|
||||
Không phải cơ duyên, là chuyện của khoa học Chuyện công ty sơn Kova của Việt Nam chế tạo thành công sơn nano từ vỏ trấu đã râm ran khắp nơi trong ngành sơn và chế tạo vật liệu trung gian trong nước và quốc tế từ cả tháng nay ngay từ khi thư mời tham dự hội thảo “Sơn nano composite từ vỏ trấu” được phát đi. Nhưng ít ai biết câu chuyện bắt đầu từ khi phải ngủ ở sân bay xứ Mỹ khi đi dự hội thảo khoa học, và là một hành trình rất dài miệt mài trong phòng thí nghiệm từ 6 giờ sáng đến tối khuya ở công ty Kova. “Không có chuyện cơ duyên nhặt được vỏ trấu đâu, chúng tôi phải đối diện với một bài toán kinh tế và một khát vọng khoa học: làm thế nào tìm ra nguyên vật liệu để sản xuất được sơn nano thay thế cho Tetra Ethoxy Silane phải nhập ngoại quá tốn kém hiện nay. Đi tìm kiếm, thử nghiệm rất nhiều giải pháp khác nhau ròng rã nhiều năm trời, tiêu tốn vài chục tỷ đồng nhưng niềm tin thì không đổi. Chỉ cần chúng tôi nghiên cứu ra một vật liệu nào đó có sẵn tại Việt Nam, mà phải có rất nhiều để sản xuất, mà không bị phụ thuộc vào việc nhập ngoại, không phải lo nghĩ tới đô la và có thể hình dung được việc xuất khẩu… Cuối cùng thành quả là vỏ trấu…” – bà Hòe chia sẻ. Trước một cử tọa gồm hơn 250 người là các nhà khoa học bạn hữu, các đơn vị kinh doanh sơn và các chế phẩm từ sơn toàn cầu, người phụ nữ từng nhận giải thưởng khoa học quốc tế này vui vẻ “khoe”: “Hằng năm, người nông dân sản xuất ra nhiều lúa gạo, bên cạnh sản phẩm chính là gạo, thì một lượng lớn vỏ trấu thải ra chỉ sử dụng để đốt, làm phân bón… giá trị rất thấp. Sản phẩm Nano Silicate tách ra từ vỏ trấu có thể dùng để tổng hợp ra Colloidal – là một binder (chất trung gian) có giá trị vô cùng lớn và dùng được cho rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Chúng tôi làm sơn nên tính toán lại quy trình sản xuất một chút, điều chỉnh đầu vào của sản phẩm thay vì phải nhập khẩu từ nước ngoài thì sử dụng nguyên liệu đã tách ra từ vỏ trấu. Điều khó khăn nhất trong toàn bộ dự án này, là làm thế nào để tỉ lệ nguyên liệu làm sơn sử dụng đến 50% là chiết xuất từ vỏ trấu. Cuối cùng hôm nay tôi rất mừng là chúng tôi đã thành công”. Và người chế tạo sơn chống… đạn Thế nhưng, chuyện vỏ trấu làm thành sơn chỉ mới là phần đầu của những chuyện độc đáo mà phòng thí nghiệm của công ty này có thể tạo ra. Khi bà Hòe giới thiệu việc đã hoàn chỉnh quá trình thương mại hóa của dòng sơn chống đạn thì mới làm mọi người bất ngờ. “Chuyện cũng lâu rồi, đó là lần tôi đi công tác ở Mỹ, được vào tham quan cơ quan NASA. Sau khi nghe giới thiệu về sản phẩm sơn của Kova, người hướng dẫn đoàn chỉ tay vào chiếc tên lửa hiện đại của Mỹ và hỏi: “Bà có làm được loại sơn dùng để sơn tên lửa mà đạn bắn không thủng không?”. Lúc đó, bà Hòe nhớ lại: “Tôi bảo rằng chưa được. Trong lòng thấy cũng hơi mắc cỡ một chút. Nhưng lại nói thêm: Chưa được nhưng không phải là không được”.
