ bề mặt vết thương. Với các trường hợp như vậy, vết thương sẽ mau lành hơn khi được giữ trong điều kiện thích hợp, nghĩa là cần có một lớp màng để bảo vệ”.

Theo nghiên cứu mới nhất của UB Quốc gia về phòng chống tai nạn, thương tích và Cục Y tế dự phòng, số lượng tai nạn bỏng trong cả nước hiện đứng thứ 2 chỉ sau tai nạn giao thông với khoảng 20.000 đến 25.000 bệnh nhân mỗi năm cùng nhiều mức độ nặng nhẹ khác nhau. Cũng theo thống kê của viện bỏng quốc gia, 80% nạn nhân bỏng xuất thân từ những gia đình có thu nhập thấp, trong khi chi phí cho một ca điều trị bỏng nặng là rất tốn kém.

Hiện nay, Việt Nam đang sử dụng chủ yếu hai loại màng trị bỏng là màng bạc Nano của Trung Quốc và màng Collagen của Pháp. Màng bạc Nano có tính sát khuẩn lớn, được dùng chủ yếu trong những ca bỏng nặng nhưng có giá khá cao. Màng Collagen giá thấp hơn nhưng khi sử dụng, màng này dính chặt vào vết thương, gây đau đớn cho bệnh nhân nếu cần phải lấy ra trong quá trình điều trị. Thêm vào đó, do phụ thuộc nguồn hàng nhập khẩu nên số lượng cũng khá hạn chế, nhiều khi không đáp ứng đủ nhu cầu chữa trị của bệnh nhân.

“Việc nghiên cứu ra một loại màng trị bỏng mới, có thể sản xuất tại Việt Nam sẽ khiến cho công tác điều trị diễn ra kịp thời, thuận lợi, giảm sự đau đớn về thể xác cho bệnh nhân. Thêm vào đó, do được sản xuất trong nước, giá thành sẽ rẻ hơn nên tiết kiệm được rất nhiều chi phí cho bệnh nhân so với việc trị bỏng nhập từ nước ngoài” - đó là chia sẻ của TS Lan về nguyên nhân thực hiện nghiên cứu đề tài “Chế tạo màng trị bỏng và tổn thương mất da từ Cellulose vi khuẩn phối hợp với hoạt chất mau lành vết thương từ dầu mù u và tinh dầu tràm” để cho ra đời một loại màng trị bỏng mới mang tên Acetul.

TS Huỳnh Thị Kim Lan đang nghiên cứu, chế tạo thêm những chiếc màng trị bỏng

Màng trị bỏng Acetul ra đời

Theo TS Lan, việc sử dụng màng sinh học vào công tác điều trị bỏng không còn là điều mới mẻ với y học thế giới, trong kinh nghiệm dân gian, việc sử dụng dầu mù u và tinh dầu tràm để trị bỏng cũng không phải là việc xa lạ. Từ đây, ý tưởng kết hợp hai thứ này lại với nhau để tạo ra một loại màng mới, có công dụng tốt hơn đã được hình thành.

Bắt tay vào nghiên cứu từ năm 2007, phải đến tận năm 2010, chiếc màng trị bỏng đầu tiên (màng Acetul) mới chính thức được ra đời. Thành phần chính tạo nên màng Acetul là Cellulose vi khuẩn kết hợp với hoạt chất mau lành vết thương từ dầu mù u và tinh dầu tràm trà Úc. Cellulose vi khuẩn là sản phẩm của một số loài vi khuẩn được ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực. Riêng y học, Cellulose vi khuẩn được nghiên cứu dùng làm tá dược, mặt nạ dưỡng da, mạch máu nhân tạo và đặc biệt sử dụng làm màng sinh học trị bỏng…

Loại dầu mù u được sử dụng ở đây là loại dầu đã được tinh chế, có khả năng làm mau lành vết thương, tăng sự tạo mô hạt, đẩy nhanh sự tăng sinh của tế bào. Bên cạnh đó, tinh dầu tràm trà Úc có tính kháng viêm, kháng khuẩn và làm giảm mùi hôi khó chịu ở những vết thương nhiễm khuẩn, tạo cảm giác dễ chịu khi sử dụng.

Nhờ thành phần chế tạo, chiếc màng này có tính cản khuẩn tuyệt đối, đồng thời có tác dụng chống viêm, phù nề và kích thích tái tạo mô và biểu mô hóa vết thương. Ngoài ra, do được thiết kế rất nhẹ và mỏng (0,2 mm) nên khi đắp lên vết thương không khác gì một miếng da tự nhiên. “Khác với các màng trị bỏng khác như màng Nano hay màng Collagen, màng Acetul có khả năng che phủ, hút dịch và bay hơi khá cao, tạo cho vết bỏng sự thông thoáng, khô ráo, do đó khi cần có thể lấy ra dễ dàng mà không gây đau đớn cho người dùng”, TS Lan cho biết.

Sau khi nghiên cứu thành công, màng trị bỏng Acetul đã được tiến hành thử nghiệm lâm sàng tại Viện Bỏng quốc gia và nhận được sự đánh giá cao từ đội ngũ y bác sĩ nơi đây. Sắp tới, sau khi sản phẩm được công nhận và đăng ký sáng chế sở hữu trí tuệ, màng trị bỏng Acetul sẽ được TS Lan tìm kiếm những nhà sản xuất có đủ điều kiện để sản xuất đại trà, phục vụ công tác chữa trị bệnh trong cả nước. Vị nữ TS nói: “Niềm vui lớn nhất không phải là khi mình chế tạo thành công chiếc màng trị bỏng, mà là khi chiếc màng trị bỏng đó được các y bác sĩ công nhận là có hiệu quả, được sử dụng rộng rãi trong việc điều trị, mang lại niềm vui cho nhiều bệnh nhân khi gặp cảnh không may”.