|
|||
Vớt rác trên sông Nhóm sinh viên ĐH Sao Đỏ (Hải Dương) vừa trình làng robot vớt rác mặt nước.Giảng viên Nguyễn Trọng Quỳnh (Trung tâm nghiên cứu và phát triển robot ĐH Sao Đỏ), chủ nhiệm đề tài, cho biết đây là tác phẩm của nhóm 4 sinh viên Nguyễn Hoài Nam (lớp 03CK3LT), Lê Hải Dăng, Nguyễn Kim Luyện và Nguyễn Văn Tuấn (cùng lớp 07CDT, cùng Khoa Cơ khí ĐH Sao Đỏ). Theo sinh viên Nguyễn Hoài Nam, ý tưởng đến từ những lần dạo bờ hồ và đặc biệt là tình trạng ô nhiễm trên sông Tô Lịch, chiếc gậy dài của công nhân tỏ ra bất lực trước “biển” rác, vừa tốn thời gian mà hiệu quả không cao nên cần thiết phải có một robot để giải phóng sức người, bảo vệ sức khỏe người lao động và dọn rác được nhanh, nhiều. Suốt 8 tháng, nhóm 4 sinh viên mò mẫm, vừa tự bỏ tiền túi vừa tận dụng vật liệu, thiết bị như tôn, sơn, máy hàn... từ xưởng thực hành ngành tàu thủy của nhà trường. Robot vớt rác giống dạng tàu hai thân giúp robot cân bằng, bên trong hút chân không để nổi trên mặt nước, giữa hai thân là khoang chứa rác, robot di chuyển linh hoạt tiến lùi, quay trái phải trên mặt nước nhờ hai động cơ gắn với bánh lái. Sức mạnh của robot nằm ở hệ thống vớt rác gồm ba bộ phận chính: hai phao nổi vươn góc 45 độ như đôi tay gom rác vào băng chuyền có hình dạng như những thanh cào làm nhiệm vụ kéo rác lên thùng, bộ phận cuối là một trục quay có chức năng cào rác khi đã đưa vào khoang chứa. Hệ thống điều khiển của robot vớt rác cho phép hoạt động trong phạm vi 800 m nhờ công nghệ sóng RF có độ ổn định cao, ít bị nhiễu. Đặc biệt, robot hoạt động hoàn toàn bằng pin năng lượng mặt trời, không gây hại cho môi trường, đây là bộ phận đắt tiền nhất “ngốn” mất 5 triệu đồng trong toàn bị chi phí 9 triệu đồng chế tạo robot. Ban tổ chức Techshow Robocon Việt Nam 2013 nhận định ưu điểm của robot vớt rác là cấu tạo đơn giản, chi phí rẻ, di chuyển linh hoạt trên nước trong mọi điều kiện thời tiết, và có bước cải tiến đáng kể khi dùng nguồn năng lượng xanh. Robot có khả năng vớt được gần như toàn bộ các loại rác thải nổi trên bề mặt sông hồ như chai lọ, ni lông, vỏ lon... Ở giai đoạn tiếp theo, nhóm sinh viên tiếp tục phát triển công nghệ nhận dạng giúp robot tự xử lý, phân loại rác thải giúp việc tái chế và xử lý trở nên dễ dàng hơn, gắn thêm hệ thống băng tải thẩm thấu để xử lý tràn dầu hoặc chất lỏng nguy hại để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp khi sản phẩm được chuyển giao, thương mại hóa.
|