Chuyện cứ tưởng là thôi ở đó. Vậy mà sự đam mê thử thách của một nhà khoa học, cộng với quyết tâm của một người luôn tự hào về sản phẩm của Việt Nam không cho phép bà ngồi yên. Suốt 10 năm qua, bà lúc nào cũng lui tới với dự án nghiên cứu sản phẩm sơn chống đạn. Các cộng sự của Kova thì lại tỏ ra vô cùng thích thú với đề bài này. Và sau một thập kỷ, họ trình làng lời giải, lại có chút vượt mong đợi khi trong công thức tạo ra loại sơn chống đạn này có cả vỏ trấu, với những tính năng vượt trội so với áo chống đạn của nước ngoài. Thông thường áo giáp cần sử dụng từ 20 – 40 lớp vải Kevlar, điều này khiến áo rất dày và nặng, chi phí làm áo cũng rất cao. Nếu sử dụng sơn chống đạn Kova để sơn lên các lớp vải này thì có thể giúp làm giảm số lớp Kevlar xuống chỉ còn từ 4 – 6 lớp, sức mạnh chống đạn của áo không đổi nhưng trọng lượng của áo đã được giảm đi khoảng 60-70%. Đi tìm giải pháp cho cuộc sống “Nhiều lúc tôi cũng như người bị nghiện. Nhìn đâu cũng thấy việc mình phải làm. Như mấy hôm nay, đọc báo thấy gần đây các vụ cháy nổ nhiều quá, tôi thấy mình phải làm sơn chống cháy để bảo vệ dân mình…” – bà Hòe cho hay. Giải pháp chống cháy của Kova vẫn bám sát hai cột trụ mà họ đang theo đuổi: nano và vỏ trấu. Công thức tưởng chừng khá đơn giản: với nhà cao tầng sử dụng sắt thép trong bộ khung nhà, nếu xảy ra cháy lớn thì các cột thép sẽ mềm ra và nhà bị sập, vì vậy việc chống cháy cho sắt thép là rất quan trọng, từ nhà cửa, bệnh viện cho đến trường học, nhà máy, siêu thị… đều cần quan tâm điều này. Nghe qua thì thấy vậy, nhưng làm thế nào để kéo dài thời gian chậm cháy thì lại là một câu chuyện công nghệ khá dài: cơ chế chống cháy của nano (các hạt siêu nhỏ) và cơ chế chống cháy phồng (tạo ra một lớp bọt phồng bao quanh bên ngoài) làm cho quá trình chống cháy dài hơn và ngăn cản khói bụi gây ngạt thở - vốn là tác nhân chủ yếu gây ra tử vong trong các vụ cháy. Người cựu giảng viên trường đại học Bách Khoa TP.HCM này đã trình bày các chuỗi phản ứng hóa học mà bà theo đuổi khi nghiên cứu về loại sơn chống cháy này: “Trong công trình nghiên cứu của mình, chúng tôi đã sử dụng sự kết hợp tính năng chống cháy phồng và vật liệu nano Silicat từ colloidal vỏ trấu, bao gồm sự kết hợp các amoni polyphrosphate là một muối vô cơ của acid polyphrosphoric và amoniac có chứa một chuỗi poly có phân nhánh, công thức hóa học (NH4PO3)n mang polymer với n<100. Các polyphrosphate có thể hoạt động như một chất chống cháy kết hợp với nền binder silicat nano và các binder polimer hữu cơ…”. Một chuỗi sơ đồ, hình ảnh thực nghiệm, công thức hóa học, so sánh tiêu chuẩn… được đưa ra. Các nhà khoa học thì gật gù tán thưởng, các nhà kinh doanh có hơi lúng túng nhưng nhiều người tỏ ra hứng thú với những gì được nghe, bởi họ hiểu rằng, phía sau một sản phẩm, là cả một luận chứng khoa học nghiêm túc, dày dặn và đầy đủ. Chinh phục một thị trường mới Thật ra, chuyện một nhà khoa học hay một công trình khoa học của Việt Nam thắng giải ở các cuộc thi quốc tế không phải là hiếm. Chuyện khó hơn là làm thế nào để đưa những nghiên cứu này vào thực tiễn một cách hiệu quả để tạo ra những sản phẩm của Việt Nam có thể cạnh tranh với hàng ngoại tại thị trường trong nước cũng như các thị trường quốc tế mới là bài toán nan giải. Cũng nhiều người hoài nghi khi bà Hòe một mình mang sơn Kova đi đấu thầu các công trình lớn ở Singapore, Malaysia hay Indonesia để “chiến đấu” với các nhà thầu quốc tế.
“Cũng không phải lần nào mình cũng thắng, nhưng mà mình bền bỉ, và quan trọng hơn là Kova hiểu vùng nhiệt đới gió mùa của vùng Đông Nam Á hơn nên đó chính là một lợi thế cạnh tranh. Việc tham khảo một công trình của nước ngoài, thật ra không khác gì lắm so với việc tôi phơi những vật đã sơn bằng sản phẩm của mình trên sân thượng căn nhà ngoài Hà Nội để xem những suy nghĩ của mình trong phòng thí nghiệm phải đối diện với mưa, gió, vi khuẩn và nấm mốc ra sao… Công trình xây dựng cũng thế, mình có hiểu nó, có chạm vào nó, thì mới biết đâu là giải pháp phù hợp nhất với nó chứ…”. Và chính suy nghĩ này của bà đã dắt Kova đi vào các công trình ngày càng lớn: cả một hệ thống đại siêu thị Vivo City, cả một chuỗi khách sạn 5 sao, hay chỉ là những chi tiết rất nhỏ mà bà bị “mê” như phòng hút thuốc có loại sơn khử mùi, phòng ăn cho học sinh có loại sơn kháng khuẩn… “So với các hãng sơn lớn trong nước thì Kova hiện tại có một điểm yếu là quảng báo sản phẩm không bằng. Điều này đã giúp giảm chi phí marketing vào giá thành sản phẩm. Tuy nhiên khi so với sản phẩm có chất lượng tương đương trên thị trường thì chúng tôi là sản phẩm có giá thành thuộc dạng cao, nguyên nhân chính của việc này là do đa số các nguyên liệu nhập xuất phát từ các nước Mỹ, châu Âu. Nhưng giờ đây với vỏ trấu, chúng ta có thể cạnh tranh mạnh mẽ hơn…”- bà Hòe bày tỏ.
|